Giải mã 10 tin đồn về virus corona từ Đông sang Tây

Ngày đăng: 04/02/2020 - 825 lượt đọc

Trong bất cứ cuộc khủng hoảng nào luôn xuất hiện những tin tức sai lệch vì nhiều lý do khác nhau, dịch virus corona cũng không ngoại lệ. Các chuyên gia liệt kê 10 hiểu lầm phổ biến hiện nay.


Người dân Mỹ mang khẩu trang phòng virus corona trên đường phố New York ngày 30-1 - Ảnh: AP

Dưới đây là 10 thông tin đang lan truyền trên mạng ở nhiều quốc gia. Tuổi Trẻ Online tổng hợp ý kiến của các chuyên gia y tế Mỹ, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) và một số nguồn uy tín như tạp chí Forbes, báo New York Times...

1. 2019-nCoV lây nhiễm nhanh hơn các loại virus khác

Chưa hẳn. Bệnh sởi, ho gà... dễ lây hơn nhiều so với viêm phổi do virus 2019-nCoV (ít nhất tính đến thời điểm này). Lý do virus sởi trông có vẻ như không lây nhanh trong những lần bùng phát gần đây là do phần lớn cộng đồng đã được tiêm ngừa văcxin.

Hệ số lây nhiễm (R0) của virus corona hiện chưa thể xác định do còn thiếu dữ liệu. Nếu lấy tạm chỉ số R0 3.8 (1 người lây cho gần 4 người) theo một đánh giá không chính thức đăng trên trang medRxiv, tốc độ lây của virus corona vẫn còn thấp so với các virus gây bệnh truyền nhiễm trên (R0 từ 15-18).

Thông tin sẽ còn thay đổi khi con người hiểu thêm về loại virus mới trong những ngày tới.

2. 2019-nCoV chết chóc hơn các loại virus khác

Chưa đủ dữ liệu để kết luận tỉ lệ tử vong do virus corona vì bệnh vẫn đang lây lan và có thể đột biến trong quá trình này. Số người nhiễm mới mỗi ngày hiện vượt quá số người khỏi bệnh. Do đó con số tử vong 362 (tính đến ngày 3-2) chưa phải là cuối cùng.

2019-nCoV không "độc" bằng Ebola (tỉ lệ tử vong 50%, theo WHO), nhưng chính vì nó không giết chết vật chủ ngay lập tức nên khả năng sinh sản, lây lan... cũng lớn hơn.

Theo báo New York Times, một số chuyên gia Mỹ đánh giá nó có tiềm năng gây ra đại dịch (lan rộng trên hơn 2 lục địa) trên thế giới.

3. 2019-nCoV được tạo ra trong phòng thí nghiệm, ai đó cố tình thả ra ngoài

Đây là một kiểu thuyết âm mưu phổ biến mỗi khi thế giới có dịch bệnh xảy ra trên quy mô lớn, phần lớn đều không trưng ra được bằng chứng cụ thể.

Riêng virus corona, đến nay cộng đồng khoa học chưa ai tỏ ý nghi ngờ khả năng có bàn tay nào đó gây ra trận dịch này.

4. Văcxin đã sẵn sàng để ngăn dịch corona

2019-nCoV chưa có thuốc đặc trị và văcxin. Phát triển một loại văcxin mới cần phải có thời gian, tiền bạc và đột phá khoa học. Thuốc mới cũng cần phải được kiểm tra về mức độ an toàn trước khi được sử dụng rộng rãi.

Giải mã 10 tin đồn về virus corona từ Đông sang Tây - Ảnh 2.
Nếu không sống ở vùng dịch, bị cảm sốt, ho... nhiều khả năng chỉ là bệnh thông thường - Ảnh: Forbes

5. Các phương pháp dân gian, tự nhiên... có thể giúp phòng chống virus

Hãy cẩn thận với những bài thuốc "lạ" quảng cáo trên mạng giúp phòng chống virus corona. Đa số quảng cáo là "vô thưởng, vô phạt", nhưng một số người luôn sẵn sàng trục lợi trên sự hoang mang của người khác.

Cách tốt nhất để phòng bệnh là giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên và tránh tiếp xúc gần với những người có biểu hiện cảm sốt, ho... Phòng bệnh, dù là cảm cúm thông thường, luôn là điều nên làm.

6. Cứ cảm sốt, ho... là virus corona

Trừ khi bạn đang sống hoặc từng ghé qua vùng dịch ở Trung Quốc trong thời gian gần đây, các triệu chứng cảm, sốt, viêm đường hô hấp... nhiều khả năng chỉ là bệnh thông thường.

Trước khi 2019-nCoV xuất hiện, thế giới mỗi năm vẫn có nhiều triệu người mắc bệnh cúm mùa vốn gây ra các triệu chứng tương tự.

7. Virus corona là sự trừng phạt

Từng có một thời virus HIV cũng bị gán là sự trừng phạt dành cho "lối sống không lành mạnh". Hiện nay người Trung Quốc cũng bị kỳ thị và xa lánh ở một số nơi do dịch corona.

Nếu tin vào "sự trừng phạt", có lẽ con người phải nhận được nhiều loại virus "độc đáo" hơn thế, ví dụ như "sốt tham nhũng"!

8. Có thể nhiễm virus corona từ thức ăn và sản phẩm Trung Quốc

Đây là một nỗi lo mơ hồ và không có cơ sở, nhưng thật sự đã có người đặt câu hỏi này tại một cuộc họp công bố thông tin dịch corona ở thành phố New York, Mỹ.

9. Nên tránh người Trung Quốc, người châu Á...

Do dịch corona bùng phát ở Trung Quốc, đã có hiện tượng phần còn lại của thế giới lo ngại khi tiếp xúc với người châu Á nói chung. Tất nhiên con virus này không lây dựa trên sắc tộc hay màu da.

Tuy nhiên, ở một số quốc gia như Mỹ, Canada... các chuyên gia lo ngại tâm lý này sẽ dẫn đến mâu thuẫn và sự chia rẽ trong các cộng đồng, và điều này chỉ khiến tình hình thêm xấu đi nếu quả thật dịch bệnh lây lan.

10. Dịch virus corona là trò lừa đảo

Có lẽ không cần nói nhiều về tin đồn này.

Trong bất cứ cuộc khủng hoảng nào luôn có những người tung tin thất thiệt vì ý đồ riêng, dù là để bán một sản phẩm nào đó hay hạ uy tín người khác.

Thách thức của nhà quản lý là giúp cộng đồng phân biệt được đâu là sự thật, đâu là tin nhảm. Và để làm được điều này, họ cần phải xây dựng được niềm tin trong "thời bình" trước khi khủng hoảng nổ ra.

Nói như bà Mary Foote, chuyên gia Cơ quan Y tế New York, trong lúc hỗn loạn "kẻ thù lớn nhất là sự hoang mang và sợ hãi" khi con người không biết tin vào ai.

Nguồn: tuoitre.vn
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song