Phát triển dịch vụ xã hội, đảm bảo an sinh xã hội đối với người khuyết tật

Ngày đăng: 03/12/2020 - 812 lượt đọc

Vẫn còn tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật (NKT). Cần phải tạo môi trường phát triển dịch vụ xã hội, nâng cao chất lượng an sinh xã hội đối với NKT…

Phó trưởng ban thường trực ban kinh tế trung ương Cao Đức Phát phát biểu khai mạc hội thảo, sáng 2-12 - Ảnh: Đ.BÌNH

Ông Cao Đức Phát, Phó trưởng ban thường trực Ban kinh tế trung ương, nhấn mạnh như vậy khi phát biểu khai mạc hội thảo khoa học quốc gia "công tác xã hội đối với người khuyết tật", sáng 2-12 do Ban Tuyên giáo trung ương, Ban Kinh tế trung ương cùng Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng trung ương tổ chức.

Theo ông Phát, những năm qua, Đảng, nhà nước và nhân dân luôn quan tâm đến công tác NKT, đã ban hành, triển khai nhiều chủ trương, chính sách chăm lo, bảo đảm quyền và phát huy vai trò của NKT, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội và phát triển bền vững, giúp NKT ngày càng tự tin, thuận lợi hơn hòa nhập vào đời sống xã hội.

Các cơ quan nhà nước triển khai nhiều hoạt động trợ giúp NKT, tạo cơ hội bình đẳng nhằm đáp ứng tốt hơn quyền lợi chính đáng, hợp pháp, động viên để NKT phát huy năng lực, vươn lên hòa nhập, đóng góp cho xã hội…

"Mặc dù đã có những kết quả tốt trong công tác trợ giúp NKT, nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn về kinh tế, hạ tầng cơ sở xã hội thiếu thốn, chưa thể đáp ứng thỏa đáng các nhu cầu nguyện vọng của NKT. Vẫn còn NKT thuộc hộ nghèo, cận nghèo, sức khỏe hạn chế, thiếu việc làm, chưa tiếp cận được các dịch vụ xã hội và sống phụ thuộc vào trợ giúp của gia đình và xã hội. Một bộ phận cán bộ và người dân nhận thức chưa đầy đủ, xem công tác NKT là hoạt động nhân đạo, từ thiện, là trách nhiệm của ngành lao động, thương binh và xã hội.

Đặc biệt, vẫn còn tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với NKT. Một số nơi công tác tổ chức thực hiện pháp luật về NKT còn chậm, chưa toàn diện; công tác xã hội đối với NKT còn nhiều bất cập, hạn chế…", ông Phát nhấn mạnh.

Phó trưởng ban thường trực Ban Kinh tế trung ương cho rằng thời gian tới cần chủ động thực hiện có hiệu quả các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước đối với NKT, tạo mọi điều kiện để NKT có cuộc sống hòa nhập cộng đồng.

Ông Phát cũng đề nghị hội thảo đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho NKT, xây dựng các mô hình công tác xã hội nhằm đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội xã hội, tạo việc làm và khởi nghiệp sáng đối với NKT. Tạo môi trường phát triển dịch vụ xã hội, nâng cao chất lượng an sinh xã hội đối với NKT.

Nhiều đại diện bộ, ban ngành trung ương, các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách đã tham dự hội thảo về công tác xã hội đối với người khuyết tật, sáng 2-12 - Ảnh: Đ.BÌNH

Theo thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam có khoảng 6,2 triệu NKT, chiếm hơn 7% dân số từ 2 tuổi trở lên, khoảng 12 triệu gia đình sống chung với NKT, 58% NKT là nữ, gần 30% NKT là trẻ em, 10% NKT thuộc hộ nghèo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Bradley Bessire - phó giám đốc Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc chăm lo, hỗ trợ cho NKT trong những năm qua. Đại diện USAID khẳng định Việt Nam luôn là đối tác tin cậy của USAID, từ năm 1999 đến nay, tổ chức này đã hỗ trợ hơn 125 triệu USD giúp cho NKT Việt Nam cải thiện cuộc sống.

"Sự hợp tác đã đạt nhiều kết quả trong việc cải cách chính sách, chế độ liên quan đến Luật NKT, từ đó loại bỏ sự kỳ thị đối với NKT. USAID cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ 65 triệu USD cho Việt Nam trong 5 năm tới, giúp cho cuộc sống của NKT tốt hơn", phó giám đốc USAID tại Việt Nam khẳng định.

Đồng tình với các ý kiến, bà Sitara Syed, phó trưởng đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, cho rằng những khó khăn liên quan đến đói nghèo của NKT lớn hơn rất nhiều so với người nghèo bình thường. NKT đang phải sống trong những rào cản rất lớn để có thể hòa nhập…

"NKT phải được tạo mọi cơ hội để có thể tham gia vào những quyết định liên quan đến cuộc sống của họ. Đó là nguyên tắc quốc tế về quyền NKT", bà Sitara Syed nhấn mạnh.

Nguồn: tuoitre.vn

Sưu tầm: Ngọc Song