Phụ nữ khuyết tật – chật vật thực hiện ước mơ 'đứng thẳng'

Ngày đăng: 13/01/2020 - 860 lượt đọc

Mang trên cơ thể những khiếm khuyết, nhưng người khuyết tật (NKT) nói chung và phụ nữ khuyết tật (PNKT) nói riêng không vì thế mà muốn mình trở thành gánh nặng của xã hội. Luật pháp cũng ủng hộ điều này khi có những quy định nhằm đảm bảo cho NKT có thể sống độc lập. Thế nhưng, từ mong muốn, từ pháp luật đến đời thực là chặng đường khá xa vời…


Chị Vũ Thị Quê chia sẻ những khó khăn mà PNKT phải đối mặt

Khuyết tật là tụt hậu?

Là một NKT bẩm sinh, nhưng chị Vũ Thị Quê ở thôn Nhuận Đông xã Bình Minh huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương chưa bao giờ muốn mình trở thành gánh nặng của mọi người, hay sống nhờ sự thương hại của xã hội.

Chị muốn mình cũng có quyền được sống độc lập, được “đứng thẳng” như mọi người bình thường khác, có quyền tự chủ quyết định những vấn đề liên quan đến cuộc sống của bản thân. Chính vì thế, chị Vũ Thị Quê đã không ngại ngần khi năng nổ tham gia hoạt động của hội NKT địa phương, mày mò các cách làm kinh tế để giúp người khuyết tật vượt qua khó khăn.


Cơ sở sản xuất chổi chít nơi chị Quê làm việc
 

Cơ sở sản xuất chổi chít nơi chị Quê làm việc có rất đông PNKT tham gia sản xuất và dưới bàn tay khéo léo của các chị, sản phẩm chổi chít khi đưa ra thị trường chất lượng cũng không kém cạnh gì của người bình thường. Thế nhưng, “chúng tôi thường buộc phải bán sản phẩm với giá  thấp hơn so với sản phẩm của người lành, dù chất lượng sản phẩm không thua kém vì người tiêu dùng cảm thấy thiếu niềm tin vào sản phẩm của NKT” – chị Quê cho biết.

Câu chuyện này cũng tương tự như câu chuyện người khiếm thị bán tăm và câu nói phũ phàng của khách khi từ chối mua: “Tăm người sáng làm còn chẳng ăn ai, nữa là người mù, biết thế nào tốt xấu, sạch bẩn”(!)
Không phải đến bây giờ, NKT nói chung và PNKT nói riêng mới bị kỳ thị. Năm 2010, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội đã công bố một điều tra xã hội trên quy mô lớn về tình trạng của NKT tại bốn địa phương có tỷ lệ NKT cao là Thái Bình, Ðà Nẵng, Quảng Nam, Ðồng Nai.

Qua điều tra 8.000 hộ gia đình được chọn ngẫu nhiên ở 49 phường, xã của bốn tỉnh, cho thấy sự thật đáng báo động về sự kỳ thị và thái độ phân biệt đối xử đối với NKT 98% số người được hỏi cho rằng, NKT là những người "đáng thương"; 40% số người cho rằng, NKT có thói quen ỷ lại vào người khác; 66% cho rằng NKT không thể có cuộc sống "bình thường"; 76% cho rằng nên gửi NKT vào các Trung tâm bảo trợ xã hội. NKT phải đối mặt với sự kỳ thị ở nhiều hoàn cảnh khác nhau: gia đình, cộng đồng, trường học, bệnh viện, nơi làm việc...

Năm 2018, nghiên cứu “Xóa bỏ kỳ thị” do Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) thực hiện và công bố cho thấy, 43% số NKT được hỏi có cảm nhận bị kỳ thị, với tỷ lệ bị kỳ thị cao tập trung ở các nhóm người trẻ tuổi, nam giới, khiếm thị và đa khuyết tật; 46% người được hỏi tự cho rằng NKT không nên yêu và lập gia đình. 

Kéo gần khoảng cách xa vời

Ở góc độ pháp luật, các điều luật trong Luật NKT cũng như các văn bản pháp luật khác liên quan đều có quy định nhằm đảm bảo để NKT được sống độc lập thông qua việc được tự chủ quyết định những vấn đề có liên quan đến cuộc sống của chính bản thân cũng như không bị kỳ thị, phân biệt đối xử, xúc phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự…

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đình Liêu – Hội bảo trợ NKT và trẻ mồ côi Việt Nam thì nhiều NKT, họ bị phân biệt đối xử ngay từ chính trong gia đình mình. Họ bị bố mẹ, anh chị em trong nhà coi là gánh nặng nên thường xuyên bị lăng mạ, sỉ nhục, thậm chí còn bị bỏ rơi, không chăm sóc. Tại cộng đồng, NKT cũng thường bị chế nhạo, bị lăng mạ. Các tuyến xe buýt, dịch vụ vận tải, thiết bị công nghệ,  chưa tạo điều kiện tiếp cận cho NKT...

Không nhiều người trong xã hội biết đến các quy định của pháp luật về quyền NKT và chính sách của Nhà nước dành cho NKT. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, có đến 60% số người được hỏi chưa bao giờ nghe đến pháp luật về NKT, 23% từng nghe đến nhưng không biết cụ thể có gì trong đó.

Riêng với PNKT, theo Hội LHPN Việt Nam, hiện có khoảng 3,5 triệu PNKT. Ngoài những khó khăn của người khuyết tật trong cuộc sống, PNKT phải chịu sự phân biệt đối xử "kép" vì lý do khuyết tật và giới; phải đối diện với rất nhiều định kiến, nguy cơ cao trở thành nạn nhân của bạo lực giới.

“Nếu như nam giới khuyết tật còn có nhiều cơ hội lấy được vợ không khuyết tật, thì PNKT lại có rất ít khả năng lấy được chồng không khuyết tật. Chính bởi những quan niệm nêu trên mà có đến 47% số NKT ở độ tuổi 18 trở lên không kết hôn, trong đó số PNKT sống độc thân chiếm tỷ lệ rất cao”, theo TS. Nguyễn Đình Liêu.

Theo ông Đặng Văn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Người khuyết tật Việt Nam trong 6,2 triệu NKT thì có tới 80% sống ở nông thôn. Trong thời gian qua, PNKT đã nhận được những sự quan tâm, tạo điều kiện để có cơ hội bình đẳng, đóng góp vào xã hội. Chị em đã dần tìm được tiếng nói trên mọi lĩnh vực, hòa nhập cộng đồng tự tin hơn. Tuy nhiên, hiện nay trên cả nước mới chỉ có khoảng trên 20 tỉnh/thành có câu lạc bộ PNKT.

Thực tế cho thấy, ở địa phương nào có CLB PNKT thì chị em đều có cơ hội nhiều hơn trong tiếp cận thông tin, được tham gia sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm, những vấn đề trong cuộc sống lao động sản xuất và gia đình. Chính vì vậy, ông Đặng Văn Thanh mong muốn, thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam và Hội NKT Việt Nam sẽ ký biên bản hợp tác trong việc thúc đẩy sự thành lập các CLB PNKT ở các địa phương cũng như khuyến khích, hỗ trợ PNKT khởi nghiệp, phát triển kinh tế.


 Ông Đặng Văn Thanh bày tỏ mong muốn thúc đẩy thành lập các CLB PNKT ở địa phương

Để cùng cộng đồng cùng chung tay để thúc đẩy công bằng và quyền lợi cho người khuyết tật, giúp nhiều hơn nữa cho PNKT được thụ hưởng các quyền lợi thiết thực, tự lực vươn lên, hòa nhập và bình đẳng, ngày 9/1/2020, Hội LHPN Việt Nam đã chính thức phát động cuộc thi Phụ nữ khuyết tật khởi nghiệp sáng tạo - Kết nối thành công 2020 nhằm khuyến khích chị em PNKT khởi nghiệp kinh doanh, tìm kiếm những ý tưởng sáng tạo có tác động tích cực đến xã hội. Cuộc thi nhận hồ sơ đăng ký trước ngày 1/3/2020 và sẽ chọn ra các đề án/ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc vào vòng chung kết toàn quốc vào tháng 6/2020.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo cam kết Hội LHPN Việt Nam sẽ nỗ lực, chủ động tham mưu, thực hiện tốt các hoạt động trợ giúp PNKT bằng nhiều hình thức; là cầu nối để kết nối các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và toàn thể cộng đồng cùng chung tay để thúc đẩy công bằng và quyền lợi cho người khuyết tật, giúp nhiều hơn nữa cho PNKT được thụ hưởng các quyền lợi thiết thực, tự lực vươn lên, hòa nhập và bình đẳng.

Nguồn: baophapluat.vn
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song