Doanh nghiệp giữ sổ bảo hiểm xã hội của người lao động, xử lý thế nào?

Ngày đăng: 22/10/2019 - 897 lượt đọc

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), người sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với cơ quan BHXH trả sổ BHXH cho người lao động (NLĐ), xác nhận thời gian đóng BHXH khi NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.

Ảnh minh họa

Nhiều NLĐ bị giữ sổ BHXH trái quy định
Tuy nhiên, thời gian qua, BHXH TP Đà Nẵng lại nhận được rất nhiều ý kiến của NLĐ nhờ tư vấn để đòi lại quyền lợi BHXH vì họ bị các đơn vị sử dụng lao động “giữ” sổ BHXH trái quy định.
Anh Đ.T.Thắng (Đà Nẵng) bức xúc cho biết, anh thôi việc gần 3 tháng nay nhưng Công ty không chịu trả sổ BHXH mặc dù anh đã liên hệ rất nhiều lần. Theo anh Thắng, nhiều đồng nghiệp của anh cũng bị như vậy. Được biết, công ty mà anh làm đang nợ BHXH, BHYT, trong khi hàng tháng vẫn trích trừ tiền đóng BHXH từ lương của NLĐ...
Trước đó, anh N.V.Mạnh làm việc tại Công ty H.T đã tham gia BHXH trên 3 năm. Sau đó, gia đình có biến cố nên anh xin nghỉ việc. Được một thời gian, anh đi làm việc tại đơn vị khác và tiếp tục tham gia BHXH. Nay anh nghỉ việc muốn nhận lại sổ BHXH nhưng Công ty nhất quyết không trả sổ BHXH.
Tương tự, chị Lê Thị Nga cũng đã tham gia BHXH từ tháng 10/2012, đến tháng 7/2014 chị nghỉ sinh con. Sau 6 tháng nghỉ sinh con, vì lý do sức khoẻ nên chị N. xin nghỉ việc luôn. “Vì lúc đó tôi không có số điện thoại phòng nhân sự nên chỉ gọi báo với quản lý xin nghỉ. Nay tôi muốn nhận lại sổ BHXH thì phía doanh nghiệp yêu cầu tôi phải đền bù hợp đồng với lý do tôi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”- chị Nga cho biết.
Trước thực trạng trên, đại diện lãnh đạo BHXH TP Đà Nẵng cho biết, việc chủ sử dụng lao động không trả sổ BHXH cho NLĐ dù vô tình hay cố ý đều vi phạm pháp luật. Vì vậy, BHXH Đà Nẵng sẽ làm rõ từng trường hợp để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ.

Xử lý thế nào?
Về vấn đề này, BHXH TP Đà Nẵng cho biết, căn cứ Khoản 5 Điều 21 Luật BHXH 2014 quy định: “Người sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với cơ quan BHXH trả sổ BHXH cho NLĐ, xác nhận thời gian đóng BHXH khi NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật”.
Mặt khác, căn cứ Khoản 3 Điều 47 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động như sau: “Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ BHXH và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của NLĐ”.
Căn cứ quy định của pháp luật thì trường hợp NLĐ đã chấm dứt Hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật mà công ty không trả sổ BHXH cho NLĐ là trái với quy định của pháp luật.
Điều 15 Nghị định số 24/2018/NĐ-CP quy định thẩm quyền giải quyết khiếu nại về lao động, an toàn, vệ sinh lao động như sau: “Người sử dụng lao động có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định, hành vi về lao động, an toàn, vệ sinh lao động của mình bị khiếu nại”.
Nghị định này cũng quy định, Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với khiếu nại về lao động, an toàn, vệ sinh lao động khi người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu theo quy định tại Điều 23 hoặc đã hết thời hạn quy định tại Điều 20 Nghị định này mà khiếu nại không được giải quyết.
Căn cứ vào quy định trên, BHXH TP Đà Nẵng cho biết, trong trường hợp này, NLĐ cần liên hệ với công ty để yêu cầu công ty trả sổ BHXH theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp công ty không trả sổ BHXH, NLĐ có quyền làm đơn khiếu nại yêu cầu công ty giải quyết. Nếu công ty vẫn không giải quyết thì NLĐ gửi đơn đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để được can thiệp giải quyết.
Ngoài ra, căn cứ Điều 32 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về những tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền của tòa án thì trong trường hợp này NLĐ cũng có thể trực tiếp khởi kiện ra Tòa án quận/huyện mà công ty đặt trụ sở để xử lý theo quy định của pháp luật.

Nguồn: baophapluat.vn
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song