Bảo đảm quyền cho người khuyết tật

Ngày đăng: 21/05/2019 - 1185 lượt đọc

Việt Nam đã phê chuẩn Công ước 159 của ILO về Tái thích ứng Nghề nghiệp và Việc làm cho người khuyết tật. Việc phê chuẩn Công ước là bước tiến trong việc cải thiện khung pháp lý hiện tại của Việt Nam nhằm hỗ trợ người khuyết tật.

Phân biệt đối xử còn phổ biến
Nhằm bảo đảm bình đẳng về quyền tiếp cận việc làm cho người khuyết tật cùng với Luật Người khuyết tật, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Việc làm, Luật Xây dựng, Luật Giao thông đường bộ, Luật Bảo hiểm y tế, Luật An toàn, vệ sinh lao động... ghi nhận, bảo đảm quyền lao động và việc làm của người khuyết tật. Cùng với đó, Nhà nước cũng đã triển khai những đề án, kế hoạch nhằm trợ giúp người khuyết tật trong tiếp cận việc làm. Có thể kể đến một số văn bản quan trọng như: Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (được phê duyệt theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 1956/QĐ-TTg ngày 27.11.2009; Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020 (được phê duyệt theo Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 5.8.2012 của Thủ tướng Chính phủ số);... Việc triển khai các chính sách trên đã góp phần bảo đảm quyền lao động và việc làm của người khuyết tật.

Tuy nhiên, dù đã có nhiều tiến bộ nhưng do những nguyên nhân khác nhau mà tình trạng người khuyết tật không có việc làm vẫn còn phổ biến. Đáng chú ý, tình trạng phân biệt đối xử với lao động là người khuyết tật vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi. Phần lớn công việc của lao động là người khuyết tật đang đảm nhiệm là những vị trí không thuộc diện chính thức của thị trường lao động, không đòi hỏi trình độ chuyên môn, tay nghề cao, có thu nhập thấp, khó bảo đảm cuộc sống, ít hoặc không có cơ hội thăng tiến. Chính sách pháp luật bảo đảm quyền lao động và việc làm của người khuyết tật vẫn còn những điểm chưa thực sự hợp lý. Chẳng hạn, đơn vị sử dụng ổn định từ 10 lao động là người khuyết tật trở lên được hỗ trợ, còn đơn vị sử dụng lao động là người khuyết tật làm việc ổn định dưới 10 lao động lại không được hưởng bất kỳ sự ưu đãi nào. Khoảng cách giữa 10 lao động là người khuyết tật và 30% tổng số lao động là người khuyết tật quá xa trong một số trường hợp. Có doanh nghiệp sử dụng số lượng lớn lao động là người khuyết tật nhưng chưa đạt tỷ lệ 30% không được hưởng chính sách ưu đãi, trong khi đó có doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật ít hơn nhưng do tổng số lao động trong doanh nghiệp ít nên vẫn chiếm tỷ lệ 30% lại được hưởng chính sách ưu đãi.

Tạo cơ hội việc làm
Xuất phát từ thực trạng trên, nhằm khẳng định mạnh mẽ hơn nữa cam kết của Việt Nam trong việc bảo đảm người lao động khuyết tật không bị phân biệt đối xử về lao động việc làm, Việt Nam đã chính thức tham gia Công ước 159 của ILO. Công ước 159  là Công ước về phục hồi chức năng lao động và việc làm của người khuyết tật, được ILO thông qua ngày 20.6.1983 (Công ước 159). Công ước đưa ra các yêu cầu về phục hồi khả năng lao động và việc làm cho người khuyết tật, quy định về việc điều chỉnh và đánh giá các tài liệu hướng dẫn nghề nghiệp, dạy nghề, bố trí việc làm và dịch vụ thất nghiệp cho người khuyết tật. Như vậy, đối với người khuyết tật, bên cạnh việc phục hồi chức năng y tế, sức khỏe thì phục hồi chức năng lao động và việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng, điều này thậm chí có tính quyết định cho việc hòa nhập bình đẳng vào cộng đồng xã hội. Bởi lẽ, chức năng lao động và việc làm chỉ có thể được phục hồi trên cơ sở chức năng y tế, sức khoẻ đồng thời người khuyết tật được trang bị kỹ năng lao động theo nghề nghiệp, có khả năng tìm kiếm, duy trì được việc làm và thăng tiến.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc gia nhập Công ước 159 cũng cho thấy sự quan tâm của Việt Nam đối với người khuyết tật, nâng cao uy tín của Việt Nam trong khu vực và quốc tế, thể hiện đúng truyền thống nhân đạo và tương thân tương ái của người Việt Nam. Đồng thời, điều này cũng thể hiện sự cam kết mạnh mẽ và thay đổi cách nhìn với tình trạng khuyết tật là một vấn đề xã hội chứ không phải vấn đề y tế, xác lập sự dịch chuyển từ phương thức tiếp cận vấn đề khuyết tật từ hướng nhân đạo sang hướng nhân quyền
Theo Giám đốc ILO Việt Nam, Chang-Hee Lee, tạo điều kiện cho người lao động khuyết tật chính là “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình phát triển của kinh tế và thị trường lao động. Đây không chỉ là vấn đề nhân quyền mà còn là vấn đề thành công của doanh nghiệp. Bằng việc tạo cơ hội việc làm cho lao động khuyết tật, các doanh nghiệp, cá nhân và cả xã hội đều sẽ được hưởng lợi. Chính vì vậy, việc phê chuẩn Công ước này cũng là một bước tiến trong việc cải thiện khung pháp lý hiện tại của Việt Nam nhằm hỗ trợ người khuyết tật.
 

Công ước 159 là công ước thứ 23 của ILO mà Việt Nam đã phê chuẩn. Công ước này sẽ có hiệu lực sau 12 tháng kể từ khi hồ sơ của Việt Nam được đăng ký với Tổng Giám đốc ILO. Dự kiến trong năm 2019, Việt Nam dự kiến sẽ phê chuẩn Công ước 98 về Quyền tổ chức và thương lượng tập thể.
 

Nguồn: daibieunhandan.vn
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song