Hết lòng vì người khuyết tật

Ngày đăng: 22/02/2019 - 718 lượt đọc

Nguyễn Nhật Minh Phương (33 tuổi, nghệ danh Phương Uma) - người tạo ra dòng tranh bằng chất liệu dây đồng. Đằng sau những bức tranh là câu chuyện về một cô gái hết lòng vì người khuyết tật.

Bức tranh bằng dây đồng

Những sợi dây đồng cứng được đôi bàn tay nhỏ bé với sự sáng tạo của Phương làm nên những bức tranh tinh tế. Tại Công ty Shark Uma của Phương ở quận Gò Vấp (TPHCM), cô say sưa nói về dòng tranh từ kim loại và công việc của những nhân viên đặc biệt của mình.

Phương kể: “Hồi năm 19 tuổi, có lần sang nhà bạn chơi, thấy bạn cuộn dây đồng thành những hình thù rất đẹp mắt, tôi tò mò, cũng cầm một ít dây đồng nghịch cho vui, không ngờ tôi “biến hóa” nó thành món đồ trang sức độc đáo. Về tới nhà, cảm giác những sợi đồng như một thứ ma lực kỳ lạ với tôi. Tôi liền chạy xe đạp từ Gò Vấp lên các chợ ở quận 5 tìm mua dây đồng về mày mò, làm để thỏa mãn trí tưởng tượng. Những sợi dây kích thích tôi sáng tạo không ngừng nghỉ, hết mẫu này đến mẫu khác, hết ngày này sang đêm khác”.

Hết lòng vì người khuyết tật ảnh 1

               Phương (ngồi giữa) đang dạy nghề cho các nhân viên đặc biệt của mình

Bắt đầu làm trang sức từ dây đồng gần 13 năm trước, nhưng phải đến sau khi nghỉ dạy học vì căn bệnh viêm họng cấp tính, 3 năm nay Phương mới toàn tâm toàn ý để sống với loại hình nghệ thuật mới mẻ này. Theo Phương, làm tranh bằng dây đồng không quá khó. Đầu tiên là phác họa trước bức tranh mình muốn làm ra giấy; tính toán sơ về khung, cách đi dây. Sau đó làm viền, quấn dây từng bộ phận và ráp nối với nhau, cuối cùng đính vào nền của khung tranh. 

Phương sử dụng thêm dây nhôm, kẽm màu... để phù hợp hơn với nhiều tác phẩm sau này. Từ việc làm “chơi cho vui”, những sản phẩm của Phương biến thành hàng độc, được nhiều người nước ngoài ưa chuộng, sau đó được xuất đi các thị trường New Zealand, Mỹ, Thái Lan và sắp tới là Myanmar. Hiện tranh Phương Uma được bán với giá thấp nhất là 2.000USD/bức, có bức giá lên đến 13.000USD. 

“Đội lên đồng Uma”

“Tôi sẽ mua lại nghề này và đầu tư cho em với giá 500 triệu đồng, được không?”; “700 triệu đồng nhé!”; “1 tỷ đồng, em chịu chứ?”. Gặp Phương tại buổi triển lãm “Nghệ thuật từ đôi tay” năm 2016 tại TPHCM, một doanh nhân đã ngỏ ý như vậy. Và Phương từ chối. Ngay khoảnh khắc đó, không hiểu sao hình ảnh của những người khuyết tật trong những chuyến đi thiện nguyện nhiều vùng miền hiện lên trong đầu Phương. Phương tự nhủ trong lòng: “À, phải rồi. Mình sẽ để nghề này lại cho những người khuyết tật. Mình sẽ dạy họ. Đây sẽ là dòng tranh của các bạn khuyết tật, do chính các bạn ấy làm nên”. 

Nghĩ là làm, Phương tập tành, học thêm về kinh doanh, lập công ty và thông qua nhiều cách để kết nối với một số người khuyết tật cần công việc. Đến nay, sau khoảng nửa năm, công ty của Phương Uma đã dạy nghề, tạo việc làm cho hơn 11 người. Phương hay gọi các nhân viên đặc biệt này là “Đội lên đồng Uma”. Đa số nhân viên của Phương là những người bị khuyết tật về chân, tay, teo cơ, khiếm thính... Để dạy được những học trò đặc biệt, Phương dành thời gian học thêm ngôn ngữ ký hiệu. 

“Cô ơi, chắc con làm không được. Con thích làm dòng tranh này, con rất thích chỗ làm này, nhưng mà tay chân con yếu quá!”. Ngay trong ngày đầu tiên đến học nghề, em Dương Thị Mỹ Huyền (quê Quảng Ngãi) nhắn tin cho Phương như thế, vì cảm thấy bất lực. Huyền bị chứng teo cơ bẩm sinh, nên dù đã 24 tuổi nhưng em chỉ nặng chừng 23kg. Dù gia cảnh khó khăn, sức khỏe yếu, nhưng Huyền vẫn thi đậu một trường đại học, 2 trường cao đẳng. Huyền học về dược tại Trường Cao đẳng Dược ASEAN tại TPHCM được 3 năm, song để tìm được công việc đúng chuyên môn quá khó. May mắn mỉm cười với Huyền khi thấy thông tin tuyển dụng từ công ty của Phương Uma. 

Thế nhưng, chỉ vừa đi những bước cơ bản làm tranh đầu tiên, cô gái nhỏ đã muốn gục ngã. Phương kể: “Tôi ngồi sau lưng xem Huyền làm. Nhìn qua vai, thấy tay em ấy run quá, cầm cái kìm mà như sắp rớt tới nơi, dù cái kìm nhẹ hều. Nhân viên được phân công chỉ dạy cho Huyền nói là lo quá vì Huyền yếu, sợ nản rồi bỏ luôn. Lúc nhận tin nhắn của em, tôi thương lắm. Thật sự, người khuyết tật họ rất tự ti, có nhiều việc họ luôn nghĩ là không thể. Tôi chỉ nói đơn giản với em: Làm mấy cái này dễ lắm, em cần kiên nhẫn. Phải tập mới biết làm được không chứ. Dễ lắm em!”.

Chính sự động viên của Phương đã giúp Huyền có thêm động lực để học nghề. Chỉ chưa hết tuần, Huyền làm được hết các công đoạn, làm đẹp hơn cả người làm việc giỏi nhất trước mình, những khâu khó nhất các bạn khuyết tật khác chưa làm được mà Huyền cũng làm được. Huyền tâm sự: “Chính nhờ cô Phương luôn kiên nhẫn, tìm ra điểm mạnh của mỗi người và động viên nên chúng em thấy tự tin và gắng sức. Sau mấy tháng học và làm, em đã có công việc ổn định, không phụ thuộc cha mẹ là quá tốt rồi!”.
Không chỉ có Huyền, chú Huỳnh Ngọc Thanh (58 tuổi) ngày mới đến học nghề cũng lắc đầu vì không làm được mấy thứ nhỏ li ti của bức tranh do mắt mờ, tay to. Vậy mà, giờ đây, chú Thanh là người “bẻ đường cong” cho các chi tiết của bức tranh siêu giỏi, làm những chi tiết nhỏ cực kỳ tỉ mỉ. 

Nói về hành trình dạy nghề cho người khuyết tật, Phương trải lòng: “Hồi đầu mới gặp các bạn ấy, đó là những bức tường, mỗi người là một thế giới mà sự tự ti kéo họ rất xa mình. Qua một thời gian làm việc, khoảng cách ấy đã được rút ngắn. Các bạn được sẻ chia, được mở lòng, được thấy mình có ý nghĩa khi có nghề trong tay, có thu nhập lo cho bản thân và không phụ thuộc vào gia đình. Đó thật sự là điều rất hạnh phúc”.

                                                                                                                                                                      Theo Sài Gòn giải phóng

                                                                                                                                                                       Hoàng Xuân Hạnh (st)