Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế người khuyết tật (03/12)

Ngày đăng: 04/12/2019 - 758 lượt đọc

Chiều 3/12/2019, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về Người Khuyết tật và cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm ngày quốc tế người khuyết tật (3/12).

Tham dự buổi lễ có đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật; bà Caitlin Wiesen, Đại diện cho các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam; cùng đông đảo các đại biểu trong nước và quốc tế; các tổ chức và đại diện người khuyết tật.


Quang cảnh lễ kỷ niệm

Chủ đề của Ngày Quốc tế Người khuyết tật năm nay là “Thúc đẩy sự tham gia và vai trò lãnh đạo của người khuyết tật vào Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững”. Chủ đề này tập trung vào việc trao quyền cho người khuyết tật, thúc đẩy sự phát triển toàn diện, công bằng, bền vững với cam kết “không ai bị bỏ lại phía sau” theo Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Chủ đề này cũng phản ánh và nhấn mạnh Chiến lược bao gồm Người khuyết tật của Liên hợp quốc (UNDIS) do Tổng Thư ký Liên hợp quốc đưa ra vào tháng 6/2019 với mục đích chuyển hóa cách thức làm việc với người khuyết tật và về các vấn đề của người khuyết tật, đưa người khuyết tật vào hệ thống vận hành của Liên hợp quốc.


Đồng chí Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu tại lễ kỷ niệm

Việt Nam luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến người khuyết tật
Phát biểu tại lễ Kỷ niệm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh:  Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn dành cho người khuyết tật sự quan tâm, chăm lo sâu sắc. Năm 2014, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc về quyền của Người khuyết tật; tháng 3/2019, tiếp tục phê chuẩn Công ước 159 của ILO về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật, khẳng định mạnh mẽ hơn nữa cam kết của Việt Nam trong việc đảm bảo người lao động khuyết tật không bị phân biệt đối xử về lao động việc làm; phù hợp Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Chiến lược Inchoen về hiện thực hóa quyền của người khuyết tật một cách hiệu quả nhất.
Gần đây nhất ngày 1/11/2019, Ban Bí Thư đã ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật và ngày 20/11/2019, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi trong đó có nhiều nội dung điều chỉnh liên quan đến lao động là người khuyết tật.


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc hỗ trợ người khuyết tật thời gian qua

Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành nhiều Chương trình, Đề án để hiện thực hóa việc chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật.
Số lượng người khuyết tật được tiếp cận với các chính sách, chương trình chăm sóc người khuyết tật của Nhà nước và cộng đồng ngày càng tăng. Hàng năm có hàng triệu người khuyết tật được trợ cấp từ ngân sách nhà nước; hàng trăm ngàn lượt người được hỗ trợ chỉnh hình, phục hồi chức năng, hỗ trợ phương tiện trợ giúp (xe lăn, xe đẩy...); 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng mạng lưới cơ sở phục hồi chức năng.
Hệ thống giáo dục ngày càng phát triển, giúp cho trẻ em khuyết tật có cơ hội được đi học, được phát triển, số người khuyết tật được học nghề và có việc làm ngày càng tăng. Các tổ chức của người khuyết tật ngày càng được mở rộng ở các tỉnh, thành phố như: Hội người mù, Hội người điếc, Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi, Hiệp hội sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật,...


Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, đại diện cho các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam phát biểu chào mừng

Các chính sách, hoạt động trợ giúp người khuyết tật cũng có sự thay đổi căn bản, chuyển từ sự trợ giúp mang tính nhân đạo từ thiện sang trợ giúp theo quan điểm phát triển, tạo động lực để cho người khuyết tật vươn lên. Người khuyết tật được hỗ trợ nhà ở, giáo dục, y tế, tiếp cận giao thông và các công trình xây dựng, được hỗ trợ dạy nghề, việc làm, vay vốn ưu đãi để làm kinh tế và hỗ trợ sinh kế… giúp người khuyết tật tự chăm sóc bản thân mình cũng như có những đóng góp cho cộng đồng, xã hội.
Việc Việt Nam phê chuẩn công ước ILO về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật cũng là một bước tiến trong việc cải thiện khung pháp lý hiện tại của Việt Nam nhằm hỗ trợ người khuyết tật, tiếp tục thực hiện các cam kết tạo ra cơ hội việc làm bình đẳng cho người khuyết tật, tạo điều kiện cho người lao động khuyết tật để không để ai bị bỏ lại đằng sau trong quá trình phát triển của kinh tế và thị trường lao động.


Ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam phát biểu tại buổi Lễ

Tất cả những điều này đã mang lại cho người khuyết tật tự tin, tự lập cuộc sống, đã có rất nhiều tấm gương là người khuyết tật thành đạt trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học, chính trị và văn hóa xã hội.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Việt Nam hiện có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9%, 58% người khuyết tật là nữ, 28,3% người khuyết tật là trẻ em, 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo. Điều này cho thấy, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người khuyết tật khá cao so với tổng dân số trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Phần lớn người khuyết tật Việt Nam sống ở vùng nông thôn, có cuộc sống rất khó khăn, đặc biệt là người khuyết tật bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh song điều dễ nhận thấy là bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của cộng đồng, đông đảo người khuyết tật Việt Nam đã không cam chịu, chủ động vươn lên trong cuộc sống.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng bày tỏ cảm phục các tấm gương người khuyết tật như bạn Nguyễn Thảo Vân bị khuyết tật nặng không đi lại được, bạn Nguyễn Thị Lan Anh mắc bệnh xương thủy tinh, bạn Đào Thu Hương, bạn Đỗ Thị Huyền Trang bị khiếm thị từ nhỏ, và hàng triệu người khuyết tật trên cả nước bằng nghị lực phi thường đã miệt mài chinh phục hành trình tri thức theo cách riêng của mình để trở thành người có ích cho xã hội, cho đất nước và tạo việc làm cho hàng trăm người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn...


Em Đỗ Huyền Trang, sinh viên khoa Quốc tế học, Đại học KHXH và NV đại diện người khuyết tật phát biểu về những suy nghĩ của mình về ý nghĩa của chủ đề của Ngày Quốc tế người khuyết tật năm 2019

“Tình yêu đối với cuộc đời, cuộc sống này của các bạn chính là niềm cổ vũ, động viên đầy ý nghĩa đối với hàng triệu người khuyết tật, là động lực để nhiều người còn đang mặc cảm tự ti vì hoàn cảnh khuyết tật sẽ can đảm hơn, mạnh dạn hơn bước ra khỏi sự bi quan, hòa nhập với cộng đồng” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Cần nhiều hành động thiết thực hơn nữa
Cũng tại Lễ kỷ niệm, bên cạnh ghi nhận những kết quả quan trọng trong công tác hỗ trợ người khuyết tật, nhất là việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về NKT, tạo thành điểm tựa cho người khuyết tật vươn lên, đồng chí Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương cũng chỉ rõ việc triển khai chính sách trợ giúp người khuyết tật vẫn còn có chỗ, có nơi chưa đạt kết quả như mong muốn; mức trợ cấp xã hội đối với người khuyết tật chậm được điều chỉnh; việc huy động các nguồn lực xã hội để trợ giúp người khuyết tật chưa đáp ứng được nhu cầu; vấn đề tiếp cận giao thông của người khuyết tật còn hạn chế….


Các đại biểu khuyết tật tại lễ kỷ niệm

Từ thực tế đó, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai yêu cầu: Để người khuyết tật phát huy tốt năng lực, sở trường, tích cực, chủ động vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập xã hội, các cơ quan hữu quan tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về chính sách trợ giúp người khuyết tật. Các hoạt động trợ giúp cần chuyển từ ý nghĩa nhân đạo sang nhân văn; tôn trọng các quyền của người khuyết tật, tạo cơ hội bình đẳng cho người khuyết tật hòa nhập… Cùng với đó, các ngành, địa phương cần lồng ghép chính sách trợ giúp người khuyết tật vào chiến lược phát triển bền vững, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn…
Còn theo bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP Việt Nam, để thực hiện hiệu quả các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, người khuyết tật và trẻ em khuyết tật cần được xem như những tác nhân quan trọng tạo sự thay đổi. Sự tham gia và vai trò lãnh đạo của họ sẽ giúp xóa bỏ định kiến và góp phần xây dựng một xã hội công bằng hơn. Khi sự không phân biệt đối xử được đặt ở trung tâm, cộng đồng cũng như các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia y tế, giáo dục và các nhà cung cấp dịch vụ sẽ thay đổi cách nhìn về người khuyết tật và các vấn đề của người khuyết tật.


Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với người khuyết tật

Từ năm 1992, ngày 3/12 hằng năm được chọn là Ngày Quốc tế Người khuyết tật và được tổ chức kỷ niệm trên toàn thế giới. Với những chủ đề khác nhau theo từng năm, Ngày Quốc tế Người khuyết tật ra đời nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề của người khuyết tật trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Thông qua đó, huy động các hình thức hỗ trợ xã hội nhằm tăng cường sự tham gia của người khuyết tật trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm văn hóa, xã hội, chính trị và kinh tế.

Nguồn: laodongxahoi.net
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song