Tăng tuổi nghỉ hưu: Người già làm việc thì làm sao có năng suất?

Ngày đăng: 07/11/2019 - 883 lượt đọc

Nhiều bạn đọc bày tỏ mong muốn Quốc hội nên cân nhắc kỹ việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động, đặc biệt là công nhân trực tiếp sản xuất.

Thảo luận về đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu trong Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) mới đây, đại biểu Bùi Văn Phương (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình) cho rằng, Ban soạn thảo nên tiếp cận kiến nghị của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Bởi vì, kiến nghị này trên cơ sở lắng nghe ý kiến các tầng lớp người lao động (NLĐ).

Theo đại biểu Bùi Văn Phương, những lý do ban soạn thảo chúng ta đưa ra cho việc nâng tuổi nghỉ hưu sức thuyết phục chưa thật cao. "Chúng ta nói lo ngại chuyện thiếu lao động trong tương lai do già hóa dân số. Hiện tại, một năm có 1,2 triệu người bước vào tuổi lao động, nhưng số thất nghiệp cũng đang tương đối cao. Xu hướng xã hội trong thời gian tới là thời kỳ công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo, những công việc cần con người trực tiếp, sẽ giảm rất nhiều. Chúng ta nói chuyện nâng tuổi lên để đảm bảo bình đẳng giới, tôi lắng nghe tất cả chị em phụ nữ nói là phụ nữ không đòi bình đẳng giới theo kiểu nam lên 62 thì nữ cũng tương tự như vậy. Lâu nay phụ nữ nghỉ hưu trước nam giới, đó chính là sự chia sẻ của xã hội đối với chị em phụ nữ về những sự vất vả trong quá trình thực hiện thiên chức làm mẹ, đó cũng là ưu việt của chế độ ta"- đại biểu này, bày tỏ.

Tăng tuổi nghỉ hưu: Người già làm việc thì làm sao có năng suất? - Ảnh 1.


Tại các diễn đàn góp ý và hội thảo do các cấp Công đoàn tổ chức, số đông NLĐ cũng không đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu. Gởi ý kiến đến Báo Người Lao Động, đa số độc giả của bày tỏ sự mong mỏi Quốc hội nên cân nhắc việc này.  Góp ý vấn đề này, bạn đọc Thảo Nguyên, thẳng thắn chỉ ra thực trạng nhiều doanh nghiệp (DN) đều không muốn sử dụng NLĐ lớn tuổi và tìm cách cho nghỉ ngay. Bạn đọc này đặt câu hỏi: "Vậy vì lý do gì lại tăng tuổi nghỉ hưu? Các vị chưa làm công việc như một NLĐ thật sự như chúng tôi, nên không thấu hiểu hết được sự hao mòn về sức khỏe khi cống hiến sức lao động ngần ấy năm đi sớm về trễ, mồ hôi nhẫy nhụa.... Chúng tôi chỉ mong được đến ngày nghỉ ngơi". Cùng một góc nhìn,  Bạn đọc Nguyễn Hiền, bày tỏ: " Cứ làm cuộc điều tra xem có bao nhiêu phần trăm đồng ý tăng tuổi hưu. Tôi thấy nên giữ như cũ, ai thấy còn đủ sức khỏe thì xin tiếp tục công tác!".

Tăng tuổi nghỉ hưu: Người già làm việc thì làm sao có năng suất? - Ảnh 2.


Bạn đọc Thạch Thảo thì cho rằng công chức, viên chức thì làm 40 giờ /tuần, còn NLĐ bình thường phải làm 48 giờ /tuần chưa kể phải tăng ca. Vậy tại sao tuổi nghỉ hưu lại cào bằng "Ai cũng là con người, một ngày đều có 24 giờ. So thử thời gian làm việc giữa NLĐ và công chức , viên chức xem tới cái tuổi được nghỉ hưu ai phải làm nhiều hơn"- bạn đọc này đặt vấn đề. Còn theo bạn đọc Bích Hoa, lao động trẻ thì dư thừa phải ra nước ngoài làm thuê, do vậy không  nên tăng tuổi hưu nữa. "Bắt người già làm mà người già làm thì làm sao có hiệu quả, có năng suất?" – bạn đọc này chất vấn.

Từ thực tế trên, theo bạn đọc Lê Văn Bắc, việc xem xét tăng tuổi nghỉ hưu chỉ nên bắt đầu từ năm 2020 đối với lao động bắt đầu tham gia BHXH, còn từ năm 2020 trở về trước thì nên để như cũ, như thế hợp lòng dân hơn. Tương tự, bạn đọc Nguyễn Đức Trung cho rằng người Việt Nam sức khỏe không như người nước ngoài, do vậy giữ tuổi nghỉ hưu như hiện nay là hợp lý. Thậm chí có thể cho nghỉ sớm hơn đối những ai có nhu cầu hoặc sức khỏe giảm sút và tạo điều kiện cho người trẻ tham gia lao động. 

Nguồn: Người Lao động

Sưu tầm: Bùi Ngọc Song