Nghị lực của cô giáo nhiễm HIV: Đối diện để vượt lên chính mình

Ngày đăng: 26/12/2013 - 805 lượt đọc

Gương mặt đẹp, giọng nói truyền cảm và đôi mắt đen đầy sâu lắng của cô khiến bất cứ ai trò chuyện đều thấy bị cuốn hút.

Cô giáo Nguyễn Thị Hoàn (người bên phải).

“Máu ai cũng đỏ, sự sống thì ai cũng đáng quý như nhau. Phải đối diện thì mới vượt lên được chính mình”, cô giáo Nguyễn Thị Hoàn, giáo viên Trường THPT Mỏ Trạng (Yên Thế, Bắc Giang) tâm sự về cuộc đời và công việc của mình như vậy.

Nỗi đau không lời

“Thay đổi ý thức ở cộng đồng phải bắt đầu từ nhận thức và đưa nhận thức đến với cộng đồng là vấn đề của giáo dục. Bản thân tôi là giáo viên nên ý thức rất rõ vai trò giúp cho cộng đồng có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về HIV/AIDS. Từ đó, việc chúng ta làm giảm sự phân biệt, đối xử kỳ thị với người bị nhiễm HIV nói chung và trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS nói riêng sẽ có kết quả hơn. Tất cả các ban, ngành đều phải vào cuộc nhưng trong đó vai trò của giáo dục là lớn nhất. Gần đây giáo dục Việt Nam đã có nhiều đổi mới cải thiện chất lượng và cũng quan tâm rất sâu sắc đến việc làm thế nào để cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS có quyền được đến trường. Hy vọng trong tương lai gần tất cả trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS sẽ được thực hiện đầy đủ các quyền như mọi trẻ em khác”.

Cô giáo Nguyễn Thị Hoàn

Những áng văn thơ đẹp đã thôi thúc cô gái Nguyễn Thị Hoàn thi vào ngành sư phạm. Với bao hoài bão tươi đẹp về sự nghiệp trồng người, tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội 2, cô trở về quê dạy học tại Trường THPT Mỏ Trạng.

Ở đây, cô đã gặp và nên duyên với một chàng trai mà cô quyết cả đời gắn bó, xây dựng tổ ấm. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, cô hụt hẫng khi biết chồng mình nghiện ma túy. Năm 2002, khi mang trong mình giọt máu của chồng, ngỡ là nỗi buồn sẽ được bù đắp thì một cú giáng khiến cô gần như gục ngã: Đứa con mới sinh ra nhiễm HIV. Các xét nghiệm đã cho thấy, cô nhiễm HIV từ chồng mà không biết và đã lây sang con. Bốn tháng sau, đứa con gái non nớt của cô rời bỏ cha mẹ, nỗi đau tưởng như không thể hơn.

Những tháng ngày con mất, chồng đang phải chống chọi với căn bệnh thế kỷ và những cơn nghiện vật vã, cô đã phải nuốt nỗi đau vào trong, gồng mình giúp chồng cai nghiện. Đó là khoảng thời gian đầy khó khăn, cô dành tất cả khoản lương giáo viên ít ỏi của mình cho chồng đi cai nghiện. Cô tâm sự: “Bao công sức, tiền bạc tôi dành cho anh ấy, rồi cuối cùng anh ấy cũng cai nghiện được. Thế nhưng, về nhà được đúng 6 tháng thì anh ấy mất. Cho đến bây giờ, tôi không ân hận vì đã lấy anh ấy bởi đó là sự lựa chọn của mình. Bản thân anh ấy cũng là nạn nhân, dù có trách cứ, oán hận cũng không thay đổi được”.

Điều cô tiếc nuối nhất là lúc mang thai cô có nghi ngờ mình nhiễm HIV từ chồng nhưng đã không tìm đến các dịch vụ y tế sớm. Cô chỉ biết mình bị nhiễm khi đưa đứa con gái 1 tháng tuổi bị viêm phổi đi khám ở bệnh viện. “Nếu tìm được đến các dịch vụ y tế sớm thì có lẽ là con mình đã không bị thiệt thòi”, cô ngậm ngùi nói.

Nghị lực phi thường

“Máu ai cũng đỏ, sự sống thì ai cũng đáng quý như nhau. Nếu ai bị một bệnh thông thường cũng đã hoang mang rồi, huống chi mình lại bị căn bệnh đang chưa có phương thuốc nào chữa trị” - Ban đầu cô giáo Hoàn tuyệt vọng và đau đớn khi phát hiện mình bị nhiễm HIV khi đang nuôi con nhỏ. Tập trung hết nội lực tinh thần cho con, cô ít nghĩ đến mất mát của mình. Đến khi con mất, cô mới cảm nhận được hết nỗi đau, nó nhân lên rất nhiều lần.

Để có nghị lực và tiếp tục sống có ích, người mẹ là nguồn động lực lớn nhất đối với cô. Cô nói: “Mẹ tôi là người phụ nữ kiên cường nhất mà tôi biết. Cho đến tận bây giờ, mẹ vẫn sát cánh cùng tôi trong cuộc chiến chống lại bệnh tật. Mẹ dạy tôi một điều: “Tình thương của người mẹ không phải là chỗ dựa cho con cái mà là làm cho chỗ dựa ấy không trở nên cần thiết nữa”. Tôi cũng rất tự hào vì mình đã tự lập được và mẹ chắc chắn là yên tâm vào điều ấy”.

May mắn được tiếp cận và thích nghi với thuốc ARV từ tháng 8/2006, đến nay cô có sức đề kháng tốt hơn, sức khỏe ổn định và công việc rất tốt. “Một số phụ huynh đã đề nghị Ban giám hiệu nhà trường cho tôi dạy con họ vì các cháu muốn được học tôi. Đó là một niềm vui và cũng là một trách nhiệm lớn”, cô chia sẻ.

Đối diện với chính mình, trải nghiệm những cảm giác đau đớn của người nhiễm HIV đi dạy học như cô giáo Nguyễn Thị Hoàn là một khó khăn và cũng là rào cản rất lớn phải vượt qua. Để giảm sự kỳ thị từ phía học sinh, phụ huynh và cả những người sống ở địa phương, cô đã phải nỗ lực, cố gắng hết mình bằng chuyên môn.

Từ tình yêu nghề, tâm huyết của mình, sau một thời gian ngắn cô đã nhận được sự đồng cảm, thương yêu và chia sẻ của đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh. Cô bảo: “Đó chính là động cơ lớn nhất giúp tôi thành công trong công việc. Bằng nghị lực, cố gắng và bằng cách sống của mình, tôi đã kéo gần khoảng cách giữa mọi người và mình, không còn bất cứ sự xa lánh, kỳ thị nào”. “Bảng đen phấn trắng mực hồng/ Ba màu lẫn với màu hồng trong tim” - lời thơ đầy tâm huyết, cảm động của cô giáo Nguyễn Thị Hoàn với nghề, với đời đã gây ấn tượng sâu sắc mãi với những người đã gặp cô.

Báo GĐ&XH xin giới thiệu bài thơ đầy tâm sự và nhiệt huyết của cô giáo Nguyễn Thị Hoàn được chia sẻ tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 84/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và tầm nhìn đến năm 2020 do Liên Bộ Y tế, GD&ĐT và LĐ-TB&XH tổ chức.

Ba màu tôi yêu

Bảng đen phấn trắng mực hồng

Ba màu lẫn với màu hồng trong tim

Con chim ca hót

Con nhện giăng mùng!

Con tằm nhả tơ

Tôi gặp các em tự bao giờ!

Lòng tằm cứ rút ruột tơ ươm đời

Trăm năm nên phải trồng người

Tôi trồng, trồng mãi một đời chưa xong

Mùa hạ rồi lại mùa đông

Xuân, thu nối nhịp tơ lòng vấn vương

Một đời khuya sớm tìm đường

Biến những trang sách lặng câm thành lời,

Trái tim tôi, một tình thương rạng ngời

Mong em khôn lớn, nên người

Đến những miền xôn xao…

Miền trời tuổi 20 rực rỡ…

Miền trời đầy khát khao rộng mở…

Miền trời của tình yêu!

Dù em xuôi ngược trăm chiều

Bảng đen, phấn trắng mực hồng tôi vẫn yêu!

Theo Báo Gia Đình Và Xã Hội

Sưu tầm: Đào Thịnh