Tạm dừng công bố Dự thảo quy chuẩn sản xuất nước mắm: Tôn chỉ phải là sức khỏe cộng đồng

Ngày đăng: 15/03/2019 - 756 lượt đọc

GiadinhNet - Dư luận đồng tình với quyết định tạm dừng dự thảo về quy chuẩn sản xuất nước mắm của Bộ KH&CN để lấy thêm ý kiến. Bởi các tiêu chuẩn suy cho cùng, cũng vì sức khỏe của cộng đồng.


Người dân đồng tình với quyết định tạm dừng công bố dự thảo quy chuẩn về sản xuất nước mắm của Bộ KH&CN. ẢNh: TL

Người dân đồng tình với quyết định tạm dừng công bố dự thảo quy chuẩn về sản xuất nước mắm của Bộ KH&CN. ẢNh: TL

Tạm dừng để lấy thêm ý kiến

Trước tranh cãi mạnh mẽ của dư luận về dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia quy phạm thực hành sản xuất nước mắm (TCVN-12607:2019), Bộ KH&CN đã quyết định tạm dừng dự thảo này, để lấy thêm ý kiến đóng góp. Theo Thứ trưởng Bộ KH&CH Phạm Công Tạc, việc dừng công bố dự thảo là để tiếp tục xin ý kiến từ các tổ chức, hội, hiệp hội, chuyên gia… bằng văn bản hoặc đối thoại, hội thảo. Ngoài ra, việc xin ý kiến cũng nhằm đảm bảo sức khoẻ, quyền lợi của người tiêu dùng và không để ảnh hưởng đến các tổ chức sản xuất kinh doanh nước mắm. Bởi một bộ Tiêu chuẩn quốc gia, quy phạm thực hành sản phẩm trong một lĩnh vực nào đó, sẽ liên quan đến vài bộ, ngành. Song khi đưa vào cuộc sống đều phải đảm bảo ba nguyên tắc:

Thứ nhất là, phải phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam ở từng giai đoạn. Thứ hai là, mỗi bộ tiêu chuẩn phải đảm bảo sự đồng thuận của các thành phần liên quan trong xã hội. Đây là nguyên tắc không phải ngoại lệ ở Việt Nam. Thứ ba là, phải đảm bảo sự hài hoà lợi ích của các bên liên quan. “Việc xây dựng một tiêu chuẩn với mỗi sản phẩm là rất khó khăn. Khi nhận được những ý kiến phản ánh trái chiều thì cần phải xem lại. Bởi các điều kiện cần như trên có đảm bảo hay không. Nếu không đảm bảo thì phải dừng để xin ý kiến, đối thoại với các bên để làm rõ hơn, cũng như để nhận được sự đồng thuận”, ông Tạc cho hay.

Trong khi đó, thông tin về quá trình soạn thảo và nội dung dự thảo, ông Đào Trọng Hiếu, Phó trưởng Phòng Phát triển thị trường thủy sản (Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT) cho biết, dự thảo chỉ đưa ra các khuyến nghị, hướng dẫn kỹ thuật nhằm nhận diện, phòng ngừa, kiểm soát các mối nguy, rủi ro và tiềm ẩn có thể xảy ra, làm ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn thực phẩm cho sản phẩm nước mắm. Đây là tiêu chuẩn về quá trình, chứ không phải tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm. Đồng thời, không đưa ra các chỉ tiêu và mức giới hạn cần tuân thủ đối với các chỉ tiêu đó cho sản phẩm cuối cùng.

Người dân “hiến kế” để dự thảo đi vào cuộc sống

Ngay sau khi có thông tin tạm dừng công bố dự thảo về quy phạm sản xuất nước mắm, đã có không ít ý kiến tỏ ra đồng tình với quyết định của Bộ KH&CN. Bởi ngoài lợi ích các bên còn phải nghiên cứu về sự ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng. Các tiêu chuẩn suy cho cùng cũng vì sức khỏe chứ không phải lợi nhuận.

Anh Nguyễn Viết Sơn (45 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng: “Tôi ủng hộ việc đưa ra một quy chuẩn “mặc định” cho sản phẩm nước mắm. Bởi đây là một “hàng rào an toàn” cho sức khỏe người tiêu dùng”. Tuy nhiên, để dự thảo này có thể đi vào cuộc sống, tôi cho rằng, trước tiên là cần phải xác định, định nghĩa cho rõ về nước mắm, nước chấm. Nếu nước mắm được làm từ 100% thành phần cá và muối thì những sản phẩm khác không có nguồn gốc từ cá và muối, hoặc sản phẩm không đáp ứng được chỉ số cần về thành phần cá, muối thì sẽ không được quyền nằm trong dự thảo về nước mắm. Bởi nếu nước mắm có chiết xuất từ cá biển thì tôi nghĩ không có gì là độc hại. Trong thực tiễn, việc ban hành tiêu chuẩn này không có nhà sản xuất nước mắm nào ủng hộ, vì nó gây khó khăn trong việc sàng lọc nguyên liệu và tăng chi phí. Tuy nhiên, vì sức khoẻ cộng đồng, chúng ta nên có cái nhìn khách quan và ủng hộ việc soạn thảo, ban hành các tiêu chuẩn”.

Đồng tình với anh Sơn, bà Phạm Thanh Lan (53 tuổi, ở Thanh Hóa) cho rằng, để đảm bảo sức khỏe cộng đồng, cũng như đảm bảo nguồn thu cho hàng vạn lao động Việt, đang mưu sinh bằng nghề nước mắm thì việc xây dựng tiêu chuẩn là rất cần thiết. Trên thực tế, đã có rất nhiều món ăn cổ truyền, dưới sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã phải thay đổi một số nguyên liệu đi kèm, vì sử dụng hóa chất độc hại như giò chả, bánh cuốn, bánh phở có sử dụng hàn the (Natri Borat), hay lạp xưởng có sử dụng Kali Nitrat (chất gây ung thư). Nước mắm là mặt hàng luôn “được lòng” người tiêu dùng Việt Nam. Những thương hiệu nước mắm như Nha Trang, Phú Quốc hay Phan Thiết luôn vang danh ra tận “bốn bể năm châu”. “Vì vậy, là người tiêu dùng, tôi kính mong cơ quan tiêu chuẩn chất lượng ban hành quy chuẩn “mặc định” đâu là nước mắm truyền thống và như thế nào thì gọi là nước chấm. Bởi một tiêu chuẩn không thể xây dựng chung cho các sản phẩm khác bản chất, khác quy trình sản xuất…”, bà Lan thẳng thắn.

Dự thảo tiêu chuẩn về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm được xây dựng dựa trên căn cứ tiêu chuẩn CODEX (CAC/RCP 52-2003), TCVN 7265:2015 và thực tế sản xuất nước mắm tại Việt Nam. Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KH&CN) là cơ quan thẩm định, cơ quan biên soạn là Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT).

Tuy nhiên, trước những tranh cãi trái chiều từ dư luận, ngày 11/3, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ NN&PTNT nghiên cứu kỹ các ý kiến của các tổ chức, hiệp hội về tiêu chuẩn cho nước mắm, tổ chức đối thoại tạo thống nhất, bảo đảm sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng. Đồng thời, không để ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất, kinh doanh nước mắm truyền thống.

                                                                                                                                                                                 Theo Gia đình.net

                                                                                                                                                                                    Phạm Mai (st)