Nữ phóng viên bị thoái hóa võng mạc sắc tố: Tự tin với đôi mắt 4% thị lực

Ngày đăng: 20/05/2019 - 1055 lượt đọc

Với thị lực chỉ 4%, cô phóng viên Lê Trang khiến nhiều người ngạc nhiên, bởi những điều Lê Trang thể hiện đã làm thay đổi các định kiến, khẳng định giá trị và quyền của người khuyết tật.

Vẻ đẹp của người phụ nữ là vẻ đẹp trí tuệ
Lê Trang tâm sự trên trang mạng xã hội rằng, theo đuổi ngành báo chí không phải mình muốn thể hiện sự khác biệt mà chỉ đơn giản là để thực hiện ước mơ của bản thân, tạo cho mình một mục tiêu để không ngừng nỗ lực. Ước mơ của cô là sống bình thường như mọi người bình thường khác, có đam mê và theo đuổi điều đó.

Lê Trang trên sân khấu cuộc thi "Vẻ đẹp vầng trăng khuyết 2019" dành cho người khuyết tật - Ảnh: Đặng Xuân Thắng

Sinh ra và lớn lên ở Bình Dương trong một gia đình cả bố mẹ đều làm công nhân, cô gái thế hệ 9x bị khiếm thị bẩm sinh. Nhà có 3 chị em, chỉ có Lê Trang là mắc căn bệnh về mắt. Mẹ Trang kể lại, Trang đã bắt đầu giảm thị lực từ lúc sinh ra. Đến hiện tại, tầm nhìn của Trang chỉ còn 4% so với người bình thường. Ban đêm Trang gần như không thể nhìn thấy mọi vật xung quanh. Còn ban ngày thì Trang có thể nhìn thấy một chút, dù hình ảnh không được rõ ràng. Dẫu bác sĩ dự đoán, trong tương lai thị lực của Trang sẽ còn tiếp tục giảm nhưng cô gái này cho biết, cô đã sẵn sàng mọi thứ để chào đón kết quả xấu nhất. Vì vậy, Trang chưa bao giờ lo lắng về chuyện này.
Năm lên lớp 4, Lê Trang bắt đầu ý thức được về bệnh thoái hóa võng mạc sắc tố của mình. Khi đó Trang không còn đọc sách được nữa, chỉ nhìn thấy hàng kẻ lờ mờ trên vở để viết nhưng Trang cũng không thể đọc được chữ viết của mình. Tất cả việc học lúc bấy giờ đều phải nhờ vào đôi mắt của người bạn thân. Tuy việc học hành có khó khăn nhưng cô vẫn duy trì các môn đạt mức giỏi, chỉ duy nhất môn tiếng Anh bị thụt lùi do không nhìn được mặt chữ. Nhưng với Trang, niềm đam mê với việc học thời điểm đó là động lực duy nhất để Trang sống vui vẻ và hồn nhiên như đúng với lứa tuổi của mình.

Lê Trang tự tin trên sân khấu ca nhạc

Chưa bao giờ Trang cho rằng mình thiệt thòi hơn người khác. “Em nghĩ mỗi người sinh ra đều có một hoàn cảnh, không ai lựa chọn được chuyện đó, điều quan trọng là dù mình không thay đổi được cuộc sống nhưng mình hoàn toàn có thể thích nghi với nó. Em luôn biết ơn ba mẹ đã sinh em ra, nuôi em lớn lên để trở thành người như hiện tại”, nữ phóng viên lạc quan chia sẻ.
Dù thị lực hạn chế nhưng từ nhỏ Trang đã được mẹ dạy cho tất cả những kỹ năng để có thể sống tự lập, biết chăm sóc bản thân và chăm sóc người khác. Chính vì vậy, nhiều người khi nhìn vào Trang luôn ngạc nhiên vì cô có thể làm được rất nhiều thứ như nấu ăn, giặt đồ, dọn dẹp nhà cửa...
Trang tâm sự: “Mẹ luôn nhắc nhở em rằng, dù em có một chút khác biệt nhưng mẹ không bao giờ cho phép em được nói những câu như con không nhìn thấy, con không thể làm được. Mẹ muốn con có thể trở thành một người bình thường như mọi người khác. Vì vậy mẹ không bao giờ nuông chiều hay thay em làm mọi thứ. Thay vào đó, mẹ dạy em cách tự làm để em có thể trở thành một người phụ nữ của gia đình. Một người phụ nữ có giá trị và luôn luôn được mọi người tôn trọng”.
Và mẹ luôn muốn Trang phải học tập thật giỏi để có thể trở thành một người phụ nữ độc lập, với quyết tâm ấy, Lê Trang đã nộp đơn xét tuyển vào Khoa Báo chí và Truyền thông - Đại học KHXH&NV (ĐHQG TPHCM). Ngoài trường ĐH KHXH&NV TPHCM, Lê Trang còn đỗ vào 2 trường là ĐH Sư phạm TPHCM và Đại học Mở TPHCM. Năm 2017, tấm bằng tốt nghiệp ĐH KHXH&NV TPHCM đã tiếp bước cô vào đời và làm những điều có ích cho xã hội như bao bạn trẻ khác.

Lê Trang bắt đầu sự nghiệp báo chí của mình tại nhiều cơ quan báo chí như báo Tuổi Trẻ, báo Pháp Luật TPHCM, Mực Tím… Vừa là cộng tác viên cho các tờ báo, cô vừa làm việc cho các công ty truyền thông. Không chỉ làm tốt những công việc của một phóng viên thạo nghề, mà bằng giọng nói ngọt ngào và chuyên nghiệp, cô còn là một voice talent chuyên lồng tiếng cho các quảng cáo. Trong thời gian làm việc tại báo Pháp luật TPHCM, Trang từng là người đồng sáng lập và là chủ nhiệm CLB Lăng Kính Trẻ trực thuộc báo. Ở CLB này, Trang cùng các bạn thực hiện chuỗi phóng sự “Người Sài Gòn tử tế” đăng tải trên báo điện tử Pháp luật TPHCM (PLO). Chuyên mục ngay sau đó đã được đề cử và giành giải III giải Báo chí TPHCM.
Nhưng sở trường của Trang và giúp cô thành công đó là mảng phóng sự về nhân vật, bởi khi đôi mắt không được tinh anh nhưng bù lại, cô có thể cảm nhận lời nói, cảm xúc của nhân vật với câu chuyện của họ để chọn lọc ra những điều đặc biệt cho bài viết của mình.

Lạc quan và yêu đời đã giúp Lê Trang thành công với con đường làm báo và có cuộc sống tươi đẹp

“Với nhân vật quen thì em đi một mình, còn nhân vật lạ thì sẽ có một bạn hỗ trợ. Bạn đó sẽ để ý cho em tình tiết, em ghi chú lại rồi sau đó em có tư liệu viết bài”, đó là cách mà Lê Trang vượt qua mọi trở ngại để tác nghiệp. Ngoài công việc làm báo, thu âm, Lê Trang còn làm MC tại các phòng trà ca nhạc. Lý giải về công việc này, Lê Trang cho biết, đó là vì cô yêu nhạc và phòng trà là không gian đầm ấm, người hát được trân trọng và người nghe thẩm nhạc.
Đặc biệt, cô còn là chủ nhiệm đầu tiên của CLB Lăng kính trẻ dành cho các bạn sinh viên báo chí yêu thích truyền hình - CLB này cũng được Giải Công trình thanh niên do Thành đoàn, Sở Tư pháp TPHCM trao tặng.

"Nỗ lực không thua kém ai"
Kể từ khi Trang bắt đầu nhận thức được về cuộc sống của mình, hay nói đúng hơn là kể từ cái ngày không còn biết khóc lóc mỗi khi ai đó trêu ghẹo mình là một đứa trẻ khuyết tật, cô đã xác định rất rõ: nếu muốn người khác coi mình là người bình thường, trước hết bản thân mình phải tự coi mình là một người bình thường. Tự tin mang đến cho Trang niềm vui và nụ cười. Đó là lý do tại sao trong mọi bức ảnh của cô, luôn có nụ cười hiện diện vì đó là nụ cười của sự tự tin.
Cũng chính sự tự tin đó đã đưa Lê Trang đến với cuộc thi “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết 2019” và lọt vào 5 thí sinh được tôn vinh trong đêm Gala chung kết vừa qua tại Hà Nội.

Nguồn: baomoi.com
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song