Có tiền là “băm nát”, còn quy hoạch làm gì?

Ngày đăng: 11/09/2019 - 1082 lượt đọc

Hình ảnh về tuyến đường 70 (huyện Thanh Trì, Hà Nội) qua đoạn cầu Tó tê liệt được đăng tải trong bài viết “Hà Nội ùn tắc khắp nơi, dân công sở “chôn chân” suốt mấy tiếng không đến nổi cơ quan” (Dân trí, 10/9/2019) không những lột tả được bức tranh giao thông thành phố Hà Nội những ngày mưa gió mà còn cho thấy cả một vấn đề nhức nhối đằng sau.


Trong bức ảnh nói trên, khắp các ngóc ngách quanh tuyến đường 70 đều “ken đặc” người và phương tiện giao thông, rất khó để nhìn thấy chừa ra được một khoảng trống nào. Người sát người, xe sát xe, tất cả chen chúc nhau tạo nên một khung cảnh đầy hỗn loạn.

Người Hà Nội trong buổi sáng 10/9 phải mất hàng tiếng đồng hồ liền mới có thể di chuyển qua vài km, thậm chí chỉ là vài trăm mét để đến được cơ quan, công sở. Tầm 9 giờ 30 phút sáng mà tình trạng ùn tắc vẫn diễn ra nghiêm trọng trên nhiều tuyến đường hướng đến nội thành, có những điểm giao thông, các phương tiện gần như không nhúc nhích nổi.

Sự đợi chờ, sốt ruột xem lẫn trạng thái ngột ngạt, căng thẳng trên đường chẳng dễ chịu gì. Song điều đáng nói là, tình trạng nói trên cũng đồng nghĩa rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp đã “mất đứt” hàng giờ lao động. Ấy chính là sự thiệt hại kinh tế rất rõ ràng.

Báo Lao động ngày 24/10/2018 dẫn lời ông Phạm Hoài Chung - Giám đốc Trung tâm giao thông đô thị và nông thôn, Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải cho biết, ùn tắc giao thông chính là thủ phạm thiệt hại hơn 1 triệu giờ lao động/năm và thiệt hại do ùn tắc giao thông đối với Hà Nội tính toán được dao động từ 1-1,2 tỷ USD/năm.

Cùng đó, về mặt xã hội, sức khỏe người dân đô thị đang bị ảnh hưởng vì chỉ số ô nhiễm không khí gấp hơn 5 lần so với quy định, nồng độ bụi pm2.5 đang gấp khoảng 3 lần. Theo đó, môi trường đầu tư và các vấn đề phát triển xã hội khác cũng bị ảnh hưởng.

Nếu vào Cổng thông tin Quan trắc Môi trường của UBND Hà Nội thì có thể dễ dàng thấy, chỉ số chất lượng không khí (AQI) - một chỉ số báo cáo chất lượng không khí hàng ngày hoặc hàng giờ, tại nhiều khu vực trong địa bàn thành phố Hà Nội đã ở mức báo động. Báo cáo “Chất lượng không khí toàn cầu 2018” do IQAir AirVisual hợp tác với Tổ chức Hòa Bình Xanh (Greenpeace) Đông Nam Á cũng xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á, sau Jakarta (Indonesia).

Ở Thủ đô đất chật người đông thì đã đành, nhưng ô nhiễm và ùn tắc nghiêm trọng còn bắt nguồn từ nguyên nhân rất dễ thấy: Bất cập giữa tăng trưởng phương tiện giao thông cá nhân (xe máy, ô tô) vượt xa tốc độ tăng trưởng hạ tầng, đất ở thì nhiều mà quỹ đất giao thông lại ít. Và một thực tế có thể coi như “vấn nạn”, ấy là mật độ xây dựng chung cư cao tầng “khủng khiếp” những năm gần đây!

Nếu cách đây 10-15 năm, Hà Nội vẫn còn ít các toà nhà cao trên 20 tầng thì hiện tại, cao ốc 30 tầng, xấp xỉ 40 tầng không còn hiếm. Đã vậy, có những khu vực chỉ vài km đã thấy hàng chục cao ốc mọc lên (ví dụ đường Tố Hữu - Lê Văn Lương kéo dài, tính sơ sơ 2,7km đã “nhồi” đến 40 cao ốc).

Một câu nói của Chủ tịch UBND TP Hà Nội tại Hội nghị tổng kết và triển khai công tác Sở Quy hoạch kiến trúc hơn 2 năm trước khiến nhiều người không khỏi xót xa: “Chúng ta đang phải trả giá vì đã làm quy hoạch “băm nát” Hà Nội”. Vâng, chính xác là “băm nát”!

Mà không chỉ Hà Nội. Nay nhiều đô thị mới cũng “học hỏi” cách xây công trình trường học, bệnh viện, chung cư, trung tâm thương mại dày đặc trong nội đô, sát các trục đường chính. Thế rồi cứ mở báo ra đọc lại thấy tắc đường, ngập úng khắp mọi nơi.

Như kiến trúc sư Trần Huy Ánh trong một bài viết trên Dân trí có nói: “Cứ cái gì ra tiền thì họ làm, chung cư bán được làm chung cư, bệnh viện ra tiền thì làm bệnh viện…”. Vâng, thế thì quy hoạch để làm gì?!

Nguồn: Dân Trí

Sưu tầm: Phạm Mai