Giáo viên Hải Dương phản ánh không được hưởng phụ cấp dạy trẻ khuyết tật

Ngày đăng: 05/10/2020 - 1434 lượt đọc

Thầy cô giáo trên địa bàn tỉnh Hải Dương gần 10 năm chưa được hưởng chế độ phụ cấp dạy trẻ khuyết tật hòa nhập không chỉ là một thiệt thòi lớn đối với thầy cô...

Gần 10 năm trôi qua, các thầy cô giáo ở tỉnh Hải Dương chưa 1 lần được nhận phụ cấp dạy trẻ khuyết tật hòa nhập kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật, trong đó có chế độ phụ cấp, chính sách ưu đãi đối với nhà giáo trực tiếp giảng dạy người khuyết tật theo phương thức giáo dục hòa nhập.

Nhiều giáo viên tại tỉnh Hải Dương gần 10 năm chưa nhận được tiền dạy trẻ khuyết tật hòa nhập (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, tác giả: Lã Tiến)

Nghị định số 28/2012/NĐ-CP quy định về chế độ dạy trẻ khuyết tật hòa nhập thế nào?

Khoản 2 Điều 28 Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định: “Giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục chủ yếu đối với người khuyết tật”.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 29 Luật Người khuyết tật năm 2010: “Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tham gia giáo dục người khuyết tật, nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật được hưởng chế độ phụ cấp và chính sách ưu đãi theo quy định của Chính phủ”.

Tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật quy định về chế độ phụ cấp, chính sách ưu đãi đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật như sau:

1. Các đối tượng sau đây được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định tại Nghị định số 61/2006/ NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn:

a) Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trực tiếp giảng dạy, quản lý người khuyết tật theo phương thức giáo dục chuyên biệt trong cơ sở giáo dục chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập;

b) Nhà giáo trực tiếp giảng dạy người khuyết tật theo phương thức giáo dục chuyên biệt trong các cơ sở giáo dục không thuộc điểm a khoản này.

2. Nhà giáo trực tiếp giảng dạy người khuyết tật theo phương thức giáo dục hòa nhập không thuộc quy định tại Khoản 1 điều này được hưởng phụ cấp ưu đãi như sau: Phụ cấp ưu đãi giảng dạy người khuyết tật = Tiền lương 1 giờ dạy của giáo viên x 0,2 x Tổng số giờ thực tế giảng dạy ở lớp có người khuyết tật.

Hiệu trưởng và giáo viên đều nói không biết gì về chế độ này

Phản ánh đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều giáo viên hiện đang giảng dạy tại nhiều cơ sở giáo dục công lập cho hay nhiều năm qua, thầy cô chưa một lần được nhận phụ cấp dạy trẻ khuyết tật hòa nhập.

Thậm chí, giáo viên hầu như không biết đến các chính sách ưu đãi của Chính Phủ dành cho nhà giáo khi tham gia phương thức giáo dục này.

Mãi đến khi đọc được bài viết “Giáo viên tỉnh Bình Thuận vẫn chưa nhận được tiền dạy trẻ hòa nhập” của tác giả Phan Tuyết đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thì thầy cô mới biết có chế độ này.

"Chúng tôi có hỏi hiệu trưởng, song đều nhận được câu trả lời là họ cũng không nắm rõ", một đồng nghiệp của người viết chia sẻ.

Sau khi nhận phản ánh của giáo viên đồng nghiệp, chúng tôi đã tìm hiểu thực tế tại một số trường trên địa bàn tỉnh Hải Dương thì được biết, tình trạng nhà giáo gần 10 năm chưa 1 lần được chi trả phụ cấp dạy trẻ khuyết tật hòa nhập là có thật.

Tại các trường mang tên Hoàng Diệu (Gia Lộc), Vĩnh Hồng (Bình Giang), Hưng Đạo (Chí Linh), Gia Xuyên, Võ Thị Sáu (thành phố Hải Dương)... khi được hỏi về chế độ phụ cấp này, các thầy cô trực tiếp giảng dạy, thậm chí hiệu trưởng 1 số trường cho hay họ không biết, chỉ mới nghe, tài chính không giao.

Nỗi vất vả của thầy cô khi dạy hòa nhập

Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Phạm Thị Lan Trường Trung học cơ sở Gia Xuyên (thành phố Hải Dương) cho biết:

Thông qua một số bài viết trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô cũng mới nắm được khoản phụ cấp trên đã được quy định và hướng dẫn thực hiện ngay từ năm 2012. Còn vì sao đến thời điểm này nhiều địa phương trên tỉnh nhà không thực hiện chi trả cho nhà giáo thì cô không rõ.

Cô Lan cho hay: “Nhiều năm qua, hầu như năm nào trường tôi cũng có học sinh khuyết tật theo học. Ngay bản thân tôi, có năm dạy tới 2, 3 lớp với 4 học sinh khuyết tật.

Do các em bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. Thế nên, để bổ sung kiến thức, kỹ năng giúp các em hòa nhập được với cộng đồng, chúng tôi phải mất rất nhiều tâm huyết”.

Theo lời kể của cô Lan, 2 năm trước cô dạy một lớp có em học sinh nam bị khuyết tật trí tuệ. Trong giờ, em học sinh đó thường hay la hét, cười nói rất to và chọc ghẹo các bạn khiến cô nhiều lần phải dừng giảng bài để ổn định nền nếp.

Thế nhưng vẫn còn đỡ hơn một số đồng nghiệp dạy trẻ khuyết tật hòa nhập bậc tiểu học. Có em đi vệ sinh, khạc nhổ, ói mửa thường xuyên trong lớp khiến các thầy cô vô cùng vất vả.

Khoản tiền Nhà nước hỗ trợ giáo viên dạy trẻ khuyết tật hòa nhập đi về đâu?

Cô Lan cho biết, chỉ tính đối với học sinh trung học cơ sở, trung bình mỗi lớp có khoảng 25-28 tiết/tuần x 35 tuần thực dạy thì số tiết/lớp/năm cũng gần 1.000 tiết.

Mức lương hiện nay của cô là mức trung bình của trường, được 134.000/tiết. Nếu đem tính theo hướng dẫn của Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP của Chính phủ là 134.000 x 0,2 x (khoảng) 980 tiết với lớp 9 thì số tiền chi trả cho thầy cô trực tiếp giảng dạy trẻ khuyết tật hòa nhập/lớp 9/năm đã là trên 26 triệu đồng. Nếu tính toàn trường, toàn huyện, toàn tỉnh trong một năm thôi thực sự con số sẽ rất lớn.

Thầy cô giáo trên địa bàn tỉnh Hải Dương gần 10 năm chưa được hưởng chế độ phụ cấp dạy trẻ khuyết tật hòa nhập không chỉ là một thiệt thòi lớn đối với thầy cô mà còn khiến không ít người băn khoăn, dị nghị đặt ra những nghi vấn: “Khoản tiền theo chế độ giáo viên được hưởng đã đi về đâu?”.

Đồng thời chưa khuyến khích cũng như chưa tạo được động lực để thầy cô nỗ lực hơn nữa trong việc giúp trẻ khuyết tật học tập và hòa nhập với cộng đồng.

Nguồn: giaoduc.net.vn

Sưu tầm: Ngọc Song