Hơn 13.000 người mù được vay vốn tạo việc làm

Ngày đăng: 02/11/2018 - 859 lượt đọc

“Chương trình vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm và dạy nghề đối với tổ chức Hội người mù, đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp có ý nghĩa sâu sắc về chính trị, kinh tế xã hội và tính nhân văn”- ông Đinh Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Hội người mù khẳng định. Giảm tỷ lệ hộ nghèo trong Hội người mù từ 1-1,5%/ năm

Một lớp đào tạo tin học do Hội Người mù tỉnh Hải Dương tổ chức cho hội viên


Theo số liệu của Hội người mù, hiện nay,  tổng số vốn Hội đang quản lý cho vay 51,65 tỷ đồng vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm, triển khai cho vay tại 51 tỉnh, thành hội cho hơn 400 quận, huyện, thị hội vay. Qua nhiều năm tham gia chương trình Hội đã cho 37.100 lượt hộ vay và thu hút, tạo việc làm cho khoảng 13.000 lao động chủ yếu là người mù và người khuyết tật khác. Ngoài nguồn vốn kênh TW Hội một số tỉnh, thành hội đã tranh thủ vay thêm nguồn vốn địa phương hơn 40 tỷ đồng đã tạo thêm nhiều việc làm và nguồn thu nhập ổn định, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người mù và gia đình họ, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong Hội xuống khoảng từ 1- 1,5%/năm.
Theo ông  Đinh Thanh Tùng , Phó Chủ tịch TW Hội Người mù Việt Nam, việc triển khai cho vay vốn được thống nhất trong toàn Hội về cơ chế quản lý, đảm bảo tính dân chủ công khai, vay đúng đối tượng, có sự kiểm tra, đánh giá thường xuyên và tổ chức hỗ trợ về dạy nghề, khuyến nông …Hội cũng quy định chặt chẽ quy trình thủ tục cho vay, chú trọng việc điều tra khảo sát tình hình đời sống việc làm và nhu cầu vay vốn của người mù hiểu được hoàn cảnh tâm tư nguyện vọng, mục đích vay, khả năng trả nợ… để khi triển khai được nhanh chóng. Trong quá trình thực hiện Hội luôn chú trọng đến công tác giáo dục, động viên ý thức, trách nhiệm của người vay với đồng vốn của Nhà nước hỗ trợ. Chính vì vaayjh, đồng vốn đã phát huy hiệu quả trong đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế không những có việc làm, thu nhập mà còn góp phần tạo ra một số lượng lớn sản phẩm hàng hóa cho xã hội, các dự án kết thúc việc trả nợ gốc và lãi cho Ngân hàng luôn đảm bảo thời gian và số tiền vay, tính đến tháng 9/2018 nợ quá hạn trong Hội có 41 triệu đồng, chiếm 0,07% được các cơ quan quản lý Nhà nước và Ngân hàng chính sách xã hội đánh giá cao.
Để tăng thêm hiệu quả của việc sử dụng vốn vay Hội chú trọng công tác dạy nghề ngắn hạn cho người mù và gắn việc dạy nghề với tạo việc làm sau đào tạo. Các lớp dạy nghề cơ bản đáp ứng nhu cầu học nghề ở địa phương, các nghề học phù hợp với trình độ và sức khỏe và đảm bảo việc hành nghề sau khi học với khoảng 75% người có việc làm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh do Hội tổ chức và quản lý, nghề xoa bóp bấm huyệt đạt xấp xỉ 90%, thủ công hơn 50% với thu nhập của kỹ thuật viên xoa bóp trung bình 2,5 triệu đồng/người/tháng, người tay nghề cao đạt 4-5 triệu đồng/tháng, thu nhập nghề thủ công 1,3 triệu đồng/người/tháng.
“Có thể khẳng định chương trình vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm và dạy nghề đối với tổ chức Hội người mù, đối tượng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các chương trình tín dụng khác đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp có ý nghĩa sâu sắc về chính trị, kinh tế xã hội và tính nhân văn”- Phó Chủ tịch Hội người mù khẳng định và cho biết,  có được các kết quả trên là nhờ các cơ quan ban ngành ở Trung ương và địa phương đặc biệt là ngành LĐ-TB&XH  và Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để Hội tham gia tốt chương trình vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm. Bên cạnh đó, các cấp Hội năng động, tích cực chủ động và trách nhiệm trong việc thực hiện triển khai nguồn vốn.

Nguồn vốn vay mới chỉ đáp ứng 30% nhu cầu
Ông Đinh Thanh Tùng cho biết, phát huy những kết quả đã đạt được trong hơn 20 năm qua khi tham gia chương trình vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, Hội Người mù Việt Nam tiếp tục triển khai cho vay vốn đối tượng là người mù với mục tiêu cho nhiều người mù nghèo được vay vốn, sử dụng vốn hiệu quả, phấn đấu thu hồi 100% vốn, lãi trả Nhà nước.
Tuy nhiên, ông Tùng cho biết, mỗi năm Hội được Nhà nước bổ sung khoảng 2 tỷ đồng nguốn vốn vay trong khi đó các tỉnh, thành hội đăng ký nguồn vốn với Trung ương Hội khoảng hơn 6 tỷ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 30% so với nhu cầu vay (năm 2016, 2017 Hội không được phân bổ kinh phí).Hiện nay Hội Người mù Việt Nam có 56 tỉnh, thành hội và 73.475 hội viên  tổng số vốn Hội đang quản lý là 51,65 tỷ đồng, tính bình quân mỗi đơn vị quản lý chưa được một tỷ đồng, bình quân một người được vay vốn cũng rất thấp và nhiều người mù có nhu cầu vay vốn nhưng không được vay.
Từ những khó khăn trên Phó Chủ tịch Hội người mù đề xuất, hàng năm Nhà nước bổ sung cho Hội từ 3-3,5 tỷ đồng nguồn vốn cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm và hỗ trợ khoảng 200 triệu đồng cho công tác tập huấn, thẩm định, kiểm tra, đánh giá hiệu quả của chương trình. Liên bộ tăng cường công tác tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý để việc triển khai vay vốn ngày càng hiệu quả hơn. Đồng thời, đề nghị Ngân hàng Chính sách Xã hội và các bộ ngành có liên quan nghiên cứu để đơn giản thủ tục vay vốn vì một số tỉnh, thành hội gặp khó khăn khi người mù vay vốn Ngân hàng CSXH yêu cầu phải có giấy ủy quyền và chữ ký của các thành viên trong sổ hộ khẩu đủ 18 tuổi trở lên dưới sự chứng kiến của trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố và xác nhận của Ủy ban Nhân dân xã, phường…
 

Theo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội

Sưu tầm: Phạm Mai