Ảnh chụp màn hình toàn cảnh Hội thảo trực tuyến
Quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ hội viên nữ phát triển toàn diện về mọi mặt, trong đó chú trọng công tác hỗ trợ, động viên chị em thực hiện quyền kết hôn, quyền làm mẹ, chăm lo xây dựng hạnh phúc gia đình được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Hội Người mù Việt Nam tích cực triển khai suốt nhiều năm qua với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả như:
Phối hợp với các bộ ban ngành liên quan tổ chức tập huấn về công tác gia đình, bình đẳng giới cho cán bộ phụ trách Công tác Phụ nữ và Trẻ em các tỉnh, thành hội.
Các cấp hội thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về Luật Hôn nhân, gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình..., đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cùng các phong trào của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam như: xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch", rèn luyện 4 phẩm chất của người phụ nữ trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước "tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang", "Phụ nữ học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc". Cùng với đó, tổ chức nhiều hoạt động phong phú nhân các ngày lễ lớn của nữ giới như: các cuộc thi Tìm hiểu kiến thức theo mô hình “Chiếc nón kì diệu”, Tọa đàm về vai trò của người phụ nữ trong gia đình, chia sẻ kinh nghiệm giữ lửa yêu thương; Hội thi nấu ăn, phụ nữ khéo tay hay làm.. Đặc biệt, nhân ngày Gia đình Việt Nam năm 2020, nhiều chị em tại các tỉnh, thành hội phía Nam đã tích cực tham gia cuộc thi “Gia đình đọc sách - gắn kết yêu thương” do Trung ương Hội phối hợp với Vụ Thư viện - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, mang ý nghĩa thiết thực và có sức lan tỏa trong cộng đồng. Nhiều đơn vị cũng đã duy trì tốt các câu lạc bộ Bếp hồng hạnh phúc, Gia đình không sinh con thứ ba, Gia đình hạnh phúc, Phụ nữ niềm tin ... Qua đó, giúp cán bộ, hội viên nói chung, cán bộ, hội viên nữ nói riêng thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của gia đình, có thêm kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm xây dựng, gìn giữ hạnh phúc gia đình, nuôi con khỏe, dạy con ngoan.
Bên cạnh đó, các cấp hội cũng rất quan tâm đến công tác giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm và hỗ trợ hội viên nữ xây dựng hạnh phúc gia đình. Nhiều hội viên nữ được hỗ trợ học xóa mù chữ, phục hồi chức năng hoặc tham gia học tập tại các trường phổ thông, trung cấp, cao đẳng, đại học. Số chị em tốt nghiệp cao đẳng, đại học ngày càng nhiều, một số chị em có bằng Thạc sĩ, có 02 bằng cử nhân, hay được nhận học bổng của các trường đại học quốc tế. Cũng thông qua các lớp học, tổ sản xuất và các hoạt động tập thể đã tạo nên môi trường giao lưu, tìm hiểu để từ đó nhiều chị em đã tìm được người bạn đời để xây dựng tổ ấm của riêng mình.
Các đại biểu Trung ương Hội Người mù Việt Nam tham dự Hội thảo tại Văn phòng Trung ương Hội
Bằng những hoạt động thiết thực và cụ thể của các cấp hội, công tác “Hỗ trợ hội viên nữ xây dựng hạnh phúc gia đình” trong toàn hội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Thời gian tới, Hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ ban ngành liên quan, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tích cực tham tham gia vào các chương trình về công tác gia đình và bình đẳng giới, đẩy mạnh các hoạt động nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ mù. Đặc biệt, quan tâm hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ nữ, tạo điều kiện để các cán bộ trong Ban Công tác Phụ nữ và Trẻ em nắm bắt các chương trình, các cuộc vận động, phong trào của Hội Liên hiệp Phụ nữ, kịp thời triển khai, phổ biến cho chị em phụ nữ mù.
Phạm Mai
Bình luận
Viết bình luận