Hà Chương, chàng mù làm mưa làm gió ở Viet Nam Got Talent 2015

Ngày đăng: 09/04/2015 - 1300 lượt đọc

Hà Chương mò mẫm, được một người dẫn ra sân khấu. Thế nhưng, khi cầm cây guitar và hát, anh chàng này đã biến mất đi sự chậm chạp, máu lửa hòa cảm xúc vào ca khúc…

Hà Chương đến với cuộc thi Viet Nam Got Talent lần này, với mục đích làm cho tên tuổi của mình được nhiều người biết đến, được mời đi hát với giá cátsê cao hơn hay có mục đích nào khác?

Tôi biết chương trình này lâu rồi, nhưng những lần trước không có động lực để dự thi. Lần này tôi quyết định đi thi, ngoài mục đích muốn mình có cơ hội cọ xát, rèn luyện thử sức, điều quan trọng nhất, là tôi muốn là hình ảnh đại diện cho người khuyết tật.

Người khuyết tật ở Việt Nam không có điều kiện tiếp cận với cộng đồng thuận lợi như người khuyết tật ở một số nước tiên tiến. Nếu tôi làm được điều bất ngờ tại cuộc thi, tôi sẽ tạo ra một động lực rất lớn cho cộng đồng người khuyết tật, giúp cho họ sự tự tin, phấn đấu khẳng định bản thân trong xã hội. Với mục đích đó, đến với sân chơi này, tôi đã vượt qua chính cái tôi của mình, không còn thi cho riêng tôi nữa.

Ca sĩ, kiêm nhạc sĩ Hà Chương. Ảnh: Dương Cầm

Hà Chương cũng không xa lạ gì với người nghe nhạc cả nước. Đến với cuộc thi không phải vì mục đích nổi tiếng, vậy bạn không quan trọng việc thắng, thua?

Tôi không phải nổi tiếng lắm, nhưng cũng đi diễn nhiều nơi, kể cả nước ngoài, tham gia nhiều chương trình.

Thật sự, tôi không quan trọng việc thắng, thua. Tôi chỉ mong mình được vào những vòng trong, để vừa có cơ hội thử thách bản thân, vừa có cơ hội để cộng đồng người khuyết tật nhìn vào đó, thấy sự thành công của tôi, nỗ lực vươn lên nhiều hơn!

Nhiều người cũng hỏi tôi, nếu có thua, có mặc cảm không? Tôi trả lời: “Tôi là người khiếm thị, từ bé đến giờ đã quá thua thiệt với cuộc đời. Nếu có thua nữa, cũng có sao?”. Đến giờ này, tôi đã vào đến chung kết, chỉ còn 14 thí sinh, tôi cũng đã thắng rồi, thắng được chính mình.

Bạn đâu có xem được những hình ảnh mình trình diễn ở cuộc thi phải không?

Tôi chỉ nghe mọi người tả lại thôi, vì tôi mù mà. Tôi chỉ có thể nghe lại những âm thanh trong phần trình diễn của mình.

Hà Chương đang tập tiết mục cho đêm chung kết Viet Nam Got Talent diễn ra vào tối mai, 29.3. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Không thể nhìn thấy, khi lên sân khấu, anh có cảm thấy bất lợi?

Tôi có cách của tôi. Về trang phục, tôi có những người bạn tư vấn cho cách ăn mặc. Khi bước ra sân khấu, tôi cần một người dẫn tôi ra, chỉ cho tôi chỗ đứng đúng hướng. Khi hát, nếu biểu diễn tay chân, tôi không thể bằng những ca sĩ bình thường khác. Tôi khắc phục nhược điểm này bằng cách ôm một cây đàn.

Và quan trọng nhất, dù anh có mặc đồ lòe loẹt, dù cho anh có nhảy nhót, nhưng khi biểu diễn, anh không có cảm xúc thì cũng sẽ thất bại. Tôi phát huy lợi thế của mình trong tiếng đàn và giọng hát, tất cả xuất phát từ một cảm xúc thật sự.

Nhưng để có cảm xúc, ca sĩ cũng cần nhìn thấy khán giả, còn Hà Chương thì...

Không nhìn thấy khán giả, tôi sẽ lắng nghe âm thanh. Tôi đo độ lớn, nhỏ của tiếng vỗ tay của khán giả, là biết mình hát hay, hát dở. Nếu tôi hát không hay, tôi sẽ nghe bên dưới người ta nói chuyện nhiều, còn im phăng phắc là họ đang tập trung nghe….

Nếu không bị mù, anh có nghĩ mình sẽ làm nghề khác, chứ không làm nghề ca sĩ, sáng tác?

Niềm đam mê ca hát đã có trong máu từ lúc tôi còn nhỏ. Mẹ tôi kể, lúc mới 6 tuổi, tôi đã thuộc hết những làn điệu dân ca bài chòi của Khu 5, Quảng Ngãi. Mỗi lần trong làng có liên hoan, đám cưới, tôi đều đến đó  nài nỉ, xin hát.

Trước hai tuổi, tôi bị cận thị. Sau đó, mắt bị mờ dần và mù hẳn. Bác sĩ nói tôi bị teo dây gai thị giác dưới đáy mắt. Bị mù, thế giới xung quanh của tôi chỉ còn là âm thanh. Âm nhạc đã trở thành cứu cánh duy nhất đối với tôi. Lúc vui, lúc buồn tôi đều tìm đến âm nhạc.

Có một điều ngạc nhiên, một nhạc sĩ có số phận buồn thì thường mang nỗi buồn của mình vào sáng tác, còn anh thì ngược lại. Nghe những ca khúc của Hà Chương, như: Áo dài cuối phố, Bạn tôi, nắng hát, Xin cảm ơn em... người nghe thấy rất yêu đời. Bạn đang cố gắng làm điều khác người?

Nếu nói không buồn thì không đúng. Bị mù, nhìn đời bằng bóng đêm thì làm sao mà vui được?

Nhưng buồn hoài, cũng không thay đổi được gì, càng chôn vùi mình. Tôi đã cố gắng để mình là một người bình thường, sống bình thường. Hàng ngày tôi đi hát, đi dạy nhạc, sáng tác… cũng không còn thời gian để buồn nữa. Tôi muốn mình là một người tàn mà không phế…

Chính vì vậy, trong những sáng tác của mình, ít thấy thoáng những nỗi buồn. Tôi muốn các bạn khuyết tật, những bạn trẻ bình thường về thân thể nhưng mất định hướng, không phải nghe những ca khúc buồn của tôi mà nhục chí!

"Tôi không muốn mang những nỗi buồn số phận của mình vào sáng tác, vì không muốn cộng đồng người khuyết tật, cũng như các bạn trẻ đang mất phương hướng nghe và nản chí" - Hà Chương. Ảnh: Dương Cầm

Vậy anh đã sáng tác một ca khúc nào về người khiếm thị chưa?

Tôi viết nhiều về người khuyết tật, nhưng để viết một ca khúc ưng ý về người khiếm thị thì tôi chưa có ca khúc nào.

Tại sao?

Chắc có lẽ tôi là một người khiếm thị, tôi quá hiểu nỗi khổ. Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng khi hiểu một vấn đề nào đó, khi tiếp cận nó, bạn sẽ bị nhiều áp lực.

Có bao giờ Hà Chương  cảm xúc trước cảnh một người mù, cũng làm nghề ca hát như mình, nhưng không may mắn được đứng trên sân khấu lớn mà hát rong, kiếm tiền bố thí, kiếm sống qua ngày?

Trước hết, tôi thấy mình may mắn hơn những số phận đó, được đi học hành một cách bài bản, tốt nghiệp đại học ngành âm nhạc.

Thế nhưng, mỗi lần đứng trước một số phận như anh hỏi, tôi thấy rất chạnh lòng, thương cảm, cho dù tôi vẫn tôn trọng họ.

Theo tôi nghĩ, mỗi người đều có một số phận, một định mệnh. Tạo hóa tạo ra một con người, đều giao thêm một sứ mệnh trong cuộc đời. Biết làm sao bây giờ? Cố gắng mà sống thôi!

Hai người yêu nhau, hay nhìn vào mắt nhau để tìm sự đồng cảm. Ánh mắt đầu tiên cũng mang đến một cảm xúc yêu.  Với Hà Chương thì sao?

Tôi không cảm nhận được tình yêu bằng ánh mắt, nhưng tôi có thể cảm nhận được bằng giọng nói, cử chỉ chăm sóc…. Khi yêu, có rát nhiều kênh để cảm nhận một cách trọn vẹn. Con người luôn có bản năng sinh tồn, vì vậy, tôi mất đôi mắt thì những giác quan khác của tôi phát triển mà.

Anh có thể kể về mối tình với bà xã hiện tại của mình?

Do bị mù lòa, tôi đến trường muộn đến 6 năm. Tới 12 tuổi, tôi mới vào học lớp 1. Khi vào cấp 3, tôi học lớp 10 thì Hải Yến đã học lớp 11, dù tôi lớn  hơn cô ấy đến 5 tuổi.

Những lần tôi biểu diễn văn nghệ ở trường, Hải Yến có xem và cảm tình, nhưng hai chúng tôi chưa bao giờ nói chuyện với nhau, cho đến lúc cô ấy ra trường trước một năm.

Sau đó, tôi ra Thủ đô, học ở nhạc viện Hà Nội. Bẵng đi một thời gian dài, tôi về Đã Nẵng biểu diễn. Yến có đến xem, hai chúng tôi trao đổi số điện thoại. Tìm hiểu nhau đến 6 năm, ít có cơ hội gặp nhau vì Hải Yến ở Đà Nẵng, còn tôi ở Hà Nội. Và chuyện gì đến cũng đến…

Hiện nay Hải Yến là giáo viên dạy môn tiếng Anh ở một trường trung học tại TP.HCM. Dù trái nghề, nhưng vợ chồng biết thông cảm và hỗ trợ cho nhau. Hai đứa chúng tôi kết hôn đến hôm nay tròn hai năm, và có một đứa con gái bụ bẫm, đã được 7 tháng tuổi.

Xin cám ơn nhạc sĩ Hà Chương!

Lê Ngọc Dương Cầm thực hiện

Nhạc sĩ, ca sĩ Hà Chương có thể chơi được đến 7 nhạc cụ: Piano, guitar, guitar phím lõm (đờn ca tài tử), đàn sến, sáo, mandolin, đàn bầu. Vì thế, tham gia cuộc thi Viet Nam Gotalent 20015, ở mỗi vòng Hà Chương đều hát và chơi một nhạc cụ. Hà Chương luôn biến hóa các tiết mục của mình như một con tắc kè đổi màu rất ngoạn mục.

Nếu ở vòng đầu tiên, Hà Chương đệm guitar, hát ca khúc Cõng mẹ đi chơi, thì vòng kế tiếp, anh đã hát dân ca Bình Trị Thiên, thồi sáo và đánh đàn bầu.

Ở vòng chung kết diễn ra vào tối mai (29.3), tiết mục của Hà Chương sẽ rất độc đáo. Đó là sự kết hợp giữa cải lương Nam Bộ và nhạc bất hủ thế giới thập niên 80: Hà Chương sẽ chơi guitar phím lõm, ca vọng cổ bài Dạ cổ hoài lang nổi tiếng của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, sau đó sẽ chuyển sang đánh đàn bầu, hát ca khúc... Hotel California của nhóm The Eagles trên nền nhạc... vũ trường, có cả  DJ.