Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, đại biểu nêu ra nhiều băn khoăn xoay quanh vấn đề sách giáo khoa (SGK), lĩnh vực đã và đang nhận được sự quan tâm của dư luận thời gian qua.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu: Nghị quyết 88 nói một chương trình nhiều bộ SGK nhưng thực tiễn có tiết kiệm trong việc in ấn SGK không? Trước nghi ngại từ dư luận liên quan tới độc quyền trong hoạt động của Nhà xuất bản Giáo dục, bà Nga đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục - Đào tạo làm rõ điều này.
Cầm cuốn sách lớp 1 trên tay, bà Nga cho biết, trước đây bài tập có sách riêng, SGK có sách riêng, nhưng bây giờ bài tập lại chung, học sinh buộc phải ghi bài tập vào sách. Với cách in ấn sách như hiện nay, học sinh khóa sau không thể dùng được nữa. Tại sao lại phải ghi bài tập vào sách giáo khoa?
Cùng mối quan tâm, Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho hay, cá nhân bà đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo khóa trước, cùng nhiều đại biểu Quốc hội, tuy nhiên, Bộ Giáo dục - Đào tạo nói đấy không phải sách giáo khoa, mà chỉ là sách bài tập, sách tham khảo.
Theo bà Hải, dù giá mỗi cuốn sách chỉ từ 10 – 12 nghìn đồng, nhưng lại ảnh hưởng tới muôn nhà, khi hiện nay cả nước có tới 15,6 triệu học sinh. Bà Hải đề nghị bộ trưởng tổ chức thanh tra ngay vấn đề này, đặc biệt liên quan tới biểu hiện lợi ích nhóm giữa biên soạn và phát hành sách.
Cùng với đó, đại biểu đề nghị vấn đề thí điểm, thí nghiệm trong giáo dục, cần có tổng kết, đánh giá và có công bố rõ ràng, tránh để thời gian thí điểm quá lâu, trong khi cử tri không biết thí điểm đó tốt ở điểm nào, xấu ở điểm nào. Bà Hải cũng đề nghị bộ trưởng quan tâm hơn tới vấn đề người phát ngôn, để thể hiện rõ chính kiến của bộ trước các vấn đề nóng, tránh gây hoang mang.
Liệu có độc quyền?
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đánh giá, lĩnh vực giáo dục có nhiều thành quả, làm được nhiều việc, nhưng xưa nay, đây cũng là lĩnh vực có nhiều ồn ào trong xã hội. Liên quan đến SGK, ông Bình đề nghị cần công khai lộ trình triển khai thế nào, để mọi người biết chúng ta đang giải quyết những vấn đề gì.
Ông Bình cho biết, hiện theo luật định, chúng ta đang có 1 chương trình giao về cho Bộ GD&ĐT và NXB giáo dục phát hành. “Hình như đây là hiện tượng vi phạm luật về độc quyền. Uỷ ban đã giám sát trong năm 2018 về vấn đề xuất bản SGK. Chúng tôi sẽ báo cáo giám sát vào cuối năm và sẽ công bố kết quả”, ông Bình cho hay.
Theo đánh giá của đoàn giám sát về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, 14 đề án để thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết 29/TƯ đã được xây dựng, triển khai; đến nay 10 đề án đã được ban hành, 2 đề án đã trình và 2 đề án đang hoàn thiện. Việc đổi mới tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia hai trong một đã mang lại những kết quả nhất định. Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cơ bản được thực hiện theo lộ trình.
Tuy nhiên, theo đoàn giám sát, kết quả kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia còn để xảy ra sai phạm ở một số địa phương, gây bức xúc trong nhân dân. Việc phân luồng học sinh phổ thông, nhất là phân luồng sau trung học cơ sở chuyển biến chậm. Việc dạy và học ngoại ngữ còn những khó khăn nhất định. Nhiều địa phương thực hiện mô hình VNEN không hiệu quả. Tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định vẫn chưa được khắc phục, công tác sửa đổi, phát hành sách giáo khoa còn nhiều bất cập.
Theo Tiền Phong
Nguyễn Triệu (st)