Lớp võ Aikido miễn phí dành cho người khuyết tật ở TP HCM

Ngày đăng: 22/05/2019 - 2450 lượt đọc

Không chỉ dùng võ thuật để giúp đỡ các em tìm lại chính mình, võ sư Thanh Loan còn tổ chức các lớp học đàn, học hát, học tiếng Việt, tiếng Anh miễn phí cho các em khuyết tật trên địa bàn TP HCM.

Võ sư Thanh Loan đặt cho lớp học của mình một cái tên “Aikido thế giới là yêu thương”. Hiện lớp học có 50 em học sinh khuyết tật, đa phần mắc hội chứng Down, khiếm thị, khiếm thính, tự kỷ và thiểu năng trí tuệ. Ngoài học Aikido, các em ở đây còn được học tiếng Anh, học vẽ, học đàn... với mong muốn nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng và phát triển năng khiếu bản thân.

Võ sư Thanh Loan nhận được sự tin yêu, quý mến của các em khuyết tật và phụ huynh, vì tâm huyết của mình dành cho lớp học này.
 

Võ sư Thanh Loan chia sẻ: “Năm 2005, Sở Thể dục – Thể thao TP thành lập Hội võ thuật người khiếm thị TP HCM. Biết cô là người có bề dày kinh nghiệm, dạy môn Aikido từ năm 1967 đến bấy giờ. Do đó, đại diện Sở đã mới cô vào vị trí Trưởng Ban chuyên môn Aikido của Hội võ thuật người khiếm thị TP”. 


Từ sự miệt mài tập luyện, các em đã giành nhiều huy chương ở các giải thể thao dành cho người khuyết tật nhiều năm qua.

Lớp võ Aikido rất đặc biệt. Trong suốt quá trình dạy, người võ sư luôn nhẹ nhàng, dỗ dành và hướng dẫn tỉ mỉ động tác cho từng em. Cũng vì mỗi em mỗi tật mà thời gian đầu khi nhận lớp, cô Loan đã gặp nhiều khó khăn trong việc giảng dạy và truyền đạt kiến thức, tìm mọi cách để dạy cho các em hiểu. Với những trẻ tự kỉ và thiểu năng trí tuệ, việc tập cho các em tự ăn, tự uống, tự biết phục vụ các nhu cầu cá nhân cho mình đã khó, huống chi là học võ. Thế nhưng, bằng tình thương yêu của mình, cô Loan luôn tận tâm dành nhiều thời gian cho các em. Cô đã tìm tòi ra nhiều phương pháp khác nhau để dạy sao cho có hiệu quả.
Cô Loan chia sẻ, với những trẻ đặc biệt này, việc dạy võ phải hết sức kiên trì, hầu như mỗi em cô áp dụng cho một giáo án riêng. Các bài tập của cô luôn hướng đến khả năng hội nhập, giúp các em thêm tự tin và vơi bớt nỗi mặc cảm bệnh tật.
“Những khó khăn khi dạy cho những em có số phận đặc biệt này thì nhiều lắm, bởi mỗi em có một giáo án, một cá tính khác nhau. Chính vì vậy, đòi hỏi người thầy phải kiên nhẫn và tình yêu thương dành cho các em phải lớn, để gố gắng giúp các em hòa nhập với cộng đồng” – cô Thanh Loan tâm sự.

Lớp học của cô Loan ngày càng được nhiều người biết đến, phụ huynh cũng tìm đến lớp võ Aikido miễn phí của cô để tập luyện ngày càng đông. Không chỉ dùng võ thuật để giúp đỡ các em tìm lại chính mình. Võ sư Thanh Loan còn tổ chức các lớp học đàn, học hát, học tiếng Việt, tiếng Anh để giúp các em có thêm vốn kiến thức, đồng thời giúp tinh thần các em thêm vui vẻ và thoải mái khi đến lớp.
Với sự dìu dắt của võ sư Thanh Loan, nhiều em đã có sự tiến bộ vượt bậc. Một số em đã có thể tự đạp xe đến lớp học mà không cần có sự dìu dắt của bố mẹ, người thân; đặc biệt nhiều em đã được thành tích cao trong các kì thi võ thuật thể thao dành cho người khuyết tật ở trong nước và quốc tế. Và chính sự tiến bộ của mỗi em là niềm vui niềm hạnh phúc và giúp cho võ sư Thanh Loan thêm vững tin để bước tiếp trên con đường của mình.
Chị Trịnh Thị Hải Liên (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết: “Dạy dỗ cho các em khuyết tật rất khó khăn, vậy mà cô Loan đã dành hết tâm huyết, cái tâm của mình để giúp cho các em. Giúp các em tự tin hơn trong cuộc sống. Nhiều em không còn tự ti rụt rè". 

Võ sư Thanh Loan tận tình hướng dẫn các em trong việc luyện tập từng động tác chi tiết, tỉ mỉ.

Câu lạc bộ Aikido đã giúp các em thay đổi theo từng ngày. Nhiều em bị mắc bệnh khiếm thị, khiếm thính hay hội chứng Down cũng có thể tự tập đánh võ, không rụt rè khi gặp người lạ. Và không ai hạnh phúc bằng cha mẹ của các em khi con mình có thể vượt qua bệnh tật và mỉm cười trong cuộc sống.
Nơi tập của những đứa trẻ tật nguyền cũng là chốn bình yên của vị võ sư sau những tất bật của công việc xã hội. Những suy tư về một thế võ mới và triết lý đầy nhân văn của Aikido đã giúp cô giáo Loan bước tiếp trên con đường thiện nguyện của mình.

Nguồn: baonhandao.vn
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song