Như đóa hoa xuân

Ngày đăng: 22/02/2021 - 875 lượt đọc

Như đóa hoa mùa xuân, những người phụ nữ này luôn tận tâm và tràn đầy nhiệt huyết gieo niềm tin, hy vọng cho những mảnh đời không may mắn. Bởi với họ, mỗi con người được sinh ra, dù lành lặn hay khiếm khuyết đều mang trong mình trái tim ấm áp, nhân hậu, “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

Người bạn dẫn đường của người khuyết tật

Tràn đầy sự tự tin, tinh thần lạc quan, đó là những lời nhận xét về chị Nguyễn Hải Yến, Chủ nhiệm CLB Người khuyết tật (NKT) TX Đông Triều. Để có được kết quả phi thường ngày hôm nay, chị đã trải qua không ít gian truân, vất vả. Bằng niềm tin, sự hy vọng vào tương lai, chị đã đem ánh sáng đến cho rất nhiều mảnh đời khuyết tật, giúp họ có thêm nghị lực sống, hòa nhập với cộng đồng.

Chị Nguyễn Hải Yến chụp ảnh lưu niệm trong chuyến công tác tại Mỹ (Ảnh nhân vật cung cấp).

Chị Yến sinh ra và lớn lên tại Đông Triều. Như bao cô gái khác, chị cũng ấp ủ cho mình nhiều ước mơ, hoài bão. Nhưng số phận như “trêu đùa” với chị, khi ở độ tuổi 18 đẹp nhất của người con gái, chị bị tai nạn giao thông trên đường đi học về (mất chân phải). Chị chia sẻ: “Lúc đó tôi gần như tuyệt vọng đến tột cùng, nghĩ bản thân chẳng sống nổi khi cơ thể không còn lành lặn. Nhưng rồi nghĩ lại, không thể phụ công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, tôi quyết tâm tự vực dậy bản thân, tiếp tục sống để thực hiện ước mơ, hoài bão của mình”.

Chị Yến đi học nghề may và làm nghề được một thời gian. Ước mơ làm cô giáo dạy tiếng Anh vẫn luôn cháy bỏng trong chị. Chị quyết tâm học trở lại và thi đỗ vào Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

“Đến bây giờ nghĩ lại, tôi cũng không hình dung ra được quãng thời gian ấy mình đã tự đứng lên bằng cách nào. Nghị lực đó có lẽ xuất phát từ tuổi thơ, mẹ tôi mất sớm vì bệnh hiểm nghèo. Những năm tháng vất vả đã hun đúc trong tôi nghị lực vươn lên trong học tập, cuộc sống...” - Chị Yến chia sẻ.

Trở thành sinh viên đại học, được thầy cô, bạn bè giúp đỡ, cùng sự nỗ lực của bản thân, năm 2013 chị tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi. Cũng thời gian này, chị xây dựng tổ ấm hạnh phúc của mình, hy vọng có người bạn đời luôn sát cánh, động viên, sẻ chia mọi buồn, vui...

Sau khi kết hôn, chị cùng chồng chuyển vào TP Hồ Chí Minh sinh sống và làm việc. Cuộc sống lại thêm lần nữa thử thách chị: Sau khi sinh con một thời gian, vợ chồng chia tay, chị trở về quê hương, tham gia giảng dạy tại một trung tâm ngoại ngữ.

Chị chia sẻ: "Khi tưởng chừng như gục ngã, tôi đã có gia đình, bạn bè ở bên, động viên, tiếp thêm niềm tin, ý chí và sức mạnh cho tôi. Tôi đã tự nói với mình rằng, mình là NKT, nhưng trái tim, nghị lực của mình thì không khuyết, không thể đầu hàng trước số phận. Khó khăn, vất vả đến mấy mình đều phải cố gắng vượt qua”.

Chị Yến đã gặp gỡ nhiều người có cùng hoàn cảnh. Chị mong muốn được giúp đỡ họ, để họ có cuộc sống ổn định hơn.

Chị Yến giãi bày: “Quê mình có nhiều NKT, họ không những khó khăn về vật chất mà còn về cả tinh thần.  Vì thế, tôi đã lên kế hoạch thành lập CLB NKT TX Đông Triều. Đến nay, hoạt động của CLB đã ổn định, các thành viên yêu thương, đùm bọc lẫn nhau như gia đình”.

Chị Yến nhớ những ngày đầu CLB được thành lập (năm 2014), các thành viên mặc dù tham gia nhưng rụt rè, sống rất khép mình vì mặc cảm, tự ti. Chị như là người dẫn đường cho họ, khiến họ hòa đồng hơn, cùng nhau cố gắng, tiến bộ từng ngày. Đến nay qua 6 năm hoạt động, CLB đã có trên 70 thành viên. Các thành viên ngày càng gắn kết, hỗ trợ, chia sẻ với nhau mọi buồn, vui.

Những NKT không có việc làm, không có thu nhập, ít có đơn vị có thể nhận họ vào làm việc. Từ trăn trở đó, chị lại dành thời gian, tâm huyết của mình để dạy nghề, tạo việc làm cho họ bằng nghề phù hợp. Ban đầu, chị hướng dẫn họ làm hoa đá pha lê; tuy nhiên vì khó khăn về vốn, thị trường tiêu thụ không ổn định, nên sau đó chị hướng họ tới nghề thủ công mỹ nghệ từ hạt gỗ hương. Chị cho biết: “May mắn là lúc đó tôi có một người bạn có xưởng làm hạt gỗ ở Hà Nội, tôi đã cử 2 thành viên CLB về Thủ đô học, sau đó dạy lại cho các thành viên CLB”.

CLB chia ra những lớp học nhỏ từ 5, 7 đến 10 người, khi đã thành thạo, họ có thể nhận hàng về nhà làm. Chi phí hỗ trợ cho học viên học nghề đều huy động xã hội hóa qua những lần CLB tổ chức sự kiện gây quỹ và thành viên Ban chủ nhiệm CLB đóng góp. Hiện tất cả các sản phẩm đan từ hạt gỗ hương, như vòng tay, vòng cổ, chiếu ngồi ô tô, gối… được nhiều người biết đến, đặt mua; được HTX Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng (Hà Nội) nhận tiêu thụ, giúp đỡ nguyên liệu sản xuất.

“Chị Yến là một người bạn đồng hành cùng chúng tôi vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Chị đã tiếp thêm cho chúng tôi nghị lực sống, xóa bỏ được mặc cảm, tự tin của bản thân để vươn lên có ích cho đời” - Chị Đặng Thị Nhưỡng, thành viên CLB chia sẻ.

Cô giáo gieo niềm hy vọng cho trẻ tự kỷ

18 năm gắn bó với công tác giảng dạy, cô giáo Phạm Thị Thảo, Trường Tiểu học Đông Mai (TX Quảng Yên) là tấm gương đối với nhiều đồng nghiệp về tinh thần học hỏi, sáng tạo. Cô luôn ấp ủ yêu thương, trăn trở khát vọng bù đắp cho những học sinh có mảnh đời bất hạnh. Cũng bởi lý do đó, cô có tới 9 năm giảng dạy các lớp có học sinh khuyết tật với các dạng tật khác nhau: Khiếm thính, tự kỷ tăng động, tâm thần kinh, động kinh, tâm thần, khuyết tật trí tuệ.

Trước năm 2005, cô giảng dạy tại Trường Tiểu học Hà An, Trường Tiểu học Cộng Hòa 2 (nay là Trường Tiểu học Nguyễn Bình). Từ tháng 9/2005, cô chuyển về Trường Tiểu học Đông Mai, bắt đầu được phân công chủ nhiệm lớp 1, trong lớp có học sinh khuyết tật theo học hòa nhập.

Cô Thảo chia sẻ: “Khi đó tôi chưa có một chút kinh nghiệm nào về dạy học sinh tự kỷ. Tôi rất băn khoăn là liệu mình có dẫn dắt được em hòa nhập với các bạn khi mà tuổi của em đáng phải học đến lớp 7, quá lệch so với các bạn cùng lớp. Nhưng vì lòng yêu nghề, thương yêu học sinh, tôi cố gắng động viên, giúp đỡ em, để em có thể tiếp thu kiến thức cùng các bạn. Mặc dù lúc đó em đó tiếp thu bài khá chậm, nhưng được giúp đỡ, em dần hòa nhập với các bạn và yêu thích các môn học, bước đầu thuộc được một số chữ cái, số, tập tô theo hướng dẫn của cô giáo. Nhưng một điều vô tình là người dân khu vực em ấy sinh sống có những hành động làm em mặc cảm, nhiều tuổi lại đi học với các em lớp 1, nên em đã bỏ học. Tôi đã buồn mất một thời gian dài, tự trách mình chưa đủ đồng cảm để chia sẻ, níu giữ em ở lại lớp học”.

Thất bại lần đầu giảng dạy trẻ tự kỷ đã thôi thúc cô đầu tư công sức tìm hiểu về các phương pháp giảng dạy hỗ trợ dành cho trẻ khuyết tật, giúp đỡ các em được đi học như bạn bè cùng trang lứa. “Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, trẻ em đều có quyền được học tập, được vui chơi. Tôi muốn giúp các em khuyết tật, nhất là đối với các em tự kỷ, khuyết tật trí tuệ, phải làm sao biết đọc, biết viết, được sống trong môi trường học tập an toàn, lành mạnh, nhận được sự yêu thương, hỗ trợ từ gia đình, thầy cô và bạn bè” - Cô Thảo chia sẻ.

Xuất phát từ tình thương với học sinh có hoàn cảnh đặc biệt đó, cô Thảo đã cùng nhà trường thường xuyên tìm đến những gia đình có con khuyết tật để vận động, tuyên truyền phụ huynh cho con đến lớp, được hòa nhập. Các cô giáo sẽ có trách nhiệm dạy dỗ, giúp các em có được môi trường học tập thân thiện, an toàn.

“Mưa dầm thấm lâu”, từ sự kiên trì, tình yêu thương của cô, nhiều phụ huynh đã tin tưởng giao con em mình cho nhà trường, cô giáo. Điều đó khiến cô Thảo rất vui mừng và hạnh phúc. Nhiều phụ huynh thấy con tiến bộ từng ngày, đã dần cởi mở hơn với cô, nhờ cô giúp đỡ cách thức hỗ trợ con em mình khi sinh hoạt và học tập tại nhà.

Năm học 2014-2015, cô Thảo nhận chủ nhiệm lớp có 2 học sinh khuyết tật nhưng chưa có giấy chứng nhận khuyết tật vận động. Một gia đình học sinh (em Nguyễn Mai Linh) không hợp tác, cho rằng con mình hoàn toàn khỏe mạnh. Cô và nhà trường đã rất vất vả để dạy dỗ Linh. Em thường hay phá phách, la hét, đi vệ sinh ra lớp, thậm chí đánh cả cô giáo và tự đánh mình rất đau. Khi phụ huynh trong lớp có ý kiến về việc Linh hay quậy phá trong lớp, phụ huynh em đó đã tự ý cho em nghỉ học. Mặc dù cô Thảo cùng với nhà trường vận động cho Linh trở lại lớp, nhưng phụ huynh không đồng ý, còn có những lời lẽ rất khó chịu với giáo viên. “Trường hợp đó cũng là một trong những kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình dạy dỗ trẻ tự kỷ của tôi. Ngay cả đêm khuya, phụ huynh em đó vẫn gửi tin nhắn trách móc tôi đã để cho các phụ huynh khác ý kiến về con mình. Buồn lắm, nhưng vẫn phải nhẫn nại, kiên trì. Dạy một trẻ bình thường còn khó, huống hồ lại là trẻ tự kỷ tăng động” - Cô Thảo tâm sự.

Bằng tất cả sự yêu thương, chia sẻ và lòng yêu nghề của mình, cô đã dần khiến phụ huynh của em đó nhận ra rằng “Linh không thể thiếu cô”. Niềm vui như vỡ òa khi Linh trở lại lớp cùng học tập với các bạn và tiến bộ từng ngày. Cô đã chứng minh với gia đình học sinh bằng chính sự thay đổi của con mình, khiến họ tin tưởng vào giảng dạy của cô, của nhà trường. Như để chuộc lại những điều chưa đúng với cô, phụ huynh của Linh đã thầm lặng tuyên truyền về công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật của nhà trường và địa phương.

Trong quá trình giảng dạy, cô đã có những sáng kiến để nâng cao chất lượng dạy học hòa nhập cho trẻ khuyết tật; tiêu biểu là sáng kiến “Nâng cao chất lượng giáo dục lớp chủ nhiệm có học sinh khuyết tật hòa nhập". Cô còn sáng tạo ra bảng tính đa năng - là đồ dùng hỗ trợ hiệu quả giúp trẻ tự kỷ có thể học tập tốt bộ môn Toán.

“Đối với học sinh gặp khó khăn về học tập, học mau quên, để giúp em có thể nhớ được mặt số, biết cách viết số đó đúng độ cao, độ rộng, nhận biết được thứ tự và so sánh các số, biết thực hiện tính cộng, trừ một cách hiệu quả, tôi đã thiết kế bảng tính đa năng, có thể giúp các em học tập thuận lợi hơn. Ví dụ dạy trẻ đếm, ghi nhớ mặt số bằng cách đếm và chỉ tay vào dưới mỗi số, quan sát các số khi đếm; nhận biết thứ tự các số và so sánh số bằng việc đếm theo thứ tự để biết số nào đứng trước, số nào đứng sau; khi so sánh số, trẻ quan sát bảng tính để biết số đứng bên trái (đứng trước) bé hơn, số đứng bên phải (đứng sau) lớn hơn…” - Cô Thảo giảng giải.

Năm 2018, cô giáo Phạm Thị Thảo được nhận Bằng khen của Bộ GD&ĐT về thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục học sinh khuyết tật. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Đến nay cô đã chủ nhiệm, hỗ trợ 9 học sinh khuyết tật hòa nhập tốt với trường, lớp. Các em đều có thể đọc, viết, làm toán phù hợp với kế hoạch, nội dung học tập có điều chỉnh, phù hợp với khả năng của từng em. Cô được phụ huynh có con em là trẻ khuyết tật tin tưởng, xin nhà trường xếp vào lớp cô chủ nhiệm.

Với tấm lòng “cô giáo như mẹ hiền” cô giáo Phạm Thị Thảo luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, trở thành giáo viên dạy giỏi cấp thị xã, cấp tỉnh. Cô vinh dự được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ GD&ĐT, tỉnh, thị xã, Sở GD&ĐT.

Nguồn: baoquanninh.com.vn

Sưu tầm: Ngọc Song