Cùng người khuyết tật khởi nghiệp

Ngày đăng: 02/04/2020 - 668 lượt đọc

Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi Đà Nẵng nỗ lực tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật (NKT) kiếm thêm thu nhập, vượt qua nghịch cảnh hòa nhập với cộng đồng.

Không chỉ là mái nhà chung ấm áp nghĩa tình, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi Đà Nẵng (gọi tắc Hội) còn nỗ lực tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật (NKT) kiếm thêm thu nhập, vượt qua nghịch cảnh hòa nhập với cộng đồng.

Mọi người tập trung làm việc để những chiếc áo may ra đạt hiệu quả và được thị trường đón nhận.

Trong suốt thời gian qua, niềm trăn trở lớn nhất của các cán bộ tại Hội là có thể giúp được nhiều NKT trên địa bàn có việc làm, tạo thêm thu nhập để nuôi sống bản thân và gia đình. Có mặt tại xưởng may của Hội vào những ngày cuối tháng 3, một khu nhà hai tầng khang trang, sạch đẹp với đầy đụ dụng cụ hiện đại đang được vận hành trơn tru bởi những NKT. Cơ sở may này được đặt P. Hòa Khánh Nam (Q. Liên Chiểu). Hội đã tận dụng một ngôi trường mầm non không còn sử dụng sau đó cải tạo lại phòng ốc, vận động sắm sửa nhiều máy móc hiện đại để những NKT có thể đủ điều kiện sản xuất may mặc.

Vào bên trong xưởng may, ngoài âm thanh phát ra từ máy may xen lẫn tiếng cắt vải xoành xoạch thì hầu như không có một tiếng động nào phát ra. Bởi, NKT làm việc tại đây đa phần đều là những người bị câm điếc bẩm sinh nên mọi giao tiếp với nhau đều dùng ký hiệu để trao đổi. Trước khi đưa xưởng may vào hoạt động, Hội đã hỗ trợ cho 5 NKT được tiếp cận, học hỏi kỹ năng về dệt may tại cơ sở may chuyên nghiệp ở Lạng Sơn. Các em đều là người trẻ trong độ tuổi đôi mươi, chỉ trong thời gian 3 tháng, từ những người tay chân còn lóng ngóng giờ đây thành phẩm của các em may ra là những chiếc áo thun in hình sắc sảo, áo chống nắng với những đường kim mũi chỉ đẹp mắt thu hút người tiêu dùng.

Mặc trên người chiếc áo thun có cổ do chính tay mình may, em Trần Đình Luận (18 tuổi) cho hay, học may vừa dễ vừa vui. Từ từ gập nếp những mảnh vải, Luận cẩn thận, tỉ mỉ đạp máy may di chuyển mũi kim đều tay. Sau 3 tháng học ở Lạng Sơn, cậu thanh niên này mạnh dạn, lanh lẹ hơn nhiều, không chỉ may được các loại áo, sản phẩm của Luận còn là những chiếc quần tây có chất lượng.

Ngồi trên Luận là em Trương Tuấn Anh (18 tuổi), mới chỉ vào xưởng may được hơn 1 tháng nhưng em được đánh giá là người rất thông minh, nhanh nhẹn. Mọi công đoạn may đều được em tiếp thu nhanh chóng và áp dụng thành thạo. Chiếc máy vắt sổ được mọi người e dè vì chạy nhanh nhưng đều được em sử dụng thuần thục. Chỉ vào chiếc áo màu cam nổi bật đang mặc trên người, Tuấn Anh ra dấu tay cho biết đây là áo do chính tay em may và ba của em cũng được sở hữu một chiếc áo thun đẹp không kém.

Theo sát “cầm tay chỉ việc” cho các em mới vào xưởng may chị Lê Thị Tố Quỳnh (46 tuổi, trú Q.Thanh Khê) cũng là một NKT hoạt động trong Hội tâm sự: “Tôi vốn có nghề may và cũng từng đi làm công nhân xưởng may tư nhiều năm liền. Từ khi Hội mở xưởng, tôi xin về vừa hỗ trợ chỉ dẫn cho các em mới vào nghề, vừa giúp xưởng may phát triển hơn. Mỗi em một khiếm khuyết trên cơ thể, để dạy cho các em khuyết tật không phải dễ. Em khiếm thính thì tôi phải ra dấu minh họa, cầm tay hướng dẫn từng chút một, có em khuyết tật tay thì mình kiên nhẫn hướng dẫn hơn để em làm theo kịp”.

Bất ngờ nhất là dàn máy in vải hiện đại được Hội đầu tư lên cả trăm triệu để sử dụng in lên từng sản phẩm. Tập trung đưa máy in đến đúng vị trí của chiếc áo, anh Trương Đình Tuấn (40 tuổi) đã trải qua nhiều lần phẫu thuật não sau chấn thương tai nạn giao thông. Chân và tay của anh đều có di chứng nên việc cầm nắm cũng khó khăn hơn so với nhiều người. Anh tâm sự từng câu một: “Trước kia tôi chỉ ở nhà không có việc làm vì bản thân cũng không có đủ năng lực để làm việc. Từ ngày được Hội nhận vào học sử dụng máy in, tôi được làm việc, được lao động như mọi người. Tuy có khó khăn nhưng tôi sẽ cố gắng để làm thành thạo hơn”.

Xưởng may của Hội được chia làm hai khu, một bên dành cho các bạn khuyết tật nặng hơn gia công giẻ lau, một bên gia công đồ may mặc. Sản xuất giẻ lau được Hội thành lập từ năm 2015 với số lượng ban đầu chỉ 3 người, nhưng đến nay đã có 10 NKT làm việc tại đây vì đơn đặt hàng ngày càng nhiều. Các thành phẩm đều được các công ty ủng hộ với số lượng mỗi tháng đều đặn trên cả vài tấn giẻ. Hằng ngày mỗi em làm ra thành phẩm từ 20kg – 30kg giẻ, và tất cả đều được chấm công với hình thức ghi trên một chiếc bảng nhỏ. Ai làm được bao nhiêu thì tự ghi vào đó, đến cuối tháng sẽ được trả công đúng với số lượng của mình làm ra. Bà Trịnh Thị Ngân (cán bộ Hội kiêm quản lý xưởng may) là người trực tiếp trả lương cho các bạn khuyết tật bộc bạch: “Cứ đến ngày đầu tháng, các em khuyết tật làm việc tại khu sản xuất giẻ lau đều háo hức chờ đợi đến ngày nhận được những đồng tiền mình làm ra rồi ai nấy cũng vui vẻ, phấn khởi. Nhờ có thế mà các em mới có động lực làm việc và thấy bản thân mình có ý nghĩa hơn. Xưởng may mặc mới thành lập ban đầu cũng đã thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của các đơn vị đặt hàng như: Đại học Y dược Đà Nẵng và một số trường học, các quán ăn với những bộ đồ đồng phục. Hy vọng thời gian tới những sản phẩm của các em làm ra được thị trường đón nhận nhiều hơn để giúp các em có nguồn thu nhập ổn định, chăm lo được đời sống của mỗi bạn”.

Nguồn: enternews.vn

Sưu tầm: Ngọc Song