Mất quyền nuôi con vì lời khai vô tư của đứa trẻ

Ngày đăng: 12/09/2018 - 866 lượt đọc

Vợ chồng ly hôn, nhưng đều tranh quyền nuôi con. Thấy đứa bé còn nhỏ, lại là con gái, cần sự chăm sóc, gần gũi với mẹ hơn, nên tòa “nghiêng” về người mẹ. Nhưng sau nhiều lần lấy lời khai, qua tình tiết đứa bé vô tình cung cấp, tòa quyết định giao đứa con cho người cha nuôi dưỡng.

Tranh chấp
Nguyên đơn trong vụ án ly hôn là người phụ nữ tương đối trẻ. Chị chỉ mới bước qua tuổi 30, nhan sắc vào độ mặn mà nhất. Chị và chồng kết hôn đã 10 năm. Ngày đó, cả anh và chị đều vào TP HCM làm thuê. Cùng cảnh xa quê, làm thuê làm mướn nơi đất khách quê người, anh chị nhanh chóng phải lòng nhau.

Hình ảnh minh họa

Sau hai năm quen biết, hai người đi đến kết hôn. Sau khi cưới, cả anh và chị về Huế, sống chung tại nhà bố mẹ chồng. Yêu nhau nhiều năm, nhưng sau khi về một nhà, lại chẳng mấy ngày được hạnh phúc. Vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, cãi vã. Theo chị, nguyên nhân của những trận cãi cọ không hồi kết, là vì tính tình cả hai không hợp.
Nhưng oái oăm ở chỗ, sau khi cưới, chị mới nhận ra. Sống chung dưới một mái nhà, nhưng chồng chị luôn áp đặt ý kiến chủ quan lên vợ.
Anh cấm đoán, không cho chị có mối quan hệ bạn bè nào. Kể cả những mối quan hệ bình thường giữa phụ nữ với nhau, anh cũng cật lực phản ứng, cấm đoán. Đó là lý do khiến tình trạng mâu thuẫn giữa hai vợ chồng ngày càng trầm trọng, nhiều lần xung đột, dẫn đến đánh nhau.
Khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, chị quyết định dắt con gái rời khỏi nhà chồng, ra ngoài thuê phòng trọ để hai mẹ con sinh sống.
Người phụ nữ khẳng định, giữa hai vợ chồng không còn tình cảm, nên đã đâm đơn ra tòa yêu cầu ly hôn, đồng thời xin được nhận quyền nuôi con gái, yêu cầu chồng cấp dưỡng mỗi tháng 1 triệu đồng.
Người chồng – bị đơn trong vụ án lại cho rằng, cuộc hôn nhân của vợ chồng anh trong hai nămđầu diễn rahạnh phúc,sau đó mới bắt đầu phát sinh mâu thuẫn. 
Người chồng cho rằng,nguyên nhân mâu thuẫn trong cuộc hôn nhân của họ là do vợ anh ít quan tâm đến gia đình, bỏ bê chồng con. Vợ anh mở một tiệm may nho nhỏ cách nhà chỉ vài km.Vậy nhưng, suốt ngày chị ở tiệm may, đến tối cũng không về nhà.
Một tuần, chị chỉ tạt qua nhà 2 đến 3 lần, thời gian còn lại vợ đi đâu anh đều không biết. Hỏi han vợ thì chị bảo hàng gấp, phải thường xuyên làm đêm không thể về. Anh đến tiệm không gặp vợ, gọi điện thì chị bảo đang đi mua vải, mua vật liệu may.
Lúc nào chị cũng có lý do để thoái thác. Mâu thuẫn giữa hai vợ chồng càng ngày càng căng thẳng. Anh nhiều lần khuyên vợ nên dành nhiều thời gian để vun vén gia đình, chăm sóc con cái, nhưng vợ anh vẫn không thay đổi.
Sau đó chị dẫn con gái ra ngoài thuê nhà ở riêng. Cũng từ đó, giữa anh và chị không liên hệ với nhau. Người chồng đồng ý ly hôn cùng vợ, nhưng anh đề nghị được nuôi con cho đến tuổi trưởng thành. Trong khi đôi vợ chồng trẻ nhất quyết đòi ly hôn, thì người mẹ chồng lại yêu cầu tòa hòa giải.
Bà bảo, quá trình vợ chồng con trai bà sống chung với bố mẹ chồng, cả hai thỉnh thoảng mới xảy ra mâu thuẫn nho nhỏ. Con dâu bà cũng nhiều lần bỏ đi, nhưng cứ đi đi rồi lại về về. Cho đến cuối năm ngoái, thì con dâu dẫn luôn cháu nội của bà đi, rồi không về nữa.
Từ lúc đó đến giờ, con trai con dâu bà chẳng còn quan tâm đến nhau nữa. Nhưng bà lại quan tâm cháu nội mình. Bà lo cháu gái còn nhỏ, ở với mẹ thì xa cha, ở với cha thì xa mẹ. Không muốn cháu nội phải sống trong cảnh tổ ấm vỡ đôi, bà yêu cầu tòa án cố gắng hòa giải, để con trai và con dâu bà đoàn tụ, cùng nhau nuôi dạy con cái.
Ngã ngũ
Một thẩm phán chia sẻ, nhiều người cho rằng, án hôn nhân và gia đình là loại án“đơn giản nhất”so với các loại án dân sự khác như tranh chấp tài sản, tranh chấp nợ nần, tranh chấp thừa kế… Bởi khi tình cảm vợ chồng không còn, các đương sự sẽ nhanh chóng thuận tình đường ai nấy đi.
Thế nhưng, sự phức tạp trong loại án này thường “nằm” ở các mối quan hệ tài sản chung, nhất là sự giằng co, tranh chấp về con chung. Nên không ít vụ án kéo dài triền miên, đi qua nhiều cấp, nhiều lần xét xử, gây bất ổn trong đời sống cá nhân, đặc biệt là ảnh hưởng đến cuộc sống, tình cảm của trẻ.
Để hóa giải tối đa những mâu thuẫn, bất đồng, rút ngắn thời gian kiện tụng, bảo vệ quyền lợi hợp phápcủa các đương sự,đặc biệt là quyền lợi của con vị thành niên, người làm công tác xét xử thường phải hết sức nỗ lực trong công tác hòa giải.
Ngoài kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải, người làm công tác xét xử phải thực sự có tâm, trăn trở… mới có thể kiên trì phân tích, thuyết phục hai bên đương sự, để họ nhận ra những tình tiết hợp lý, hợp pháp, hợp tình, từ đó nhượng bộ nhau, sớm đi đến một điểm chung, thay vì mãi cố chấp, kéo dài vụ án qua nhiều cấp xét xử.
Trong vụ án ly hôn trên, hội đồng xét xử đã cân nhắc rất nhiều để đưa ra phán quyết cuối cùng. Do đứa bé đã 8 tuổi, nên theo luật định, tòa phải triệu tập cháu bé đến hỏi ý kiến, nguyện vọng của cháu là sống với bố hay với mẹ?
Trong bản tự khai đầu tiên, cháu bé khai mình thường thấy ba và mẹ gây gổ nhau. Mỗi lần ba say rượu về, sẽ đánh đập mẹ. Nếu mẹ xin li hôn, cháu muốn ở với mẹ vì cháu thương mẹ nhiều hơn. Nhưng ba tháng sau, cháu bé lại thay đổi ý kiến, xin được ở với ba.
Đến trước ngày xét xử, cháu bé lại thay đổi ý kiến, có nguyện vọng ở với mẹ. Quá trình làm việc với các đương sự luôn diễn ra vô cùng gay gắt. Cả hai đều quyết liệt tranh chấp quyền trực tiếp nuôi con.
“Trước mặt cán bộ tòa án, mà họ cãi nhau vô cùng dữ dội, thậm chí thiếu chút nữa thì đánh nhau. Chúng tôi lại phải tách họ ra để phân tích, thuyết phục. Vì cháu bé là con gái nên cán bộ tòa án nhẹ nhàng phân tích để người cha hiểu hơn. Ở cái tuổi còn quá nhỏ, bé gái cần sự chăm sóc, gần gũi của người mẹ hơn. Thương con, không nhất thiết phải khư khư giữ con bên mình, mà thương con chính là phải biết nghĩ cho con.
“Thông suốt” điều đó, nên người cha đồng ý giao con cho người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng”. Thẩm phán cho biết, để người đàn ông đó “gật đầu”, cán bộ tòa không chỉ phân tích một lần, hai lần mà rất nhiều lần. Cán cân về quyền nuôi con trong giai đoạn đầu xử lý vụ án, “nghiêng” về phía người mẹ, là nguyên đơn trong vụ án. 
Thế nhưng, trong quá trình giải quyết vụ án, qua tình tiết cháu bé vô tình cung cấp, hội đồng xét xử phát hiện, trong lúc sống ly thân với chồng, nguyên đơn ra ngoài thuê phòng trọ ở cùng con gái nhưng lại thường xuyên đưa bạn trai về phòng trọ. Có lúc, người đàn ông này qua đêm tại phòng trọ của hai mẹ con.
Điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của cháu bé. Để đảm bảo cho cháu bé được pháttriển bình thường lành mạnh về cả thể chấtlẫn tinh thần,tòa“quay lại”phân tích cho người mẹ hiểu. Kết quả người mẹ tâm phục khẩu phục, đồng ý giao con cho người chồng trực tiếp nuôi dưỡng.
Tòa cũng phân tích cho người vợ thấy rõ, về điều kiện nuôi dưỡng đứa trẻ, người chồng có “ưu thế” hơn, có nhà cửa (của bố mẹ) và công việc ổn định, thu nhập cao. Trong khi người vợ quê ở miền Bắc, đang sống ở Huế một mình, không có người thân, không có nhà cửa ổn định (chị đang ở trọ). Đứa bé cũng đang theo học tại TP Huế.
Phiên tòa xét xử vụ án ly hôn hôm đó diễn ra chóng vánh, vì cả hai không tranh chấp tài sản chung. Cả hai đương sự cũng thống nhất thỏa thuận trước đó, là giao đứa con chung cho người chồng nuôi dưỡng. Để có phiên tòa“tâm phục khẩu phục”như thế, là cả một nỗ lực rất lớn của những người làm công tác xét xử.
 

Theo:phapluatplus

Sưu tầm: Trường Thanh