Nhọc nhằn với ASEAN Para Games

Ngày đăng: 14/04/2020 - 800 lượt đọc

Từng bị hoãn 2 tháng vì lý do thiếu kinh phí, Đại hội Thể thao người khuyết tật (TTNKT) Đông Nam Á (ASEAN Para Games) 2020 tiếp tục phải lùi thời điểm tổ chức thêm hơn nửa năm, đến tận tháng 10.

Có lẽ đấy chưa phải là cột mốc cuối cùng cho kỳ ASEAN Para Gameslần thứ 10 (Philippines) giữa vòng xoáy đại dịch Covid-19, đã và đang khiến mọi hoạt động thể thao phải thất thủ. Khi hầu hết các sự kiện hàng đầu của TTNKT ở cấp độ châu lục và thế giới năm 2020 dự kiến phải hủy bỏ thì sân chơi khu vực cũng phải chịu chung số phận.

Chính thức tập trung trở lại từ sau Tết nguyên đán tại 2 trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng và TP HCM, các thành viên của 3 đội tuyển TTNKT bơi, điền kinh và cử tạ không nghĩ họ bị "cấm trại" luôn cho đến nay và chưa biết đến khi nào tình trạng cách ly mới được dỡ bỏ. Theo HLV Đặng Văn Phúc (điền kinh), giới chuyên môn không còn hướng mục tiêu đến ASEAN Para Games mà thay vào đó, tiếp tục duy trì việc tập luyện cho các VĐV để giữ phong độ, sẵn sàng chờ tham dự các giải đấu tuyển chọn để đạt chuẩn đến Paralympic Tokyo vào mùa hè 2021.

Cho đến thời điểm này, điền kinh TTNKT Việt Nam mới chỉ có VĐV Cao Ngọc Hùng chính thức giành quyền tham dự Paralympic Tokyo nhờ thành tích xếp hạng 4 nội dung ném lao hạng thương tật F57 tại Giải Vô địch Điền kinh người khuyết tật thế giới 2019. Các thành viên còn lại của đội gồm Phạm Nguyễn Khánh Minh (hạng 5 nội dung 400 m, hạng thương tật T12; hạng 11 nội dung 100 m hạng thương tật T12), Trần Văn Nguyên (hạng 9 nội dung đẩy tạ, hạng thương tật F40), Nguyễn Thị Hải (hạng 8 nội dung ném đĩa, hạng thương tật F57; hạng 11 nội dung đẩy tạ, hạng thương tật F57) đều đạt được từ 1-2 chuẩn A, chờ bổ sung chuẩn tại Giải Vô địch châu Á.

Cũng như điền kinh, các thành viên đội tuyển cử tạ TTNKT Việt Nam đang ráo riết tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TP HCM chờ giành quyền tham dự Thế vận hội dành cho người khuyết tật. HLV trưởng Nguyễn Hồng Phúc cho biết trung tâm thực hiện rất nghiêm quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Các lực sĩ như Lê Văn Công, Nguyễn Bình An, Châu Hoàng Tuyết Loan… theo kế hoạch phải tham dự một số giải đấu trong năm nay như Giải Vô địch châu lục hoặc Cúp Thế giới để bổ sung chuẩn, đồng thời chờ xét duyệt thành tích từ Hiệp hội Paralympic quốc tế (IPC). Tuy nhiên, vì dịch Covid-19, IPC quyết định hoãn mọi giải đấu đã lên lịch tổ chức cho đến hết tháng 7. Do vậy, các VĐV vẫn phải tiếp tục tập "chay", chờ thông báo mới.

Có phần "dễ thở" hơn là trường hợp của 8 thành viên đội tuyển bơi TTNKT khi tất cả đều đã đủ chuẩn (riêng kình ngư Võ Thanh Tùng đạt đến 4 chuẩn), chỉ còn đợi IPC xét duyệt thành tích trước khi trao vé chính thức. Tập trung tại TP Đà Nẵng từ đầu năm, khó khăn lớn nhất của các kình ngư chính là việc họ không thể tập luyện dưới nước - môi trường dễ lây nhiễm virus SARS-CoV-2, mà chỉ duy trì tập thể lực với tạ, dây trên bờ. Một số VĐV do hoàn cảnh gia đình khó khăn, trước tình cảnh "cá lên bờ" này đã xin phép về nhà, chủ động tập luyện theo giáo án của ban huấn luyện. Dĩ nhiên, khi không tập trung cùng đội tuyển, các VĐV này cũng sẽ không được nhận tiền công lao động theo quy định và làm nảy sinh những khó khăn mới trong cuộc sống vốn phụ thuộc rất nhiều vào chế độ lương, thưởng dành cho các tuyển thủ quốc gia.

Nguồn: nld.com.vn

Sưu tầm: Ngọc Song