Ấn tượng về người phụ nữ khiếm thị thành đạt

Ngày đăng: 15/11/2013 - 1106 lượt đọc

Thứ sáu, 15 Tháng 11 2013 22:13 Ở tuổi 32, dù đôi mắt không nhìn thấy ánh sáng, Đỗ Thúy Hà vẫn xinh đẹp, dịu dàng và đằm thắm, và điều ấn tượng nhất không chỉ là bề ngoài mà chính là nghị lực phấn đấu vươn lên để gặt hái được những thành công trong cuộc sống của cô.

Nghị lực phi thường

Đỗ Thúy Hà xinh đẹp, dịu dàng và đằm thắm - Ảnh: NVCC

Tâm sự với chúng tôi, Đỗ Thúy Hà cho biết, quê gốc của chị ở Hà Nội. Theo mọi người kể, Hà được sinh ra khỏe mạnh bình thường như bao đứa trẻ khác với đôi mắt to tròn, đen lay láy. Lên 6 tuổi, Hà được đến trường như bao các bạn cùng trang lứa, nhưng đột nhiên đôi mắt chị mờ nhanh, đến mức Hà nhìn được mọi vật như qua màn sương che phủ.Cha mẹ đưa đi khám, bác sĩ kết luận chị bị bệnh thoái hóa võng mạctừ khi còn bẩm sinh, một trường hợp rất khó chữa trị.

Thương con, bố mẹ đã đưa Hà đi nhiều bệnh viện nhưng việc chữa trị vẫn không tiến triển. Tình trạng mỗi ngày một trầm trọng hơn.Một ngày, cô giáo buồn rầu nói với bố mẹ chị, Hà khó có thể tiếp tục học được vì đôi mắt hầu như không nhìn thấy chữ. Dù biết bệnh của con hơn hết, nhưng bố mẹ Hà vẫn sốc khi nghe điều này.

Phải nghỉ học, nhưng Hà vẫn mày mò học chữ.Thương cháu, ông nội Hà đã dùng bút tự viết những chữ to ra giấy để Hà nhìn vào các nét chữ để học.Năm lên 9 tuổi, bố mẹ Hà quyết định cho chị học lớp chữ nổi dành cho người khiếm thị tại trường Nguyễn Đình Chiểu.

Hà tâm sự, “học với các bạn cùng cảnh ngộ, tôi bớt dần mặc cảm, sống vui vẻ hơn và luôn là một trong những học sinh đứng đầu lớp trong các năm học tại trường". Kết thúc năm học cuối cấp 2 tại Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, điểm tổng kết các môn học của chị đều đạt trên 9, riêng môn tiếng Anh là 10.

Học hết THCS, con đường học vấn của Hà cũng bắt đầu gập ghềnh. Khi dự thi vào cấp 3, Hà đều đạt điểm đỗ vào những trường chuyên như: Amsterdam, các trường chuyên trong các trường đại học nhưng không có trường nào nhận vì họ không dạy được cho người khiếm thị. Lúc đó, Hà tưởng chừng phải chia tay với mái trường và kết thúc sự học ở đây, may thay, nguyên Hiệu trưởng trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu khi đó, thầy Nguyễn Như Thạch về nghỉ hưu xin thành lập Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu. Trường thành lập, thầy tiếp nhận Hà cùng 3 bạn học sinh khiếm khuyết khác vào học miễn phí.

Được làm quen với tiếng Anh từ THCS, Hà đặc biệt có niềm yêu thích với môn học này.Tuy nhiên, để học được tiếng Anh là thách thức lớn đối với Hà. Chị phải nhờ bạn bè, người thân đánh vần để chép bài, rồi nghe băng... Nhờ sự kiên trì và nghị lực phi thường của mình, năm 2000, Hà đã được cử làm đại diện của trường tham gia kỳ thi Olympic tiếng Anh toàn miền Bắc do tổ chức UNESCO tổ chức.

Sau 12 năm đều đạt học sinh giỏi, với niềm say mê học ngoại ngữ, Đỗ Thúy Hà vẫn muốn nâng cao trình độ bằng cách thi vào khoa tiếng Anh của Đại học Mở Hà Nội. Năm 2005, trong lần lên mạng tra cứu tài liệu, Hà được biết hiện có một khóa đào tạo miễn phí của Nhật Bản về kỹ năng lãnh đạo dành cho người khuyết tật châu Á - Thái Bình Dương nên đã tự tin nộp hồ sơ dự thi.Điều đặc biệt là tại cuộc thi năm ấy, chị là thí sinh duy nhất trong 500 thí sinh bị khiếm thị, Hà đọc bài và giám khảo đứng cạnh ghi âm bài thi của chị. Với bài thi xuất sắc và ý chí nghị lực phi thường, cô gái trẻ đã chinh phục ban giám khảo, xuất sắc đạt giải ba trong sự tự hào của nhiều bạn bè, thầy cô giáo và gia đình.Năm 2001, với những thành tích đạt được, chị trở thành gương mặt “Nữ sinh Việt Nam”.

Sau các đợt tuyển chọn với 350 đối thủ, Hà nằm trong danh sách 30 thí sinh cuối cùng lọt vào vòng phỏng vấn để chọn ra 7 đại diện tại 7 nước khác nhau tham gia khoá học. Tổ chức tài trợ học bổng này đã sang Việt Nam để phỏng vấn, kết quả Đỗ Thúy Hà đã được lựa chọn.

Lần đầu sống tại nước ngoài, đối với người bình thường còn khó khăn, với người khiếm thị như chị còn khó khăn gấp nhiều lần nhưng khi được tổ chức khóa học đề xuất đưa đón bằng ô tô, Hà đã từ chối. Hằng ngày, Hà đi đến trường cũng như tới những nơi mua sắm những vật dụng sinh hoạt bằng tàu điện ngầm, xe buýt và chiếc gậy dò đường. Lúc mới sang, có lần lạc đường, chị phải dùng vốn ngôn ngữ tiếng Nhật ít ỏi của mình để tự tìm đường về... Hà cũng tự túc các sinh hoạt hằng ngày từ nấu nướng, giặt giũ mà không cần người trợ giúp.

Chị đã hoàn thành bài thi tốt nghiệp loại xuất sắc cùng với vốn tiếng Nhật lưu loát và trở về trong niềm tự hào, mong mỏi của bố mẹ.Sau thời gian du học, Hà còn được trở lại Nhật Bản để tham gia các cuộc hội thảo dành cho người khyết tật.

Về nước, Hà tiếp tục học tại Đại học Mở Hà Nội, đồng thời rèn thêm cả tiếng Anh lẫn tiếng Nhật. Hà tâm sự, để học được 2 thứ tiếng này ngoài sự cố gắng của Hà, người thân và bạn bè đã giúp đỡ rất nhiều. Đặc biệt là từ khi có chiếc máy tính và phần mềm hỗ trợ đọc màn hình, việc học của chị đã trở nên thuận lợi hơn.

Đỗ Thúy Hà nhận bằng khen tại Đại hội Hội Người mù quận Đống Đa

Nhờ khả năng ngoại ngữ vững, Hà được một số người mời làm gia sư tiếng Anh và Nhật cho con, qua đó chị có thể kiếm thêm thu nhập. Cũng trong thời gian này, Hà còn tham gia nhóm tình nguyện để dạy chữ nổi tiếng Việt cho các bạn Nhật, những người thuộc các tổ chức từ thiện dành cho người khuyết tật của Nhật Bản, để sau đó, những bạn Nhật này đã làm những cuốn sách, quyển truyện để tặng cho những người khiếm thị Việt Nam. Nhóm tình nguyện mà Hà tham gia cũng đã tài trợ tiền ăn cho một số em khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn của trường Nguyễn Đình Chiểu, được duy trì đều đặn đến nay.

“Có một nguồn sống vô tận ở trong tôi”

Đỗ Thúy Hà vào làm việc tại Hội Người mù quận Đống Đa (Hà Nội) từ năm 2002.Năm 2012, tại đại hội nhiệm kỳ mới, Hà vinh dự được bầu làm Chủ tịch Hội.Với cương vị này, bản thân là một người khiếm thị, chị hiểu hơn ai hết những khó khăn, thiệt thòi mà người khiếm thị gặp phải. Chính vì vậy, Hà luôn cố gắng làm tròn vai trò của một người đứng đầu: tổ chức tốt công tác dạy chữ, dạy nghề, vi tính, phục hồi chức năng, tổ chức giao lưu văn nghệ… cho gần 200 thành viên của Hội.

Bằng nỗ lực cao nhất, chị luôn cố gắng để những người cùng hoàn cảnh có được những buổi sinh hoạt, học tập bổ ích một cách thường xuyên.“Niềm vui đối với Hà là được giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh, để họ có được những điều kiện sinh hoạt, học tập, vui chơi, làm việc như người bình thường.Hà mong muốn những người khiếm thị như mình không trở thành gánh nặng cho xã hội, ngược lại còn có thể cống hiến cho xã hội” - Hà bộc bạch.

Với những nỗ lực vượt lên số phận, đầu tháng 3/2013 vừa qua, Đỗ Thúy Hà được mời đến tham dự cuộc giao lưu tại Lễ tôn vinh “Tấm gương phụ nữ Việt Nam tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Tại đây, Đỗ Thúy Hà một lần nữa được gặp lại nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, khi mà cách đây 12 năm chị từng được gặp bà khi đến nhận giải “Nữ sinh Việt Nam” năm 2001. Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cũng nhận ngay Hà, nắm tay chị và nói: “Cô rất vui khi được gặp cháu ngày hôm nay. Xin chúc mừng cháu”.Câu nói giản dị và thân tình ấy đã tiếp thêm niềm tin và nghị lực sống cho Hà.

Nỗ lực làm việc và thể hiện tình yêu cuộc sống qua việc yêu thơ, yêu ca nhạc, mê đọc sách... Hà đâu biết rằng có một chàng trai vẫn luôn quan tâm đến mình.Đó là anh Đỗ Ngọc Anh, công tác trong ngành bưu điện. Rồi một ngày, bất chấp những khiếm khuyết của chị, chàng trai bình thường như anh đã nói “Hãy để anh là người chăm sóc em suốt cuộc đời này…”.

Đám cưới của đôi vợ chồng trẻ được tổ chức đầu năm 2011.Hằng ngày, anh đều đặn đưa đón chị đi làm, cùng chia sẻ việc nhà với vợ. Hạnh phúc của anh chị nhân lên gấp bội khi chị sinh đứa con trai đầu lòng nhanh nhẹn, khỏe mạnh.

Dù đôi mắt không còn nhìn thấy, nhưng chị Hà vẫn hoàn thành tốt vai trò của người vợ, người mẹ. Chị tự tay nấu nướng, dọn dẹp, chăm sóc chồng con. Có những lúc thấy vợ vất vả, anh muốn thuê người giúp việc để đỡ việc nhà nhưng chị không đồng ý. Bởi với chị, được tận tay chăm sóc gia đình nhỏ của mình là niềm hạnh phúc của mọi phụ nữ

 

Hà luôn lạc quan rằng có một tương lai 
“tràn đầy ánh sáng” ở phía trước

Nói về chị, nhà giáo Nguyễn Như Thạch vẫn luôn tự hào về cô học trò khiếm thị và cho rằng Đỗ Thúy Hà là một trong những học trò ưu tú nhất trong sự nghiệp của mình.

Chị Lương Hoa Phương, hội viên Hội phụ nữ cơ sở Cục chính trị, Bộ Tư lệnh Thủ đô, một người từng hợp tác làm việc nhiều lần với Hà chia sẻ: Dù bị khiếm thính nhưng Hà rất nhanh nhẹn, tư duy sắc sảo, đặc biệt khả năng ghi nhớ thông tin và giọng nói của Hà khiến tôi rất ngưỡng mộ. Nhưng có lẽ, chính nghị lực sống và nguồn sống bên trong con người Hà mới là điều mà tôi thán phục nhất. Hà luôn nỗ lực làm mọi việc bằng chính bàn tay, khối óc và con tim của mình.

Tham luận tại Đại hội đại biểu Hội người mù Thành phố Hà Nội diễn ra mới đây, Hà đã làm cả hội trường xúc động khi tâm sự rằng “Có một nguồn sống vô tận ở trong tôi, một nguồn sống mà trong bóng tối tôi đã vươn lên và còn vươn lên mãi nữa trong tương lai. Tôi luôn lạc quan rằng có một tương lai “tràn đầy ánh sáng” gặt hái thành công phía trước. “Cùng trèo lên đỉnh núi cao vời vợi, để ta khắc tên mình trên đời…”, “Hãy sống như đời sông để biết yêu nguồn cội.Hãy sống như đồi núi, vươn tới những tầm cao.Hãy sống như biển trào, như biển trào để thấy bờ biển rộng... – những người khiếm thị như chúng ta nên sống như vậy”.

Chia tay Hà, trong tôi vẫn nhớ như in câu nói của chị “nếu luôn thấy được niềm hạnh phúc ngay trong những gì mình đang có, thì chúng ta sẽ luôn thấy hạnh phúc”. Với nguồn sống dường như vô tận, Hà xứng đáng đại diện cho những vẻ đẹp của những người phụ nữ Việt Nam và là tấm gương sáng cho xã hội noi theo.

Nguồn: dangcongsan.vn

Sưu tầm: Đoàn thanh niên