Cần ngăn chặn tình trạng "đục nước béo cò" trong dịch Covid-19!

Ngày đăng: 03/03/2020 - 791 lượt đọc

Trong khi cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần “Chống dịch như chống giặc” và “Sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế vì sức khỏe của người dân”, và thực tế, chúng ta đã không chỉ hạn chế dịch lây lan, điều trị thành công 16/16 bệnh nhân nhiễm bệnh mà còn đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng, cũng trong thời gian này lại có một thứ dịch bệnh rất đáng sợ đang bùng phát và cần phải ngăn chặn: Dịch “trục lợi”

Khi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc và có dấu hiệu lan rộng thì ngay lập tức tại Việt Nam, Chính phủ, các Bộ, ngành, trong đó chủ công là Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân căng mình lo chống dịch, lo giải phóng hàng hoá xuất khẩu (chủ yếu là hàng nông, thuỷ sản tươi sống) đang ùn ứ tại cửa khẩu; lo tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu để đảm bảo sản xuất, cung ứng không chỉ với thiết bị y tế, nhất là khẩu trang, nước sát khuẩn mà là hàng hoá của Việt Nam nói chung… thì cũng có không ít kẻ đã “đục nước béo cò”, đang tâm gian dối, lừa đảo đồng bào mình để kiếm chác.


Còn nhiều và rất nhiều hành động đầy tình người trong xã hội

Hãy xem, trong khi nhà nhà tìm mua, chia nhau từng chiếc khẩu trang y tế, từng chai nước rửa tay sát khuẩn thì chỉ một dòng tin kêu gọi trên mạng xã hội, cả khu chợ thuốc lớn nhất Thủ đô đã chưng biển “Hết hàng” nhằm tăng giá.

Tệ hại hơn, vì lợi nhuận, rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã chủ tâm sản xuất, buôn bán khẩu trang y tế kém chất lượng, thậm chí, người ta dùng cả giấy vệ sinh để sản xuất khẩu trang, và đỉnh điểm là thu gom luôn khẩu trang y tế đã qua sử dụng với mục đích quay vòng bán lại kiếm lời. Rồi thẻ chống virus Covid-19 không chỉ được bán công khai tại khu chợ thuốc ở Hà Nội mà thông qua mạng xã hội, chiếc thẻ nhựa bé bằng chiếc thẻ ATM được giới thiệu như “thần dược” chống mọi virus với giá bán không hề rẻ, để rồi sau đó các chuyên gia y tế khẳng định điều ngược lại về công dụng.

Có lẽ không cần nói nhiều, chỉ xem con số gần 5.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thiết bị y tế bị lực lượng Quản lý thị trường cả nước kiểm tra, xử lý vì các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất – kinh doanh (số liệu thống kê từ ngày 31/01 - 22/02/2020) là minh chứng thuyết phục sự xuống cấp của đạo đức kinh doanh.

Cũng không kém phần tệ hại, với mảnh bìa carton ghi nguệch ngoạc “Mỗi trái dưa một tấm lòng” hay “Hãy vì người nuôi trồng thuỷ sản”, người ta đã gom dưa hấu kém chất lượng ở mọi nơi có thể để có sản phẩm cho đồng bào “giải cứu”; rồi tôm hùm loại 2, loại 3 được bán với giá loại 1… cứ như thế, họ điềm nhiên kiếm lời và coi mùa dịch bệnh là cơ hội làm ăn hiếm có.

Thế nhưng, chưa phải đã hết, rất “thức thời”, qua mạng xã hội, nhiều kẻ liều lĩnh giới thiệu có các sản phẩm phòng, chống dịch Covid-19 để lừa đảo những người có nhu cầu mua nhưng thiếu cẩn trọng, và thực tế, nhiều kẻ lừa đảo đã bị cơ quan công an bắt giữ chờ xử lý.

Gần đây nhất, một số ngân hàng đã phát đi cảnh báo tình trạng đánh cắp thông tin tài khoản thông qua việc gửi tin nhắn, email phát tán mã độc (emotet), hoặc lừa người dùng cung cấp thông tin bằng phishing email, tin nhắn, chiếm đoạt tiền trong tài khoản, thẻ của khách hàng thông qua hình thức dịch vụ cung cấp thông tin về dịch Covid-19.

Nhưng, phải thẳng thắn nói rằng, những hành vi lừa dối, phản đạo đức nói trên, dù không ít, song quyết không phải là hiện tượng đại diện cho cả xã hội, nhất là với những thương nhân, doanh nhân và những người dân Việt nhân hậu. Bởi cũng trong thời điểm những hiện tượng xấu diễn ra, ở biên giới, cùng với các lực lượng chức năng căng mình chống dịch và giải phóng hàng nông, thuỷ sản tươi sống xuất khẩu, thì rất nhiều gia đình gần đó đã mời lái xe nhỡ chuyến về nhà ở miễn phí, những hộp cơm, những chai nước được tặng với cả sự ân cần.

Nhiều nơi trong cả nước, không chỉ có cảnh sát giao thông, các cơ quan, doanh nghiệp, các cá nhân mà đến cả nhà sư cũng tự nguyện ra “đứng đường” để phát miễn phí từng chiếc khẩu trang y tế cho những người mà họ hoàn toàn không quen biết.

Rồi người người, nhà nhà tình nguyện móc hầu bao mua nông sản giúp bà con nông dân; siêu thị, trung tâm thương mại ồ ạt bỏ vốn nhập nông sản để cung ứng ra thị trường với giá rẻ mà trong số đó, nhiều đơn vị chấp nhận thua thiệt về kinh tế.

Đáng trân quý, thiết thực và hiệu quả hơn, với mục đích “giải cứu” thanh long đang ùn ứ vì dịch Covid-19, “vua bánh mì Việt” Kao Siêu Lực đã cho ra đời “bánh mì thanh long”. Ít ngày sau, một doanh nghiệp thực phẩm ở TP. Hồ Chí Minh cũng đã cho ra đời loại bún dưa hấu với hương vị, màu sắc mới mẻ, thậm chí, lô hàng đầu tiên đã xuất khẩu sang Hàn Quốc…

Hành động của họ, nhìn trên quan điểm kinh doanh là một sự nhạy bén đầy kiến thức, nhưng trên góc độ tình cảm, đạo đức, thì rõ ràng với tấm lòng nhân ái, họ đang giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm không chỉ trong ngắn hạn.

Còn nhiều và rất nhiều hành động đầy tình người và cũng rất đạo đức, người viết tin điều đó!

Chợt nhớ, Karl Marx từng viết: “Nếu lợi nhuận lên đến 300% thì có treo cổ nhà tư bản lên, họ cũng sẽ làm”, nhưng nên nhớ, chúng ta có đầy đủ hệ thống pháp lý và phương tiện, lực lượng để không đến mức phải “treo cổ” những kẻ gian thương, lừa đảo, song xử lý thích đáng những kẻ trục lợi là điều đã và sẽ xảy ra.

Và chí sĩ Lương Văn Can (1854-1927), chỉ với hai chữ: “Thương đức – thương tài” đã gói gọn triết lý về đạo đức kinh doanh cho người Việt học hỏi với luận giải không dài, nhưng đầy đủ: Kinh doanh chính là phụng sự xã hội; Kinh doanh phải minh bạch và chính đáng; Cần kiệm là cái đạo lớn của người kinh doanh và Sử dụng đồng tiền để phục vụ lại xã hội.

Và ngược lại “…người có lòng tham như thế, dẫu được lợi đến đâu, nhưng “xét kỹ ra giàu nghèo có số…. mà đạo giời cho phúc người thiện, bắt vạ người dâm, đời có người buôn bán khởi gia mà con cháu chẳng được hưởng phúc đầy, thực bởi thế vậy” - Theo sách: “Lương Văn Can – Xây dựng đạo kinh doanh cho người Việt”.

Nguồn: congthuong.vn
Sưu tầm: Ngọc Song