Mất ngủ hậu COVID-19: Nguyên nhân, tác hại và biện pháp khắc phục

Ngày đăng: 22/03/2022 - 996 lượt đọc

Hội chứng hậu COVID-19 với các ảnh hưởng tới hệ hô hấp, tim mạch, gan, cơ, thận, khớp, thần kinh … góp phần đáng kể làm giảm chất lượng giấc ngủ, dẫn đến mất ngủ.

1. Hậu COVID-19 gây trầm cảm, mất ngủ

Hội chứng hậu COVID-19 là tình trạng gặp không nhiều với tỷ lệ khoảng 20% nhưng gây lo lắng và thậm chí ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người bệnh sau khi khỏi COVID-19 do có những biến chứng nguy hiểm về hô hấp, tim, đặc biệt là đột quỵ. Nhiều bệnh nhân sau khi khỏi COVID-19 gặp các triệu chứng COVID-19 kéo dài.

Hội chứng hậu COVID-19 với các ảnh hưởng ở đường hô hấp (ho kéo dài), tim mạch, gan, cơ, thận, khớp, da (mày đay, phát ban, thần kinh) hoặc gây rối loạn thần kinh như lo âu, căng thẳng, trầm cảm…, thậm chí đột quỵ não, nhồi máu cơ tim… Những biến chứng đó góp phần đáng kể làm cho giấc ngủ giảm chất lượng, dẫn đến tình trạng mất ngủ. Khi sức khỏe trong giai đoạn hậu COVID bị suy giảm sẽ tác động nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng cuộc sống làm ảnh hưởng rất lớn đến công việc hàng ngày. Đồng thời tinh thần người bệnh cũng trở nên sa sút, không ổn định vì lo lắng quá mức, trong đó mất ngủ là tình trạng khá phổ biến.

Hậu COVID-19 khiến cho nhiều người trầm cảm, mất ngủ.

2. Mất ngủ biểu hiện thế nào?

Mất ngủ là tình trạng rối loạn giấc ngủ,  khó đi vào giấc ngủ, thường xuyên bị thức giấc giữa đêm, giấc ngủ chập chờn, trằn trọc, ngủ không sâu, không ngon giấc, thường thức dậy sớm trong khi mọi người đang yên giấc và không thể ngủ lại được.

3. Nguyên nhân gây mất ngủ hậu COVID-19

Mất ngủ là di chứng mà nhiều người mắc phải hậu COVID, nhất là tình trạng mất ngủ thường xuyên. Có khoảng 40% người dân bị mất ngủ khi mắc COVID-19, trong khi tỉ lệ này đối với các bệnh dịch khác mà trước đây gặp phải là khoảng 24%. Nguyên nhân có thể là:

Stress, lo lắng, đau buồn, mất mát do COVID-19 đặc biệt là những gia đình bị COVID-19 cướp đi mạng sống của người thân, điều đó đã ảnh hưởng đến giấc ngủ, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống hàng ngày.
Thói quen ngủ của người bệnh sau khi khỏi COVID-19 cũng thay đổi do liên quan đến giãn cách xã hội, các vấn đề tâm lý trong cuộc sống thường ngày, về thu nhập hoặc lo  sợ bị biến chứng do chính bệnh COVID-19 gây ra.
Bên cạnh đó một số thuốc đã được sử dụng để điều trị COVID-19 cũng có thể ảnh hưởng không tốt đến giấc ngủ. H
Hoặc có thể là do triệu chứng bệnh COVID khiến người bệnh mất ngủ nhiều hơn.

4. Tác hại của mất ngủ trong hội chứng hậu COVID-19

Mất ngủ ban đêm gây ảnh hưởng đến hoạt động ban ngày và luôn làm người bệnh cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ giữa ban ngày, đồng thời rất khó tập trung tư tưởng, làm ảnh hưởng rất đến chất lượng làm việc.

Mất ngủ làm ảnh hưởng rất lớn đến sự điều hòa thần kinh của não bộ, do đó có thể không điều chỉnh được sự thằng bằng, gây té ngã khi vận động hoặc gặp phải tai nạn giao thông khi lưu thông trên đường, hoặc bị tai nạn lao động và làm giảm hiệu suất công việc một cách đáng kể…

Ngoài ra, mất ngủ kéo dài còn có thể ảnh hưởng đến não bộ, tim mạch và toàn thân như bị rối loạn nhịp tim, suy tim, bệnh mạch vành, tăng huyết áp và xuất hiện các vấn đề tâm thần như lo âu, trầm cảm, thậm chí xuất hiện suy nghĩ tiêu cực.

Bên cạnh đó, hệ miễn dịch của cơ thể có thể bị ảnh hưởng xấu, làm cho cơ thể dễ bị nhiễm bệnh hơn, nhất là các bệnh nhiễm trùng. Đồng thời hệ chuyển hóa cũng bị rối loạn, tăng nguy cơ béo phì, thậm chí bị đái tháo đường.

Đối với phụ nữ đang mang bầu nếu mắc COVID-19, tiếp đến lại vướng vào hội chứng hậu COVD-19 có thể có nguy cơ sinh con thiếu tháng, nhẹ cân.

5. Biện pháp khắc phục mất ngủ

Dù là vì lý do gì, điều cần thiết là phải khắc phục sớm tình trạng rối loạn giấc ngủ để giúp tăng cường sức khỏe, phục hồi hệ thống miễn dịch để chống lại bệnh tật và có đủ sức khỏe để sống và làm việc bình thường như trước khi mắc COVID-19. Cần đặc biệt quan tâm đến dinh dưỡng, vệ sinh giấc ngủ, làm việc, vệ sinh cá nhân và vận động cơ thể.

- Nên tắm, rửa bằng nước ấm vì nước ấm có thể làm dịu cơn đau nhức cơ, xương (vì một số người bị hậu COVID-19 còn mắc thêm chứng đau nhức cơ xương kéo dài) do mạch máu giãn ra làm cho máu lưu thông dễ dàng hơn gọi là "khí huyết lưu thông". Tắm, rửa nước ấm cũng là một biện pháp tốt để thư giãn, để thoải mái tinh thần trước khi lên giường đi ngủ.

- Hàng ngày nên đi ngủ sớm, nên đi ngủ trước 23h và tuyệt đối tránh thức khuya.

- Cần uống đủ lượng nước hàng ngày (1,5-2,0 lít), bên cạnh đó cần bổ sung nước trái cây ép như nước cam, xoài, dưa hấu, lê…

- Cần ăn thức ăn có nhiều chất xơ, đủ lượng protein, tinh bột và vitamin để phục hồi tối đa các mô bị tổn thương. Cần chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày. Thành phần bữa ăn cần có đủ rau xanh, thịt nạc và có ít nhất 3 lần trong một tuần ăn cá thay thịt. Lượng thức ăn hàng ngày nên dễ tiêu, ăn vừa đủ không nên ăn no quá vì hệ tiêu hóa hậu COVID-19 còn yếu. Nên ăn thêm các loại hạt như lạc, đỗ, đậu (đậu đũa, đậu côve…).

- Cố gắng tạo môi trường ngủ thích hợp (tốt nhất trong một môi trường tối và yên tĩnh, không quá nóng, không được lạnh). Trước khi ngủ nên giành một chút thời gian để thư giãn (tập thở sâu hoặc xoa bóp tay, chân, bụng… nghe nhạc, đọc sách báo…).

- Buổi chiều và tối không uống cà phê, trà đặc và buổi tối hạn chế uống nước, bởi vì uống nhiều nước có thể làm tỉnh giấc để đi tiểu đêm. Bởi vì, hiện tượng tiểu đêm là kẻ thù của rối loạn giấc ngủ. Nên cố gắng duy trì ngủ đủ 7 tiếng mỗi đêm và cố gắng đi ngủ và thức dậy vào cùng giờ giấc như nhau trong tất cả các ngày trong tuần. Ngoài ra, nên cố gắng ngủ trưa trong ngày khoảng 1 giờ đồng hồ là tốt nhất.

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Sưu tầm: Ngọc Song


Bình luận

Viết bình luận