Xúc động câu chuyện của chàng sinh viên khiếm thị với ước mơ vươn ra biển lớn

Ngày đăng: 23/09/2019 - 807 lượt đọc

Mặc dù đôi mắt không nhìn thấy được và gặp nhiều khó khăn trong học tập cũng như sinh hoạt nhưng cậu học trò nhỏ vẫn luôn tự tin và nỗ lực hết mình để thực hiện những hoài bão lớn lao mà em đang ấp ủ.

Trung chụp ảnh cùng cô giáo trong ngày tốt nghiệp THPT.


Niềm vui ngắn chẳng tày gang
Vào một ngày nắng của tiết trời cuối hạ, chúng tôi tìm về thôn Ngọc Thạch 2, xã An Hòa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Hỏi thăm ngôi nhà của cậu học trò khiếm thị vừa đạt 25 điểm khối C trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019, người dân nơi đây đều hồ hởi, nhiệt tình dẫn đường.

Em là Nguyễn Văn Trung, tân sinh viên khoa Tâm Lý- Học viện Quản lý giáo dục.
Bên chén trà nóng, bố mẹ Trung chia sẻ với chúng tôi về cậu con trai út nhỏ bé nhưng phải chịu quá nhiều thiệt thòi của mình. Chị Hoa - mẹ Trung cho biết, Trung chào đời mạnh khỏe, bụ bẫm trong niềm hạnh phúc của gia đình, thế nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, mỗi lần mẹ Trung cho con bú, cậu bé luôn không biết tìm ti mẹ mà chỉ ngoảnh về phía có ánh đèn.
Khi Trung được mấy tháng tuổi, lúc đó dù rất nghèo nhưng bố mẹ em vẫn cố vay mượn đưa con đi khám. Kết luận của bác sĩ khiến chị đau đớn đến sững người, không thể tin nổi: Trung bị đục thủy tinh thể bẩm sinh từ trong bào thai, lại thêm bị rung giật nhãn cầu, khiến cậu lòa cả hai mắt.
Bác sĩ nói trường hợp của Trung có thể can thiệp bằng phẫu thuật, biết đâu tìm được chút ánh sáng. Nhưng vì nhà nghèo khó, lại đông con, bố mẹ của Trung đành phải nén lòng, tạm gác dự định phẫu thuật cho Trung lại.
Trong cơn bĩ cực tưởng như không có lối thoát ấy, khi Trung 2 tuổi niềm vui bất ngờ đã đến với em. Gia đình Trung đã được bệnh viện tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ đưa xuống Viện mắt Trung ương để phẫu thuật miễn phí thông quan chương trình "Ánh mắt trẻ thơ". Sau ca phẫu thuật, Trung tìm lại chút ánh sáng lờ mờ và đến tận bây giờ cậu vẫn không nhìn rõ. Với mọi người, cậu chỉ nhìn thấy màu áo, hình dáng, còn những đường nét trên khuôn mặt thì không thấy được.

Âm nhạc là ánh sáng
Mặc dù đã tìm được chút ít ánh sáng cho đôi mắt của con nhưng bản thân Trung vẫn là người khiếm thị. Nhà lại nghèo nên ban đầu bố mẹ chỉ dám hy vọng em khỏe mạnh, sau này lớn lên tìm được công việc gì đó để mưu sinh. Những năm tháng tuổi thơ của Trung rất cô độc. Ngày ngày bố mẹ đi làm, nhốt em ở nhà vì xung quanh là ao hồ, đồng ruộng, quá nhiều mối nguy hiểm đối với một người khiếm thị như em. Trong căn phòng tối, cậu bé khiếm thị lủi thủi một mình tự chơi, chờ bố mẹ và các chị trở về.
Chị Hoa nghẹn ngào chia sẻ: "Có hôm đi làm về, mở cửa ra, thấy con mình im lìm ngồi đó, mà ngoài kia biết bao tiếng trẻ con vui đùa, nước mắt tôi không kìm được. Tôi cũng không dám khóc to, sợ cháu nó nghe được, lại buồn".
Thế nhưng, trời không lấy hết của ai tất cả, đôi mắt của Trung phủ nhiều bóng tối nhưng tâm hồn em lại ngập đầy ánh sáng. Âm nhạc nuôi dưỡng tâm hồn em. Trung rất lạc quan, mê hát và hát rất hay. Ngày ngày cứ đi qua cổng nhà em là người ta lại nghe thấy từ trong căn buồng nhỏ, giọng hát của cậu bé khiếm thị vang lên khiến hàng xóm ai cũng phải dừng lại lắng nghe.
Biết được sở thích của con, anh Hậu (bố Trung) đã tích góp tiền để mua cho Trung chiếc đài cát- xét, băng nhạc. Và thế là từ đó, thế giới của cậu bé khiếm thị tràn đầy âm nhạc. Nhờ năng khiếu đó mà sau này Trung đã tham gia và đạt giải ở nhiều chương trình từ cấp trường đến cấp tỉnh.

Hành trình nhọc nhằn theo đuổi ước mơ
Năm Trung lên 6 tuổi, gia đình cũng bắt đầu tính đến việc cho em đi học, dẫu biết sẽ là rất khó khăn. Và đúng như vậy, Trung đến lớp nhưng không hòa đồng được với các bạn. Cậu bé khiếm thị cứ ngồi im một chỗ, các bạn trêu đùa, đứa giật kính, đứa giật dép.
Hiểu được điều đó nên khi được giới thiệu, gia đình đã chuyển em lên trung tâm Hội người mù của tỉnh Vĩnh Phúc. Tại đây, Trung đã được học chữ nổi. Đến năm 10 tuổi, Trung bắt đầu theo học tại trường Tiểu học Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên với hình thức học hòa nhập. Vì là diện học hòa nhập nên Trung và những học sinh như em chỉ cần đến lớp, học được chữ nào hay chữ ấy, có đánh giá riêng. Em và bố mẹ lúc này chỉ nghĩ rằng đi học chỉ để lấy chút niềm vui, cho trôi qua những năm tháng buồn tẻ. Sau đó Trung sẽ trở về quê, tìm một công việc để sống.
Phải đến khi Trung bước chân vào trường THPT Nguyễn Thái Học, mọi suy nghĩ về việc học tập và những dự định sau này của em đã hoàn toàn thay đổi. Tại đây, Trung đã được các thầy cô giáo quan tâm, rèn giũa em hết mực.

Trung (ngoài cùng bên trái) cùng các bạn trong chuyến đi ngoại khóa. 

Trung chia sẻ, trong quá trình theo học, cô giáo Nguyễn Thanh Hương- giáo viên dạy Văn của em đã ở bên và động viên em rất nhiều. Cô kể cho Trung nghe về những tấm gương người khiếm thị đã thành công nhờ sự cố gắng, chăm chỉ và nỗ lực của mình. Chương trình ngoại khóa nào cô Hương cũng đưa Trung tham gia, từ đó Trung đã tự tin đứng trên sân khấu hát, thuyết trình, hùng biện và dần tự khai phá được những năng lực của mình.
Vì không thể nhìn thấy chữ trên bảng nên lắng nghe là con đường chủ yếu để Trung lĩnh hội kiến thức. Trong các giờ học, em tập trung cao độ cho việc nghe và ghi nhớ. Mặc dù đã sử dụng chữ sáng nhưng vì trước đây chỉ nghĩ đơn thuần là học hòa nhập nên những con chữ Trung viết luôn trong tình trạng thiếu dấu, thiếu nét. Trung cần mẫn luyện tập, có lúc em rất vất vả mới có thể đánh dấu "-" lên chữ "d" để viết thành chữ "đ", bởi mắt nhìn không rõ nên em hay đánh không trúng.
Khó khăn là vậy nhưng cậu bé khiếm thị vẫn cần mẫn tập luyện trong sự động viên của các thầy cô, bố mẹ với niềm mơ ước vào giảng đường Đại học. Cùng học, cùng trao đổi, sinh hoạt với các bạn tại Trung tâm Hội người mù tỉnh Vĩnh Phúc, trường THPT Nguyễn Thái Học, em tìm được sự đồng cảm cũng như động viên rất nhiều để từ đó cố gắng.
Cậu học trò nhỏ nhắn chưa bao giờ cảm thấy bất lực hay oán trách, đổ lỗi cho bố mẹ khi sinh ra em thiệt thòi so với những người bình thường. Với Trung, bố mẹ em là những người tuyệt vời, chăm sóc, bảo ban, động viên mỗi khi Trung thấy nản lòng và luôn dành những điều tốt nhất cho em.
Tuy không nhìn thấy, nhưng giọng nói nghẹn ngào của mẹ, cái vỗ vai thật chặt của bố khiến Trung cảm nhận được sự lo lắng của bố mẹ khi em phải xa gia đình, một mình học tập tại Hà Nội. Chàng trai 20 tuổi không giỏi thể hiện tình cảm trực tiếp chỉ biết ôm mẹ thật chặt và tự hứa sẽ nỗ lực hết mình thực hiện được những dự định mà mình ấp ủ để khiến bố mẹ cảm thấy tự hào và yên lòng.

Hoài bão vươn ra biển lớn
Trải qua những tháng ngày nhọc nhằn ôn luyện, kết quả kì thi THPT QG năm 2019, với tổ hợp Văn - Sử- Địa, Trung đã đạt 25 điểm. Trong đó Văn 6,5; Sử 9,5; Địa 9. Đây là kết quả khá cao với một học sinh bình thường chứ đừng nói là học sinh khiếm thị chuyển từ chữ nổi sang chữ sáng như Trung. Em đỗ vào khoa Tâm lý học của Học viện Quản lý giáo dục trong sự ngỡ ngàng nhưng cũng đầy hân hoan của gia đình, thầy cô, bạn bè.
Trung tâm sự: "Em muốn theo học ngành Tâm lý, trở thành một diễn giả truyền cảm hứng đến những người khiếm thị như em, giúp họ vượt qua những mặc cảm của bản thân, phát huy những tiềm năng của mình để thành người có ích cho xã hội. Là người khiếm thị, hơn ai hết em hiểu được khó khăn mà người khiếm thị nói riêng và người khuyết tật nói chung gặp phải. Vì thế, em muốn tích lũy thật nhiều kỹ năng cùng những tri thức đã học được ở giảng đường đại học để sau này có thể mở được một trung tâm tư vấn, phát triển kĩ năng cho người khuyết tật".
"Để thực hiện được ước mơ đó, không phải chỉ có kiến thức là có thể thành công. Em mong muốn được trải nghiệm và rèn luyện thực tế thật nhiều. Thị lực kém hơn các bạn cũng khiến em lo lắng, nhưng em tự tin là mình sẽ làm được. Không có điều gì là không thể", Trung thể hiện quyết tâm.
Chia tay cậu học trò dệt ước mơ lớn, tôi chợt cảm thấy mình thật nhỏ bé trước những cố gắng và hoài bão đang ấp ủ của em. Em xứng đáng trở thành nguồn cảm hứng, động lực cho nhiều người bởi sự cố gắng nỗ lực từng ngày để tạo nên kỳ tích và chiến thắng số phận.
Hãy luôn lạc quan và tự tin như thế Trung nhé để biết rằng cuộc đời luôn mỉm cười với em!

Nguồn: doisongphapluat.com
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song