Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật

Ngày đăng: 06/11/2019 - 657 lượt đọc

Ngày 4-11, Văn phòng Trung ương Đảng đã công bố Chỉ thị số 39-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật do đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thay mặt Ban Bí thư đã ký ban hành ngày 1-11. Nhân Dân điện tử xin trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị.

CHỈ THỊ CỦA BAN BÍ THƯ
về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và xã hội luôn quan tâm đến công tác người khuyết tật, đã ban hành, triển khai nhiều chủ trương, chính sách chăm lo, bảo đảm quyền và phát huy vai trò của người khuyết tật, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội và phát triển bền vững. Công tác người khuyết tật đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp đối với người khuyết tật được nâng cao hơn, người khuyết tật ngày càng tự tin, thuận lợi hơn hòa nhập vào đời sống xã hội. Các cơ quan nhà nước triển khai nhiều hoạt động trợ giúp người khuyết tật, phát huy trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trong việc chăm lo cuộc sống của người khuyết tật, tạo cơ hội bình đẳng nhằm đáp ứng tốt hơn quyền lợi chính đáng, hợp pháp, động viên để người khuyết tật phát huy năng lực, vươn lên hoà nhập, đóng góp cho xã hội. Việc đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động trợ giúp người khuyết tật đã huy động được sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức và đông đảo các tầng lớp nhân dân, trong đó có các tổ chức tôn giáo, nhân đạo, từ thiện. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có nhiều hình thức hỗ trợ, tạo điều kiện để các tổ chức người khuyết tật đẩy mạnh hoạt động chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật.
Tuy nhiên, một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa quan tâm đầy đủ, thiếu sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với người khuyết tật. Đời sống của một bộ phận không nhỏ người khuyết tật còn nhiều khó khăn, nhất là người khuyết tật đặc biệt nặng. Vẫn còn người khuyết tật chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ các chính sách trợ giúp của Nhà nước về y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm, tín dụng… Mức trợ cấp xã hội cho người khuyết tật chậm được điều chỉnh. Số người khuyết tật được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội còn ít, cơ sở vật chất thiếu thốn. Một bộ phận cán bộ và người dân nhận thức chưa đầy đủ, xem công tác người khuyết tật là hoạt động nhân đạo, từ thiện, là trách nhiệm của ngành lao động - thương binh và xã hội. Vẫn còn tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật. Một số nơi công tác tổ chức thực hiện pháp luật về người khuyết tật còn chậm, chưa toàn diện. Hiệu quả hoạt động của một số tổ chức người khuyết tật chưa cao.
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế nêu trên là công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về người khuyết tật chưa được quan tâm đúng mức. Một số chủ trương của Đảng liên quan đến người khuyết tật chưa được thể chế hóa kịp thời, đồng bộ, thống nhất. Công tác quản lý nhà nước, nhất là việc bố trí nguồn lực để thực hiện chính sách, công tác thống kê và quản lý người khuyết tật, công tác thanh tra, kiểm tra còn hạn chế. Việc huy động các nguồn lực xã hội cho công tác người khuyết tật chưa được phát huy. Số lượng người khuyết tật, đặc biệt là khuyết tật vận động tăng dần trong những năm qua và tiếp tục gia tăng, tạo áp lực đối với việc bảo đảm an sinh xã hội.
Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác người khuyết tật, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

1. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, tổ chức và nhân dân trong thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trợ giúp người khuyết tật
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về công tác người khuyết tật. Tích cực đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho người khuyết tật bằng hình thức phù hợp. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cấp uỷ, tổ chức đảng trong thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người khuyết tật; hỗ trợ, tạo điều kiện phát huy năng lực của người khuyết tật và các tổ chức người khuyết tật để làm tốt vai trò đại diện, tập hợp, đoàn kết, là cầu nối giữa người khuyết tật với Đảng, Nhà nước; bảo đảm kết hợp chặt chẽ, hợp lý giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, hướng tới một xã hội không rào cản đối với người khuyết tật.

2. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách, pháp luật về người khuyết tật
Tiếp tục thể chế chủ trương, quan điểm của Đảng; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về người khuyết tật bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi, phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội đất nước và các cam kết quốc tế, góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội và an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu công bằng xã hội. Nâng dần mức trợ cấp xã hội phù hợp với các mức sống trong xã hội, khả năng ngân sách nhà nước; có chính sách tăng số lượng người khuyết tật tham gia mạng lưới an sinh xã hội; tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật tiếp cận các chính sách giáo dục, học nghề, việc làm, tín dụng, bảo trợ xã hội, hoạt động văn hoá, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch, đi lại.
Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình trợ giúp người khuyết tật; khuyến khích người khuyết tật có khả năng học tập, lao động khắc phục khó khăn, vươn lên sống độc lập, hoà nhập xã hội, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội và giúp đỡ người khuyết tật khác. Xây dựng tiêu chuẩn các cơ sở hạ tầng thiết yếu phù hợp cuộc sống của người khuyết tật, tạo cơ hội bình đẳng cho người khuyết tật.
Tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về người khuyết tật.

3. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động trợ giúp người khuyết tật
Nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội trong việc chăm lo, giúp đỡ người khuyết tật và các tổ chức của người khuyết tật; vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ cho cuộc sống người khuyết tật và hội viên các tổ chức của người khuyết tật. Có cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của khu vực ngoài nhà nước đầu tư cho các mô hình phi lợi nhuận chăm sóc người khuyết tật, nhất là người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng, phụ nữ, trẻ em khuyết tật, người khuyết tật cao tuổi. Tạo điều kiện cho tổ chức của người khuyết tật có đủ năng lực tham gia thực hiện các dịch vụ công của Nhà nước.

4. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội đối với các tổ chức của người khuyết tật
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội tiếp tục nâng cao hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào chăm lo, giúp đỡ người khuyết tật; tăng cường quan hệ phối hợp trong các hoạt động trợ giúp người khuyết tật; lồng ghép các cuộc vận động, các phong trào thi đua gắn với việc chăm lo đời sống người khuyết tật ngày càng tốt hơn. Tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ phối hợp giữa các tổ chức của người khuyết tật với các tổ chức trong và ngoài nước nhằm trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau nâng cao hiệu quả hoạt động.

5. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức của người khuyết tật
Tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức của người khuyết tật theo phương châm "Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng, hoà nhập với cộng đồng". Đề cao trách nhiệm và sự chủ động của các tổ chức của người khuyết tật trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, các phong trào, các cuộc vận động trong người khuyết tật. Thường xuyên giới thiệu, tuyên truyền để nhân rộng trong cả nước những tấm gương tiêu biểu vượt khó vươn lên của người khuyết tật, những cách làm hay trong hoạt động của các tổ chức của người khuyết tật.

6. Tổ chức thực hiện
Các tỉnh uỷ, thành uỷ, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương tổ chức quán triệt và chỉ đạo thực hiện Chỉ thị này.
Ban cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai, định kỳ báo cáo Ban Bí thư kết quả thực hiện Chỉ thị.
Chỉ thị này phổ biến đến chi bộ.

Nguồn: nhandan.com.vn
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song