Hiệu trưởng nhắn nhủ sinh viên: 'IQ, EQ cao chưa đủ nếu thiếu lòng trắc ẩn'

Ngày đăng: 27/09/2019 - 753 lượt đọc

Trước hàng ngàn sinh viên, giảng viên, hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) gửi đi thông điệp nhấn mạnh lòng trắc ẩn là 'bệ đỡ' quan trọng cho mọi hành động, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.


Các thành viên CLB Hoa đá của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn truyền đi thông điệp yêu thương, kết nối. Trong ảnh: các học sinh ở Trường Phục hồi chức năng và dạy nghề cho người khuyết tật Tiên Lữ (Hưng Yên) vui đùa cùng các anh chị thành viên CLB Hoa đá - Ảnh: HÀ THANH

"Người ta chỉ có niềm tin khi xung quanh vẫn còn điều tốt đẹp, có sự chia sẻ, đồng cam cộng khổ, làm giảm sự đau buồn, khổ hạnh. Còn nếu như người với người nhìn thấy nhau không có sự thiện cảm nào thì có lẽ chúng ta trở thành robot hết rồi.

                                                                                                                                                                                GS.TS Phạm Quang Minh"

Thông điệp được GS.TS Phạm Quang Minh, hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, gửi gắm trong lễ khai giảng năm học 2019 - 2020 mới đây.
"Trong thế giới cách mạng công nghiệp 4.0, đúng là IQ (Intelligence Quotient - chỉ số thông minh) và EQ (Emotional Quotient - chỉ số cảm xúc) là vô cùng quan trọng, nhưng hơn bao giờ hết, chúng ta lại cần đến LQ (Love Quotient) - chỉ số trắc ẩn, khả năng đặt mình vào góc nhìn của người khác, thứ mà máy móc không bao giờ có", ông nói.
Tuổi Trẻ trò chuyện với ông Minh về góc nhìn mới mẻ này.

Muốn đi xa thì đi cùng nhau
* Ông nhắc đến ba chỉ số IQ, EQ và LQ, và nhấn mạnh hơn lúc nào hết chúng ta lại cần đến LQ - chỉ số trắc ẩn. Ông có thể giải thích rõ hơn về chỉ số này?
- Hiện nay khi đời sống vật chất được cải thiện nhiều, sự phát triển của khoa học công nghệ làm cho con người xích lại gần hơn trong giao tiếp nhưng tình cảm giữa con người với con người đang bị xói mòn.
Tôi muốn nhắc lại ý tưởng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng". Con người khác máy móc, công nghệ chính là ở tình cảm, tấm lòng. Một người máy làm thay cho chúng ta rất nhiều việc, có thể giải quyết công việc vô cùng phức tạp nhưng quả thật lòng trắc ẩn, vị tha, "mình vì mọi người, mọi người vì mình" chắc chỉ có ở con người chúng ta.
Tôi cho rằng lòng trắc ẩn là "bệ đỡ" quan trọng, là nền tảng cho mọi hành động, suy nghĩ của chúng ta. Không ai có thể phát triển mà không quan tâm đến người xung quanh, không chia sẻ.
Lòng trắc ẩn cũng phải "có đi có lại", nghĩa là sự chia sẻ, gắn kết trên tinh thần mình vì mọi người, mọi người vì mình. Một xã hội quan trọng nhất là có sự gắn kết, đồng cam cộng khổ, ai muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau.


GS.TS Phạm Quang Minh, hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) - Ảnh: HÀ THANH

* Ông nói tình cảm giữa con người với con người đang bị xói mòn, vậy nếu không có lòng trắc ẩn thì ông nghĩ hậu quả sẽ ra sao?
- Sống không có lòng trắc ẩn, không có tình yêu dẫn đến một xã hội vô cảm. Bây giờ bệnh vô cảm nặng nề lắm, đứng trước vẻ đẹp của thiên nhiên, tình yêu, đứng trước nỗi bất hạnh của con người mà không có sự rung động, suy nghĩ thì tôi nghĩ đó là xã hội của máy móc.
Chúng ta chứng kiến nhiều thành viên trong lớp, trong nhóm hay gia đình ngồi cạnh nhau nhưng không trao đổi trực tiếp mà liên hệ qua mạng. Đời sống trên mạng xã hội phát triển đến mức người ta ưa thích kết nối trên mạng, ít chia sẻ với người xung quanh, nói đúng ra là "gần mặt cách lòng".
Tôi nghĩ lòng trắc ẩn ở đây trước hết dành cho người thân xung quanh mình. Và tình yêu mạnh mẽ nhất, đẹp đẽ nhất là tình yêu được chia sẻ.
Lòng trắc ẩn, nhân ái ở đây là sự chia sẻ, gắn kết. Nếu giữa con người với nhau còn hàng rào, còn bức tường ngăn cách thì làm sao chúng ta có được lòng trắc ẩn? Nếu chúng ta không quan tâm đến người xung quanh thì làm sao có được sự phát triển với tư cách là cá thể trong cộng đồng đó?

Mở rộng tấm lòng, nhân lên lòng trắc ẩn
* Ông nhấn mạnh chỉ số LQ với ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, liệu đây có phải là định hướng phát triển của nhà trường? Làm thế nào để nhân lên lòng nhân ái, trắc ẩn trong sinh viên?
- Tôi cũng nghĩ rất nhiều thông điệp trong năm học này, các bạn vào trường thực sự đã là những người có trình độ cao, sau này muốn trở thành nhà khoa học, giáo viên... đúng là phải có chỉ số thông minh IQ nhưng tôi nghĩ chưa đủ.
Hành trang vào đời của một công dân toàn cầu trong tương lai vượt lên trên những chỉ số IQ, EQ là hãy đặt mình vào vị trí của người khác, chia sẻ được với các công dân từ các nền văn minh khác.
Chúng ta đang đào tạo thế hệ sinh viên trở thành công dân toàn cầu, tôi nghĩ lòng trắc ẩn, thấu hiểu, chia sẻ là những giá trị có tính chất toàn cầu, xuyên biên giới. Chỉ có bằng cách đó thôi người ta mới hợp tác được với nhau, đối thoại được với nhau. Đấy là "mẫu số chung" chúng ta cần phải tạo ra cho thế hệ sinh viên hiện tại cũng như tương lai.
Năm nay bên cạnh chất lượng đào tạo, kỷ luật thì chia sẻ tình cảm trách nhiệm, thông qua trường hợp em tân sinh viên Trần Thị Hồng Ngọc vượt khó đến trường, tôi muốn sinh viên nhân lên tính nhân văn, sự đồng cảm.

Tân sinh viên Trần Thị Hồng Ngọc - Ảnh: Dương Triều

Đoàn trường, Hội sinh viên của trường cũng tổ chức các câu lạc bộ để sinh viên phát huy khả năng của mình tốt nhất như CLB võ Vovinam không chỉ rèn luyện sức khỏe mà tinh thần nhân văn là bảo vệ các bạn gái chống xâm hại tình dục.
Đặc biệt là CLB Hoa đá 10 năm nay tập hợp các bạn sinh viên gặp nhiều khó khăn trong đời sống do bệnh tật, truyền đi thông điệp nghị lực của con người, kết nối giữa con người trong hoàn cảnh khó khăn cần giúp.
* Theo ông, Việt Nam có thuận lợi, thách thức nào để nhân lên chỉ số này, đặc biệt trong các trường học?
- Chúng ta có lực lượng dân số tuyệt vời, 2/3 dân số sinh sau năm 1975 là yếu tố quý giá nhất, chúng ta cần phải chú ý đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng lực lượng dân số vàng này. Tôi nghĩ các trường giáo dục nói chung, đại học nói riêng phải có trách nhiệm và vai trò lớn hơn.
Tôi nhớ lại lời nhà giáo Chu Văn An trả lời vua Trần Minh Tông: "Thần đọc sách, chưa thấy nước nào không coi trọng sự học mà có thể tiến lên được", tức là những quốc gia tiên tiến, phát triển trên thế giới đều phải chú ý đến giáo dục.
Tôi nghĩ các trường học, đặc biệt Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn phải dẫn dắt, đi đầu. Dẫn dắt đi vào lĩnh vực mới, còn nhiều khó khăn, thực sự truyền đi thông điệp "không chỉ cần có kiến thức mà cần có thêm trách nhiệm xã hội". Đấy chính là lòng trắc ẩn, quan tâm đến những người xung quanh, quan tâm đến vấn đề cốt lõi của dân tộc.

Chắp cánh ước mơ cho tân sinh viên
"Trong số 2.200 tân sinh viên tựu trường hôm nay, nhà trường đặc biệt vui mừng vì đã góp phần chắp cánh cho ước mơ trở thành sinh viên ngành báo chí của em Trần Thị Hồng Ngọc đến từ Nghệ An trở thành hiện thực.
Trong một hoàn cảnh vô cùng khó khăn tưởng chừng như không vượt qua được, em Ngọc vẫn kiên trì học tập để đỗ vào một trong những ngành có điểm số cao nhất của trường. Chính tấm gương kiên trì, đam mê học tập của em đã truyền cảm hứng cho biết bao tấm lòng nhân ái khác...
Trên hành trình nhân ái này, em Ngọc không hề cô đơn mà luôn có những người bạn đồng hành. Trong một thế giới mà trí tuệ nhân tạo được tôn vinh, lòng nhân ái lại càng phải được đề cao. Người ta có thể chế tạo ra những bộ óc siêu việt, nhưng không thể tạo ra được trái tim dù nhỏ bé".
Hiệu trưởng Phạm Quang Minh nói về tân sinh viên Trần Thị Hồng Ngọc (Nghệ An) vào giảng đường đại học nhờ lòng nhân ái rộng mở của thầy cô Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, của các nhà hảo tâm, của học bổng "Tiếp sức đến trường" của báo Tuổi Trẻ.

Nguồn: tuoitre.vn
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song