Cảm phục nữ Tổng biên tập tờ báo đặc biệt của Việt Nam

Ngày đăng: 14/07/2014 - 761 lượt đọc

Dù đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng nhưng Đinh Việt Anh vẫn đằm thắm và rất tài năng. Ở tuổi 36, những thành tích, công việc mà chị đã đạt được khiến nhiều người bình thường cũng phải ngưỡng mộ.

Đi qua bóng tối

Cất tiếng khóc chào đời bên dòng sông Ngàn Phố (Hương Sơn, Hà Tĩnh), cô bé Đinh Việt Anh cũng được cha mẹ ban cho đôi mắt đen tròn, long lanh, đẹp đẽ như bao đứa trẻ khác. Nhưng đến năm lên ba, trong một trận sốt cao, căn bệnh thoái hóa giác mạc đã làm đôi mắt chị mờ dần đi. Chị thường bảo mẹ rằng, chị không nhìn thấy gì cả, mọi thứ cứ lóa mờ, chị thường vấp ngã, không nhìn rõ đường. Khi nghe kết luận từ bác sĩ, Việt Anh bị hỏng hoàn toàn một con mắt, con mắt còn lại rất yếu, mọi phản xạ về mắt của chị chỉ như một người bình thường nhìn qua lăng kính mờ ảo mà thôi, điều này khiến bố mẹ chị ngã quỵ. Và rồi từ đó, viện mắt trở thành địa chỉ chị thường tới.

Ít ai biết rằng, người phụ nữ khiếm thị này đang là Tổng Biên tập một tờ tạp chí dành riêng cho người mù.

 

 

Công việc của chị bận rộn như bao người làm báo khác.

Là những nhà giáo nghèo, thương con, bố mẹ Việt Anh gom góp tiền, bán cả đàn lợn để đưa con đi khắp mọi nơi chạy chữa nhưng đều không mang lại kết quả gì. Việt Anh đã phải chấp nhận cuộc sống của mình với đôi mắt kém từ đó. Nhìn bạn bè tới trường, cô bé chỉ biết trào nước mắt mà tủi thân. Biết con gái ham học, mẹ Việt Anh đã xin cô giáo cho Việt Anh đến trường để được ngồi nghe giảng. Ban ngày, Việt Anh dời bàn học đến sát cửa sổ, đêm về lại khêu to ngọn đèn dầu thức đến khuya học bài. Có những lúc mải mê theo đuổi những con chữ, không để ý khiến ngọn lửa đèn dầu làm cháy xém cả tóc của mình từ lúc nào không hay. Những dòng chữ tròn trịa, nắn nót, thẳng tắp dòng kẻ của cô bé kém may mắn đã nhiều lần được đi thi vở sạch chữ đẹp của huyện.

Tia hi vọng cuối cùng dập tắt khi con mắt còn lại của Việt Anh hoàn toàn đóng kín. Dù đã cố gắng cứu con mắt thứ hai bằng phương án phẫu thuật thay giác mạc nhưng được một thời gian sau, đôi mắt của Việt Anh mờ hẳn, khép lại ước mơ đèn sách đang dang dở của cô.

Tờ tạp chí đặc biệt mà nội dung chỉ toàn... giấy trắng là công việc mà chị hàng ngày vẫn làm.

Làm báo với một người bình thường đã là điều khó chứ chưa nói đến với một người khiếm thị.

Ở nhà một thời gian, nỗi nhớ trường nhớ bạn khiến cô bé đứng ngồi không yên, Việt Anh lại xin bố mẹ cho đi học. Không còn nhìn thấy con chữ, các con số, bài viết cứ bị đè lên nhau, hình ảnh chồng chéo, mờ lòa, dù Việt Anh đã cố gắng xoay dọc xoay ngang quyển vở nhưng hình ảnh vẫn không thể cải thiện. Việt Anh bỏ hẳn cuốn vở viết, tập trung cao độ khi thầy cô giảng bài và nuốt lấy từng chữ. Suốt những năm học phổ thông, bố mẹ là đôi mắt giúp cô đọc bài, đọc chữ. Đáp lại những nỗ lực vượt bậc của cô gái mù nghị lực, 12 năm miệt mài đèn sách, 12 năm vật lộn, đấu tranh với từng con chữ, vị trí đứng đầu lớp chưa bao giờ rời khỏi tay Việt Anh. Có năm, thầy cô còn đề xuất cho cô đi thi học sinh giỏi tỉnh nhưng vì một số lý do nên cơ hội của Việt Anh đành phải gác lại trong sự tiếc nuối của biết bao người.

Chị vẫn nhớ như in thời gian đầu sống trong bóng tối: "Dù đã chuẩn bị trước tâm lý nhưng mình vẫn không khỏi sốc. Cảm giác tối tm, chật chội khiến mình hoảng sợ, hoang mang. Nhưng tất cả tâm trạng đó diễn ra nhanh thôi, mình xác định rằng mình phải cố gắng hơn nhiều người khác để không trở thành gánh nặng cho gia đình".

Học hết cấp 3, Việt Anh tự đăng ký hệ đại học từ xa chương trình do trường đại học Mở Hà Nội phối hợp với Đài tiếng nói Việt Nam tổ chức. Theo học 2 năm thì phải dừng do trường không tổ chức thi được cho học viên. Cùng thời gian đó, những truyện ngắn, bài thơ Việt Anh đọc cho mẹ chép gửi lên các báo Lao động Nghệ An, Tiền Phong được đăng tải, cô được nhiều người biết đến.

 

Cuối năm 2007, Việt Anh biết đến hội Người mù Hương Sơn, Hà Tĩnh. Ở đây, chị được tiếp cận với chữ nổi. Đây chính là cơ hội, là bước ngoặt để chị cống hiến và phấn đấu mới. Với thành tích xuất sắc trong quá trình học tập, tốt nghiệp khóa học Việt Anh được giữ lại làm giảng viên hỗ trợ cho những người cùng cảnh ngộ. Không nguôi ước vọng được bước chân đến giảng đường đại học, lại cất công tìm kiếm, năm 1999, chị cũng đã tìm được chỗ phù hợp để nộp hồ sơ dự thi vào hệ tại chức khoa Quản lý xã hội của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và đỗ với số điểm cao.

Ngày ngày, sáng lên lớp chép bài bằng chữ nổi, tối về đọc lại từng dòng, từng chữ, ngày thi lại mang theo chiếc máy chữ cũ đến lớp, Việt Anh luôn chăm chỉ, cần mẫn như thế suốt 4 năm học đại học. Cũng từ những buổi học như thế, giáo án dạy vi tính cho người mù với 5 chương dựa vào chương trình đọc màn hình hỗ trợ cho người khiếm thị đã ra đời.

Với những thành tích chị đạt được, chị bảo: “Mình muốn chứng minh, người khiếm thị có thể làm mọi điều mà người sáng mắt làm được”.

Hạnh phúc với gia đình trọn vẹn

Hiện tại, chị Việt Anh là một người phụ nữ hoàn hảo với công việc làm báo, với một tổ ấm đầy hạnh phúc. Chồng chị là anh Phạm Xuân Trường sinh năm 1975 ở Thanh Mai (Thanh Oai, Hà Nội). Hiện anh là Ủy viên BCH Hội Người mù Việt Nam, Phó Giám đốc TTĐT- PHCNCNM, thành viên “Mạng lưới giáo viên dạy massage y học cho người mù khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”. Anh mắt kém từ năm lên 10 bởi căn bệnh thoái hóa sắc tố võng mạc.

Trước đây khi gặp Việt Anh ở Trung tâm, anh cũng rất tò mò về nữ giảng viên khiếm thị khá thông minh. Dù mắt kém nhưng anh vẫn nhìn thấy bóng dáng của người phụ nữ miệt mài bên từng trang sách chữ braille. Hai người cùng hoàn cảnh đã yêu nhau và nên duyên vợ chồng bên cạnh những con chữ braille như thế. Căn phòng hơn 20 m2 trong khu tập thể ở Cầu Giấy (Hà Nội) là tổ ấm bấy lâu nay của đôi vợ chồng và con gái 4 tuổi.

Thành quả lao động của Việt Anh và đồng nghiệp là hàng tháng xuất bản được một quyển tạp chí toàn chữ braille dành cho người khiếm thị trên cả nước. Là một lãnh đạo ở cơ quan, nhưng về nhà, chị lại trở thành một người bình dị như bao người phụ nữ khác.

Căn phòng 20m2 của 3 thành viên nhà chị Việt Anh

Bên cạnh công việc, chị cũng là một người phụ nữ đảm đang, tần tảo chăm chồng yêu con

Việt Anh cho biết, niềm hạnh phúc nhất của chị là luôn có một người chồng tuyệt vời bên cạnh hỗ trợ chị trong cuộc sống cũng như trong công việc

Anh Trường và chị cùng nấu cơm vào mỗi chiều tối

Căn phòng rộng chỉ khoảng 20m2 nhưng thực sự là tổ ấm hạnh phúc của Việt Anh và gia đình.

Nguồn: Báo Mới

Sưu Tầm: Thiều Kỳ