Những định kiến về vùng miền và người khuyết tật

Ngày đăng: 02/12/2019 - 1515 lượt đọc

Những năm trước, vấn đề kỳ thị vùng miền, hay người khuyết tật đã được báo chí cũng như cơ quan chức năng lên tiếng. Thế nhưng, trên thực tế, sự kì thị vùng miền hay kỳ thị người khuyết tật vẫn còn âm ỉ trong một bộ phận người suy nghĩ lệch lạc.


Nhiều lao động quê Thanh Hóa, Nghệ An vất vả đi xin việc.

“Cấm cửa ngầm” với người lao động Thanh - Nghệ - Tĩnh
Còn nhớ 7, 8 năm trước, dư luận cũng như truyền thông đề cập tới tình trạng “chê” lao động Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh diễn ra gay gắt tại các KCN ở Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh… Có không ít tấm biển tuyển người lao động tại Bình Dương có dòng chữ “Không nhận lao động quê Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh”.
Anh Nguyễn Văn Trung (quê Thanh Hóa), 31 tuổi bùi ngùi kể lại khoảng thời gian tủi hổ đi xin việc tại Bình Dương. Cách đây 7 năm, anh được các bạn rủ đi vào Bình Dương xin làm công nhân công ty da giày. Cầm hồ sơ trên tay, anh Trung sự háo hức làm việc môi trường mới.
Vào phòng nhân sự, nghe giọng anh cũng như xem bộ hồ sơ xin việc, chị phó phòng thay đổi sắc mặt và lạnh lùng: “Bên chúng tôi đang cần tuyển người lao động nhưng những lao động quê Thanh Hóa như anh bên tôi nhiều lắm nên chúng tôi không tuyển nữa, ưu tiên những người quê khác. Anh thông cảm”.
Hơi thất vọng, anh và nhóm bạn lại mang bộ hồ sơ xin việc ở các công ty khác. Nhưng tất cả, anh đều nhận cái lắc đầu khó hiểu. Khi về nhà trọ, anh Trung được người quen thẳng thắn chia sẻ lý do “tẩy chay” người Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Theo đó, các công ty rất “ngại” tuyển lao động ba tỉnh trên bởi: “Những nam thanh niên có quê quán ba tỉnh trên thường có hành vi trộm cắp tài sản của công ty đem bán ra ngoài, thường gây gổ đánh nhau gây mất trật tự trong công ty… Ngoài ra, những lao động đến từ các vùng này đang bị lôi kéo vào những cuộc “đình công đen”, ngừng việc tập thể… gây lo ngại cho các doanh nghiệp và khó khăn cho các cơ quan quản lý lao động”.
Không biết thực hư lý do đó đúng đến đâu nhưng anh Trung và nhóm bạn chắc một điều là họ khó có thể xin việc ở đây vì đã đi “chùn chân mỏi gối”. Các anh lại xuống Khu công nghiệp ở Đồng Nai xin việc. Niềm hy vọng vỡ như bong bóng khi ngay cửa công ty có hàng chữ “Không tuyển dụng người dân Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh”… Nửa tháng vất vưởng đất khách mà việc thì không xin được, anh Trung và nhóm bạn lại ngược ra Bắc xin việc và ổn định suốt 7 năm qua.
Không riêng gì anh Trung, nhiều lao động là người Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đang mưu sinh ở Bình Dương cũng chung vòng khốn khó. Không ít thuê nhà nằm đợi để được người tuyển dụng chấp nhận quê hương của mình cả tháng trời nay mà hầu như không có chút chuyển biến gì.
Trong Luật Lao động quy định các công ty không được phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, tuy nhiên, nội dung phân biệt vùng miền chưa được nêu rõ. Vì thế, để “lách luật”, nhiều công ty tìm 1010 lý do không tuyển các công nhân ba tỉnh trên.
Việc “treo biển” ấy hiện nay hiếm xuất hiện ở các Khu công nghiệp phía Nam nhưng việc “cấm cửa ngầm” với những người dân lao động ba tỉnh trên vẫn còn ít nhiều diễn ra. Cứ nghe giọng nói ba tỉnh này cũng như hồ sơ ghi quê quán là bảo vệ cũng như phòng nhân sự rất cảnh giác mỗi khi tuyển lao động. Hay nói cách khác, người lao động ba tỉnh này bị kỳ thị khi xin việc và khó hơn gấp nhiều lần so với tỉnh khác. Và câu chuyện “trượt ngay vòng gửi xe” khiến nhiều người cay đắng. 
Không chỉ khi đi làm, trong cuộc sống, một số người trong 3 tỉnh đó đặc biệt là tỉnh Thanh Hóa cũng bị kỳ thị không kém khi tha hương. Người Thanh Hóa đi đâu đó, có người hỏi quê ở đâu mà trả lời quê Thanh Hóa thì lập tức người hỏi có sự “dè chừng”, có ánh mắt khác, mặc dù họ không nói ra.
Thậm chí, khi ở trọ cùng, có người còn tuyên bố không ở trọ cùng người Thanh Hóa. Ở trọ đã vậy, việc kết hôn với người ngoại tỉnh còn khó hơn gấp bội. Có không ít ông bố, bà mẹ dạy con: “Con lấy ai thì lấy chứ đừng lấy chồng/vợ quê Thanh Hóa”. 
Một số trang mạng còn lập Hội những người “tẩy chay” dân Thanh Hóa, đáng buồn thay là có rất nhiều người kích từ “like”. “Hội những người ghét đặc dân Thanh Hóa” với hơn 3.000 thành viên. Dường như việc không ưa người Thanh Hóa đã trở thành một định kiến xã hội.
Việc phân biệt, kỳ thị vùng miền dù kỳ thị trên mạng xã hội hay ngoài đời thực thì đó cũng là điều vi phạm pháp luật và cần lên án. Theo các luật sư, đối với trường hợp các cá nhân, tổ chức lên mạng chửi mắng, lăng mạ người khác, có hành vi chia rẽ vùng miền, dân tộc, phá hủy khối đại đoàn kết dân tộc, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc làm rõ.
Khi đầy đủ bằng chứng cấu thành tội phạm thì có thể truy tố trước pháp luật theo Điều 87 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tội “Phá hoại chính sách đoàn kết”. Các cơ quan an ninh cần điều tra, tìm ra chủ nhân của những trang facebook này để xem xét, tùy mức độ, hành vi mà có thể xử lý hành chính hoặc hình sự.

Người khuyết tật vẫn “bên lề” cuộc sống
Câu chuyện kỳ thị người khuyết tật cũng đáng bàn. Theo Tổ chức Lao động quốc tế, nếu đánh giá số người khuyết tật  ở Việt Nam sử dụng Khung ICF - “Phân loại quốc tế theo chức năng, khuyết tật và sức khỏe” của Tổ chức Y tế thế giới, 15% dân số Việt Nam là người khuyết tật. 75% người khuyết tật ở Việt Nam hiện đang sinh sống ở các vùng nông thôn và 58% tổng số người khuyết tật có đa dạng khuyết tật.
Điều kiện kinh tế và xã hội của người khuyết tật ở Việt Nam thường khó khăn. 16% số người khuyết tật thuộc diện nghèo so với 14% tỷ lệ nghèo của cả nước . Ít nhất 70% người khuyết tật ở vùng đô thị và 65% ở vùng nông thôn sống từ trợ giúp của gia đình là chính. 


Xe buýt "bỏ rơi" người khuyết tật. 

Nghiên cứu “Xóa bỏ kỳ thị” do Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường thực hiện, 43% số người khuyết tật được hỏi có cảm nhận bị kỳ thị, với tỷ lệ bị kỳ thị cao tập trung ở các nhóm người trẻ tuổi, nam giới, khiếm thị và đa khuyết tật.
“Khi đi khám bệnh, bác sĩ không giao tiếp trực tiếp với người khuyết tật mà giao tiếp với người nhà của họ. Từ những việc nhỏ này dần dần dẫn đến sự hiểu lầm giữa hai bên,” ông Khúc Hải Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Tin học Tia sáng - chia sẻ tại lễ công bố kết quả nghiên cứu. Cũng theo nghiên cứu, 46% người được hỏi tự cho rằng người khuyết tật không nên yêu và lập gia đình. 
Điểm a khoản 1 Điều 9 Nghị định 144/2013/NĐ-CP (quy định chế tài với những hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật) quy định, mọi hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý vi phạm hành chính từ 3 - 5 triệu đồng. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.
Mặc dù cơ sở pháp lý đã quy định rất rõ và đầy đủ về quyền của người khuyết tật, tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, việc phân biệt đối xử với nhóm người khuyết tật vẫn còn tồn tại.
Sự việc xe buýt mang BKS 92B-002.69 chạy tuyến Đà Nẵng – Hội An bỏ rơi vị khách người khuyết tật cùng người nhà đang gây bức xúc dư luận. Ông Trương Công Nghiêm, Chủ tịch Hội Người khuyết tật Đà Nẵng bức xúc, nhân viên xe buýt cho rằng, xe chật, không đủ chỗ cho người khuyết tật là không hợp lý.
Ông Nghiêm cho hay, ông đã xem rất kỹ clip và không thể nói là xe không có chỗ vì họ vẫn đón rất nhiều người. Cửa xe không thể lọt xe lăn nhưng nhân viên có thể đưa người khuyết tật lên ghế ngồi trước. Họ có thể xếp xe lăn lại rồi đưa lên sau.
Trên các tuyến xe buýt cũng luôn có kiến nghị hành khách ưu tiên nhường chỗ cho người già, phụ nữ mang thai, trẻ em và người khuyết tật. Tôi cho rằng đó là hành vi kỳ thị người khuyết tật nghiêm trọng. Hành vi này vi phạm luật người khuyết tật và công ước quốc tế về người khuyết tật. Theo luật, hành vi này sẽ bị phạt nặng”.
Những định kiến về người khuyết tật vẫn tồn tại trong xã hội. Các quan niệm tiêu cực của cộng đồng như: coi người khuyết tật là những người “đáng thương”; người khuyết tật là những người tàn phế không thể có cuộc sống “bình thường” như những người khác; người khuyết tật đáng phải chịu số kiếp tàn tật vì họ phải “trả giá” cho việc làm xấu xa ở “kiếp trước”; gặp người khuyết tật là sẽ gặp “vận đen”… đang là rào cản rất lớn trong việc đưa người khuyết tật sống hòa nhập với cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật.
Kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người khuyết tật là một nguyên nhân cơ bản gây nên tình trạng thiệt thòi của người khuyết tật; hạn chế đáng kể các cơ hội sống, cơ hội phấn đấu của người khuyết tật và củng cố thêm tình trạng đói nghèo của họ.
Giữa khuyết tật và nghèo đói có mối liên hệ rất chặt chẽ. Khuyết tật vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả của đói nghèo. Khuyết tật cùng với đói nghèo đã làm tăng khả năng bị tổn thương và bị loại ra khỏi xã hội của những người phải chịu khuyết tật và đói nghèo và khó có cơ hội tìm được tổ ấm riêng.
Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen cho rằng việc Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về quyền của người khuyết tật là một bước tiến quan trọng nhằm thúc đẩy, bảo vệ và đảm bảo tất cả mọi người khuyết tật đều được hưởng đầy đủ và bình đẳng tất cả các quyền và tự do cơ bản của con người.
Tuy nhiên, bà Wiesen cũng cho rằng Việt Nam cần phải có những thay đổi trong luật pháp liên quan đến cuộc sống hàng ngày của người khuyết tật để hướng tới xóa bỏ kỳ thị đối với họ. 

Nguồn: baophapluat.vn
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song