7 việc cần làm, 2 việc cần tránh ngay để tăng cường sức đề kháng, phòng tránh bệnh tật trong mùa hè

Ngày đăng: 04/06/2020 - 824 lượt đọc

Một trong những việc làm quan trọng nhất để bảo vệ sức khỏe là duy trì thói quen tăng cường sức đề kháng và khả năng miễn dịch của cơ thể.

Trước sự đe dọa của dịch bệnh, cúm và cảm lạnh, đảm bảo hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả, sẵn sàng chống lại sự tấn công của virus là điều vô cùng cần thiết. Valerie LeComte, bác sĩ kiêm chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Nam Colorado cho biết, việc làm cần thiết nhất vào thời điểm này là ngăn ngừa nhiễm trùng và tăng cường sức đề kháng của cơ thể, nhất là vào thời điểm mùa hè nắng nóng này.

Dưới đây là tổng hợp một số bí quyết đơn giản, hiệu quả bạn có thể thực hiện để phòng tránh bệnh tật trong mùa hè:

7 việc cần làm ngay:

1. Tiêu thụ thực phẩm giàu chất chống oxy hóa

Trái cây và rau củ cung cấp các chất chống oxy hóa cần thiết để chống lại bệnh tật.

Tuy không thể chữa khỏi bệnh 100%, một số thực phẩm đã được chứng minh giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Cynthia Linda, chuyên gia dinh dưỡng tại Trung tâm y tế Beth Israel Deaconess ở Boston cho biết, trái cây họ cam quýt, ớt chuông đỏ, hạnh nhân, hạt hướng dương, quả óc chó, đậu và tỏi đều có khả năng hỗ trợ hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả.

Nhìn chung, những loại rau và trái cây màu xanh đậm, đỏ và vàng giúp bổ sung nhiều chất chống oxy hóa có khả năng chống lại virus.

2. Tập thể dục thường xuyên

Theo bài viết đăng trên Tạp chí Khoa học Thể thao và Sức khỏe năm 2019, tập thể dục với cường độ vừa phải có thể tăng khả năng phản ứng của hệ miễn dịch, giảm nguy cơ mắc bệnh và tránh viêm nhiễm.

Tập thể dục thường xuyên và ăn uống lành mạnh là những yếu tố quan trọng nhất giúp duy trì sức đề kháng. Tim Timothy Mainardi, bác sĩ về bệnh dị ứng và miễn dịch học tại thành phố New York chia sẻ, những người có lối sống ít vận động thường sở hữu nguy cơ mắc cảm lạnh hoặc các bệnh truyền nhiễm cao.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyên, mọi người nên tập thể dục cường độ vừa phải tối thiểu 150 phút một tuần hoặc 75 phút với cường độ mạnh.

3. Cải thiện giấc ngủ

Ngủ đủ giấc giúp cơ thể phục hồi sau căng thẳng và góp phần thúc đẩy hoạt động của hệ miễn dịch.

Bác sĩ Mainardi cho biết, thiếu ngủ có mối liên hệ mật thiết với bệnh tật. Không ít người có quan niệm ngủ muộn một hai ngày sẽ không sao nếu sau đó ngủ bù. Thói quen này không những không có lợi mà còn ảnh hưởng lớn tới đồng hồ sinh học của cơ thể. Thời gian nghỉ ngơi liên tục bị xáo trộn chắc chắn sẽ tác động tới hoạt động của hệ miễn dịch.

Theo Tổ chức Sleep, người trưởng thành từ 18-64 tuổi cần chợp mắt 7-9 tiếng mỗi đêm, trẻ em và thanh thiếu niên cần ngủ nhiều hơn thời gian này.

4. Rửa tay

Đây là việc làm vừa dễ thực hiện vừa đem lại hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm. Để tiêu diệt tối đa mầm bệnh, mọi người cần rửa tay ít nhất 20 giây với xà phòng và nước.

Tuy nhiên, dù rửa tay kỹ đến đâu, bạn cũng không thể tránh khỏi việc vô tình tiếp xúc với mầm bệnh. Do đó, mọi người đừng bao giờ quên vệ sinh tay trước khi ăn và chế biến thực phẩm, sau khi hắt hơi hoặc ho, chạm vào bề mặt có thể chứa nhiều vi khuẩn. Nếu bạn sở hữu làn da nhạy cảm, dùng kem dưỡng ẩm là việc làm cần thiết để bảo vệ sức khỏe da.

5. Sử dụng chất khử trùng

Rửa tay thường xuyên giúp hạn chế virus và vi khuẩn tiếp xúc với mắt, mũi và miệng.

Nếu bạn không có xà phòng, dùng chất khử trùng tay là lựa chọn thay thế tuyệt vời. CDC cho biết, các sản phẩm này cần chứa tối thiểu 60% cồn để có tác dụng diệt khuẩn. Nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo mọi người nên lựa chọn loại sở hữu ít 60% ethanol hoặc 70% isopropanol.

6. Tăng cường probiotic

Vi khuẩn trong đường ruột có thể ảnh hưởng đến cơ thể của bạn. Đây là lý do không ít chuyên gia khuyến nghị mọi người cần tăng cường tiêu thụ thực phẩm chứa lợi khuẩn, hay còn gọi là probiotic. Thức uống, đồ ăn lên men như sữa chua, dưa, kim chi là lựa chọn lý tưởng nhất.

Tuy nhiên, những người mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, HIV hoặc đang hóa trị cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tăng cường probiotic.

7. Bổ sung kẽm

Kẽm khoáng chất là khoáng chất thiết yếu để tạo ra các tế bào duy trì sức đề kháng và đảm bảo hệ miễn dịch hoạt động bình thường. Theo nghiên cứu tại Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, những người thiếu hụt kẽm dễ bị nhiễm trùng và lâu lành vết thương hơn.

Các chuyên gia khuyến nghị nam giới cần bổ sung 11mg kẽm mỗi ngày, con số này là 8mg với phụ nữ, thông qua các loại thực phẩm như hàu, thịt đỏ, hải sản, đậu, hạt và ngũ cốc.

2 việc cần tránh

Tránh uống rượu

Nếu bạn muốn sở hữu một cơ thể khỏe mạnh, hãy tránh xa đồ uống có cồn.

Nhìn chung, các loại đồ uống có cồn không đem lại bất kỳ tác động tích cực nào đối với hệ miễn dịch. Uống nhiều rượu, hơn 4 ly trong hai giờ đối với phụ nữ và 5 ly với nam giới, đã được chứng minh sẽ làm giảm khả năng miễn dịch.

Theo nghiên cứu tại Tổ chức NYU Langone Health, lượng tế bào bạch cầu giảm xuống dưới mức bình thường trong ít nhất 5 giờ kể từ khi uống rượu.

Tránh căng thẳng

Căng thẳng, lo lắng ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và ức chế quá trình hoạt động của hệ miễn dịch. Hơn nữa, tâm trạng xuống dốc cũng góp phần làm mất cân bằng hệ vi sinh vật trong đường ruột, từ đó dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa.

Marvin Singh, chuyên gia y khoa kiêm tác giả của cuốn sách An Integrative Gastroenterologist’s Guide to Gut Health & Longevity đã chỉ ra, hiện nay có rất nhiều cách có thể giúp bạn thư giãn và xua tan căng thẳng. Thiền, yoga là một trong những lựa chọn tuyệt vời. Ngoài ra, trò chuyện với bạn bè, xem phim, tham gia các hoạt động ngoài trời, đi dạo cũng có thể giúp bạn quên đi những suy nghĩ tiêu cực.

Nguồn: kenh14.vn

Sưu tầm: Ngọc Song