Chỉ hơn 26.000 người khuyết tật trong nước được trợ giúp pháp lý

Ngày đăng: 16/11/2020 - 801 lượt đọc

Đó là thông tin tại lễ ra mắt Dự án tăng cường trợ giúp pháp lý và bảo vệ quyền của người khuyết tật tại TP.HCM vào sáng 14.11.

Các luật sư đồng hành cùng dự án trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật

ẢNH: PHẠM THU NGÂN

Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Văn Cử, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển năng lực người khuyết tật (Trung tâm DRD), đại diện Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, Sở KH-ĐT TP.HCM, các văn phòng luật sư...

Tại buổi lễ, đại diện Trung tâm DRD cho biết luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 (sửa đổi bổ sung 2017) là cơ sở pháp lý của nước ta để bảo đảm quyền của người khuyết tật được tiếp cận hệ thống tư pháp một cách hữu hiệu và bình đẳng.

Tuy vậy, theo thống kê của Cục Trợ giúp pháp lý (thuộc Bộ Tư pháp), từ 2012 - 2019, cả nước chỉ có 0,33%, tức khoảng 26.262 người trong tổng số 8 triệu người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp pháp lý miễn phí. Riêng tại Quảng Bình, tính đến năm 2015, chỉ có 0.32% tương đương 143/45.000 người khuyết tật được trợ giúp pháp lý. Còn tại TP.HCM, tính đến tháng 5.2018 có tới 56.644 người khuyết tật nhưng chưa công bố số lượng được trợ giúp pháp lý.

Toàn cảnh buổi lễ

ẢNH: PHẠM THU NGÂN

Từ thực trạng đó, Dự án tăng cường trợ giúp pháp lý và bảo vệ quyền của người khuyết tật ra đời, do Trung tâm DRD thực hiện với sự tài trợ của Quỹ thúc đẩy sáng kiến tư pháp (thuộc chương trình Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam do Liên minh châu Âu tài trợ), tập trung hỗ trợ pháp lý cho người khuyết tật trong 4 lĩnh vực: lao động, việc làm, y tế và giáo dục. Chương trình sẽ thực hiện tại TP.HCM và Quảng Bình. 

Chị Nguyễn Hà Bích Phương (cán bộ dự án của Trung tâm DRD) cho biết, việc hỗ trợ pháp lý cho người khuyết tật sẽ thông qua các kênh trực tuyến và trực tiếp. Cụ thể, các đầu mối cộng tác viên địa phương phụ trách ở các câu lạc bộ người khuyết tật sẽ liên kết với văn phòng luật sư, trung tâm trợ giúp pháp lý để tư vấn pháp luật cho người khuyết tật miễn phí. Đồng thời, dự án đã phát triển ứng dụng trên điện thoại DLAW để người khuyết tật có thể đặt câu hỏi trực tiếp và các luật sư sẽ trả lời qua đó.

Luật sư Trương Thị Hòa cho rằng đây là dự án rất thiết thực, nâng cao nhận thức cho người khuyết tật nói riêng và xã hội nói chung về vấn đề hỗ trợ pháp lý để bảo vệ các quyền của người khuyết tật. Đồng thời, luật sư Hòa kêu gọi sự chung tay của xã hội, cần tăng cường các hoạt động tư vấn, hội thảo về quyền của người khuyết tật ở các cơ quan chức năng địa phương.

Tại lễ ra mắt cũng diễn ra hoạt động trợ giúp pháp lý của các luật sư cho người người khuyết tật bằng hình thức hỏi trực tiếp và tổng hợp thắc mắc qua kênh phát trực tuyến buổi lễ trên Facebook.

Nguồn: thanhnien.vn

Sưu tầm: Ngọc Song