Các phương pháp điều trị cảm lạnh

Ngày đăng: 18/10/2021 - 787 lượt đọc

Cảm lạnh là thể bệnh có thể gặp ở 4 mùa trong năm, nhưng hay gặp nhất là mùa thu và mùa đông. Nguyên nhân do chính khí (sức đề kháng) kém, hàn tà (yếu tố gây bệnh) xâm nhập vào cơ thể.

Triệu chứng của cảm lạnh

Triệu chứng chủ yếu khi bị cảm lạnh gồm:

  • Ho,
  • Hắt hơi,
  • Ngạt mũi hoặc chảy nước mũi trong,
  • Sợ lạnh, sợ gió,
  • Sốt nhẹ,
  • Không ra mồ hôi,
  • Đau người, đau mỏi các khớp xương, vô lực, mệt mỏi.

Điều trị cảm lạnh không dùng thuốc

1. Cạo gió điều trị cảm lạnh

Theo y học cổ truyền, tiền xu, thìa, muỗng múc canh, sống lược, miệng bát…. Đó là những dụng cụ có mép tròn, chất liệu cứng nhưng không gây tổn thương cho cơ thể đều có thể dùng làm công cụ cạo gió.

Ngày nay mọi người thường sử dụng miếng cạo gió chuyên dụng để thực hiện cạo gió như miếng cạo gió làm bằng sừng trâu hoặc miếng cạo gió làm bằng ngọc đá.

Đông y cho rằng, miếng cạo gió bằng sừng trâu phát huy được tác dụng phát tán hành khí, thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết hóa ứ. Miếng cạo gió làm bằng ngọc đá có tác dụng hành khí hoạt huyết, sơ thông kinh lạc.

Cách thực hiện: Dùng gừng rượu sao nóng hoặc xoa dầu nóng vào nơi cần tác động (ở 2 bên cột sống). Lấy miếng cạo gió cạo nhẹ cho đến khi da chuyển màu hồng. Nếu bị cảm nặng, vết cạo gió có các nốt lấm tấm hoặc vết máu bầm.

2. Đánh gió điều trị cảm lạnh

Phương pháp 1:

- Vị trí cần tác động: Cột sống từ gáy cổ xuống thắt lưng; giữa và hai bên cột sống; đánh gió từ giữa trán sang hai bên thái dương; gan lòng bàn tay và bàn chân.

- Cách thực hiện: Tóc rối, gừng, rượu. Tóc nối 1 nắm, gừng giã nát sao với rượu. Tóc rối tẩm gừng rượu đang nóng, xát nhẹ trên da khi nào thấy da phớt hồng là được.

Phương pháp 2:

- Cám gạo (1 bát con) rang thơm, bọc vào miếng vải mềm, xát vào các vị trí cần tác động như phương pháp 1. Khi cám nguội lại rang nóng xát đến khi da hồng thì thôi.

Phương pháp 3:

- Đánh bằng đồng bạc và trứng gà: Trứng gà luộc chín kỹ, bóc vỏ gói vào miếng vải mềm cùng với đồng bạc.

- Cách thực hiện: Làm như phương pháp 1. Kết quả khi bỏ ra thấy đồng bạc bị xám xịt.

Cháo tía tô có công dụng trị cảm lạnh hiệu quả

3. Nồi nước xông điều trị cảm lạnh

Có thể sử dụng một số loại lá.

Lá có tác dụng sát trùng hỗ trợ bệnh đường hô hấp: Lá chanh, lá bưởi, lá sả, bạc hà, tía tô.

Lá có tác dụng "kháng sinh tự nhiên": Hành, tỏi.
Lá có tác dụng hạ sốt: Lá tre, lá duối, lá cúc tần.

Tùy theo các dược liệu sẵn có, dễ kiếm, dễ tìm mà có thể sử dụng cho phù hợp.

Cách thực hiện: Dùng nồi to, đun nước sôi, bỏ các vị thuốc vào, đậy kín, đun sôi 5 phút thì bắc ra. Bệnh nhân ngồi trên giường hoặc rải chiếu xuống đất, đặt nồi nước xông bên cạnh, hé vung, dùng chăn mỏng trùm kín người và chỉ mặc đồ quần áo mỏng cho mồ hôi thoát ra.

Mồ hôi ra đến đâu, lấy khăn khô thấm ngay đến đó. Thời gian xông từ 5 -10 phút. Xông xong lau khô mồ hôi, thay quần áo rồi ăn bát cháo nóng có hành, tía tô.

Chỉ định: Dùng trong trường hợp cảm lạnh không ra mồ hôi.

Chống chỉ định: Phụ nữ có thai, trẻ em duới 15 tuổi, người già bị sức khỏe kém, người mắc bệnh thiếu máu, người bị tiêu chảy mất nước, rong kinh, rong huyết.

4. Cháo giải cảm

- Thành phần: Gạo tẻ 150g, gạo nếp 1 nắm, trứng gà, hành, tía tô, gia vị vừa đủ.

- Cách chế biến: Nấu cháo loãng vừa phải. Thái hành, tía tô, lấy lòng đỏ trứng gà cho tất cả vào bát to, đổ cháo đang sôi vào trộn đều, ăn nóng.

5. Bài thuốc uống trong điều trị cảm lạnh

Bài 1: Hương phụ 8g, tía tô 8g, trần bì 4g, cam thảo nam 8g. Các vị trên sắc uống ngày một thang, chia làm 2 phần, uống trong ngày.

Bài 2: Tía tô 1 nắm, kinh giới 1 nắm, vỏ quýt 1 nắm, gừng tươi 3 lát, các vị trên đều dùng tươi. Sắc lấy nước uống. Ngày một thang, chia làm 2 phần, uống trong ngày.

Bài 3: Tía tô 15g, rau má 12g, bạc hà 19g, củ hành tươi 10g, cam thảo đất 8g, sắc với 600ml nước, còn 200ml, chia làm 2 phần, uống nóng.

Bài 4: Xuyên khung 50g, củ gấu 30g, tế tân 20g. Tán bột mịn, trộn đều, ngày uống 2 lần, mỗi lần 4g.

Bài 5: Tía tô 30g, kinh giới 20g, bạch chỉ 10g, bạc hà 10g, sinh khương 10g. Các vị sao khô, tán bột mịn, thêm mật ong hoặc đường mía hoàn viên, mỗi lần uống 4-8g. Ngày 2 lần, uống xong ăn cháo hành tía tô nóng cho ra mồ hôi. Trẻ em dùng bằng 1/2 liều người lớn.

Những vị thuốc trong bài thuốc quế chi thang trị cảm lạnh.

6. Bài thuốc cổ phương điều trị cảm lạnh

- Biểu hiện: Khi bị cảm lạnh, biểu hiện sốt, sợ gió và vẫn ra mồ hôi. Mồ hôi chảy ra càng nhiều, thì càng sợ gió. Hễ gió thổi là cảm thấy lạnh, kèm theo các chứng trạng như cổ gáy cứng đau, đau đầu, ngạt mũi, chảy nước mũi, nôn khan.

- Bài thuốc ứng dụng: Quế chi thang.

- Thành phần bài thuốc: Quế chi 16g, bạch thược 12g, sinh khương 12g, chích cam thảo 8g, đại táo 12 quả. Sắc uống ngày một thang.

- Phương giải bài thuốc:

+ Quế chi làm chủ dược, có tính năng ôn thông kinh mạch, thúc đẩy tuần hoàn máu, phát tán hàn tà.

+ Thược dược điều hòa phần âm, thông điều huyết mạch.

+ Sinh khương vị cay tính ấm, vừa có thể trợ giúp quế chi phát tán phong hàn tà lại có thể làm ấm dạ dày và chống nôn.

+ Cam thảo, là vị thuốc có tác dụng an trung ích khí, điều hòa các vị thuốc, trợ giúp tác dụng ôn dương của quế chi, trợ giúp tác dụng hòa âm, hoãn cấp chỉ thống cho thược dược.

+ Đại táo có công dụng ích tỳ vị…

Các vị thuốc hợp lại, thành một phương thuốc có tác dụng điều hòa khí huyết, trị cảm lạnh có mồ hôi.

Bài thuốc "quế chi thang" còn có thể sử dụng để điều trị nhiều chứng bệnh khác: Chữa chứng mồ hôi tự tiết ra ở những người sau khi ốm nặng sức khỏe chưa phục hồi hoàn toàn; dùng cho phụ nữ sau sinh (hậu sản) cơ thể còn suy yếu, khí huyết chưa phục hồi dẫn tới chứng trạng cơ thể người lúc nóng lúc lạnh, mệt mỏi, ăn uống kém.

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Sưu tầm: Ngọc Song

 


Bình luận

Viết bình luận