Người khiếm thị Hà Nội luôn thực hiện lời dạy của Bác “Tàn nhưng không phế”

Ngày đăng: 19/03/2021 - 1112 lượt đọc

Đêm Giao thừa Tết Bính Thân năm 1956, khi Bác đến thăm Trường Thương binh hỏng mắt Hà Nội, Bác Hồ đã nói với các đồng chí thương binh tại đây “Các cô, các chú tàn nhưng không phế”. Lời dạy ấy vẫn luôn ghi sâu vào trong tâm trí của mỗi người khiếm thị Hà Nội

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, những thương bệnh binh, những người khuyết tật dù sức khỏe có hạn chế, nhưng họ vẫn là những con người có nhận thức, có trí tuệ, thì còn khát vọng sống và khả năng tham gia vào các hoạt động chung của xã hội. Lời dạy đó của Bác đã khích lệ tinh thần người khuyết tật nói chung và người khiếm thị Hà Nội nói riêng luôn phấn đấu vươn lên trong học tập, lao động và đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, góp phần vào sự phát triển chung của xã hội. 
Từ đó, ta bắt gặp trong cuộc sống hình ảnh anh thương binh đã cống hiến hết tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc, trở về đời thường với đôi mắt không còn ánh sáng vẫn hăng say tham gia lao động sản xuất, tích cực đóng góp cho phong trào hoạt động Hội, giúp những người đồng cảnh vượt lên khó khăn, mặc cảm và luôn mang trong tim mình tinh thần cống hiến chút sức “tàn” cho quê hương, đất nước sáng ngời phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ. 
Ta bắt gặp hình ảnh những bạn sinh viên khiếm thị vượt qua rào cản của khuyết tật để đến trường với muôn vàn khó khăn trong quá trình học tập vẫn đạt được những kết quả cao trong học tập và họ đã có những đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng người khiếm thị như: chị Đào Thu Hương, hội viên Hội Người mù quận Đống Đa đã tốt nghiệp thủ khoa Khoa Tiếng Anh, đại học Sư phạm Hà Nội và hiện nay chị là người khiếm thị Việt Nam duy nhất làm việc cho  UNDP – Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, chị Nghiêm Thu Loan hội viên Hội Người mù huyện Ứng Hòa đã dành được học bổng toàn phần của Đại học RMIT tại Việt Nam, hay có thể kể đến chị Nguyễn Thị Hồng hội viên Hội Người mù huyện Thanh Trì đã tốt nghiệp thủ khoa Khoa xã hội học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà nội và còn rất nhiều các tấm gương khác về người khiếm thị vượt khó vươn lên trong học tập.
Trong lao động cũng có những con người đầy khát vọng để trở thành “ông chủ” của cơ sở xoa bóp bấm huyệt tạo việc làm cho những người đồng tật như: vợ chồng anh Tạ Đình Hán ở quận Hoàn Kiếm là chủ của 3 cơ sở xoa bóp bấm huyệt của người khiếm thị, tạo việc làm cho khoảng 30 lao động là người khiếm thị, với thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/người/tháng, hay vợ chồng anh Trung và chị Uyển quê Sóc Sơn cũng có cơ sở xoa bóp bấm huyệt của người khiếm thị với doanh thu hàng năm cả trăm triệu đồng và tạo việc làm cho nhiều người khiếm thị của các tỉnh thành hội khác.
Còn trong lĩnh vực công nghệ thông tin thì có anh Phùng Văn Toản và anh Phùng Mạnh Tuấn hội viên Hội Người mù Sơn Tây tự tìm tòi, nghiên cứu viết phần mềm giúp người khiếm thị tiếp cận công nghệ thông tin. 
Đó là những tấm gương tiêu biểu của cán bộ hội viên người mù 
Hà Nội đã nỗ lực trong học tập, lao động để đóng góp cho sự phát triển của tổ chức Hội nói riêng và Hà Nội nói chung. 
Có thể nói với lời dạy “Tàn nhưng không phế” của Bác đã là động lực hết sức mạnh mẽ giúp cán bộ hội viên Hội Người mù Hà Nội tự tin khẳng định mình, đóng góp một phần sức lực vào công cuộc phát triển của xã hội và hòa nhập với cộng đồng. 
Qua đó, chúng ta thấy được lòng biết ơn, niềm kính yêu vô hạn của người khiếm thị cả nước nói chung và người khiếm thị Thủ đô nói riêng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.  Thấy được giá trị nhân văn sâu sắc của lời dạy “Tàn nhưng không phế”, lời dạy thiêng liêng của Bác đã tiếp thêm động lực, niềm tin, giúp các thế hệ người khiếm thị trong cả nước nói chung cũng như người khiếm thị Thủ đô nói riêng không gục ngã trước khó khăn, thử thách và vững bước tiến lên trên con đường đi tìm ánh sáng của cuộc đời.

Bùi Ngọc Song