Vai trò và tầm quan trọng của chữ nổi đối với cuộc sống của người khiếm thị

Ngày đăng: 24/06/2021 - 6830 lượt đọc

Đối với mỗi người khiếm thị chắc hẳn ai cũng từng nghe đâu đó câu nói “Người mù mà không biết chữ nổi thì có nghĩa là bị mù thêm một lần nữa”, điều đó thật đúng không chỉ với trước kia mà còn đúng cả trong hiện tại

Chữ nổi từ lâu đã được biết đến là công cụ hỗ trợ cho những người khiếm thị trong việc đọc sách, báo, viết chữ. Hệ thống chữ nổi đã được Louis Braille phát minh và hoàn thiện vào năm 1824, nó đã tồn tại gần 2 thế kỷ và mang lại đóng góp vô cùng to lớn đối với cuộc sống của những người khiếm thị. Phát minh của Louis Braille được ví như một cuộc cách mạng làm thay đổi sâu sắc cuộc sống của những người khiếm thị trên thế giới. Hệ thống chữ nổi của Louis Braille chính thức được thế giới công nhận vào năm 1895 và người ta đã lấy tên ông đặt cho hệ thống chữ cái đặc biệt này để tưởng nhớ đến công lao của ông. Năm 1898, hệ thống chữ nổi Braille du nhập vào Việt Nam và được Việt hóa, nó đã trở thành công cụ hữu ích đối với những người khiếm thị Việt Nam trong việc tiếp cận với tri thức một cách chủ động hơn.

Mặc dù hiện nay khoa học đã phát triển, tạo ra nhiều các công cụ hỗ trợ cho người khiếm thị như: máy tính, điện thoại thông minh và các phần mềm đọc màn hình để hỗ trợ người khiếm thị trong việc đọc, viết và tìm kiếm thông tin một cách hiệu quả. Song, vai trò của chữ nổi đối với cuộc sống của người khiếm thị cũng không bao giờ mất đi.

Trong học tập, chữ nổi là một công cụ hết sức hữu ích giúp người khiếm thị đọc và viết trong quá trình học tập được tốt hơn. Với sự phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay, có rất nhiều phần mềm chuyển văn bản thành giọng nói để hỗ trợ người khiếm thị có thể đọc được tài liệu ở rất nhiều định dạng khác nhau. Nhưng chữ nổi vẫn còn nguyên giá trị và không gì có thể thay thế được. Nói như vậy bởi khi người khiếm thị sử dụng xúc giác để sờ đọc tài liệu dưới dạng chữ nổi nó sẽ được ghi nhớ, lưu giữ lại trong não lâu hơn, sâu sắc hơn, cụ thể và rõ ràng hơn so với nghe bằng đôi tai.

Bảng chữ cái nổi do Louis Braille phát minh năm 1824

Hay trong lao động nhờ sử dụng thành thạo chữ nổi họ có thể làm chủ những thiết bị công nghệ hiện đại để phục vụ cho công việc như: laptop, máy tính bảng thông qua nền tảng công nghệ tích hợp bên trong chiếc laptop, máy tính bảng đặc biệt này sẽ chuyển đổi các văn bản trên website hoặc các nguồn tài liệu kỹ thuật số thành dạng chữ nổi để những người khiếm thị có thể đọc được dễ dàng. Từ đó, họ có thể tự tin tham gia bình đẳng vào trong lao động và có những đóng góp cho cộng đồng người khiếm thị nói riêng và xã hội nói chung. Còn trong đời sống hàng ngày, ở Việt Nam hiện nay, chữ nổi cũng đang dần được sử dụng tại các khu vực công cộng như: trên các máy ATM, hay trong thang máy các tòa nhà chung cư, trung tâm thương mại, bệnh viện...  Điều này giúp người khiếm thị có thể tiếp cận các công trình công cộng được thuận lợi hơn. Vì vậy, đối với mỗi người khiếm thị cho dù có rất nhiều các công cụ hiện đại khác hỗ trợ trong học tập, lao động và sinh hoạt nhưng không thể thay thế được vai trò của chữ nổi.

Chính vì vậy, chúng ta có thể khẳng định rằng, ý nghĩa, tầm quan trọng của chữ nổi trong đời sống của người khiếm thị là không thể phủ nhận. Nên đối với mỗi người khiếm thị, việc biết và sử dụng chữ nổi một cách thành thạo là điều hết sức cần thiết. Vì vậy, các cấp hội vẫn thường xuyên mở các lớp dạy chữ nổi dành cho hội viên chưa biết chữ nổi. Đồng thời Hội còn tổ chức các cuộc thi “Đọc, viết nhanh chữ Braille” dành cho cán bộ hội viên. Thông qua cuộc thi này, những người khiếm thị sẽ ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của hệ thống chữ nổi Braille để cùng giữ gìn và phát huy tác dụng của nó nhiều hơn nữa trong cuộc sống.

Ngọc Song