Bảo đảm tuyên truyền phòng chống COVID-19 tới người khuyết tật, nhóm đối tượng yếu thế

Ngày đăng: 07/04/2020 - 996 lượt đọc

Các chuyên gia y tế đã cảnh báo, chịu tác động lớn nhất nếu đại dịch COVID-9 lan nhanh chính là cộng đồng người khuyết tật, các nhóm đối tượng yếu thế. Thế nhưng, trong việc tuyên truyền, tư vấn và triển khai hỗ trợ các đối tượng này cũng gặp không ít khó khăn.

Hỗ trợ, cung cấp thông tin tuyên truyền về dịch Covid-19 cho những nhóm người khuyết tật, người yếu thế là điều quan trọng. Ảnh minh họa: Laodongxahoi.net

PV VOVGT đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Công tác xã hội Võ Thị Hoàng Yến, người sáng lập và là Giám đốc Trung tâm khuyết tật và phát triển VN (DRD).

PV: Thưa bà, tích cực chủ động phòng, chống dịch COVID-19 theo khuyến cáo chung của cơ quan chuyên môn, liệu người khuyết tật đã và đang gặp phải những trở ngại, khó khăn nào?

TS Võ Thị Hoàng Yến: Xin chào VOV Giao thông. Gần đây trên facebook cũng đã nghe một số bạn khuyết tật, đặc biệt là khuyết tật nặng, họ có sức khỏe kém, trở trời là họ gặp vấn đề về hô hấp nên con virus này rất là nguy hiểm với họ. Người khuyết tật nghèo rất nhiều, họ đi mua bán dạo tiếp xúc dạo trực tiếp nhiều người nên nguy cơ lây nhiễm là rất cao.

Một vấn đề khác là gần như ở địa phương làng xã, khu phố,… hầu như họ chưa nắm được danh sách người khuyết tật, người neo đơn ở khu phố mình để họ hỗ trợ kịp thời cho người khuyết tật, người già neo đơn.

PV: Như vậy, rõ ràng nhóm đối tượng này rất cần những thông tin kịp thời, thế nhưng làm sao để chúng ta có thể tuyên truyền, khuyến cáo và hỗ trợ hiệu quả đến họ?

TS Võ Thị Hoàng Yến: Đúng là chúng ta có nhiều thông báo liên quan đến dịch Covid 19 này, tuy nhiên hầu như lại chưa đề cập đến người khuyết tật, người già neo đơn. Thật ra cái khó của người khuyết tật là các phương tiện truyền thông hiện tại thì không phải ai cũng xem. Thông tin hướng dẫn hầu như họ ít tiếp cận.

Cho nên mình nghĩ kênh quan trọng nhất vẫn là khu phố, tổ dân phố, hàng xóm của họ… Hình thành các nhóm để tìm hiểu, gặp gỡ trực tiếp cung cấp thông tin là rất quan trọng

PV: Vâng, vậy theo Tiến sĩ, chúng ta cần gấp rút triển khai một số công tác cấp thiết nào để kịp thời hỗ trợ người khuyết tật, các nhóm đối tượng yếu thế?

TS Võ Thị Hoàng Yến: Chúng ta nên đồng thời, thành lập đường dây nóng để họ cần thì người khuyết tật, người khuyết tật để họ gọi, hoặc họ biết cái cơ sở hỗ trợ nào gần nhất với họ thì họ đến.

Theo nghiệm DRD thì cả các cơ quan Y tế đôi khi cũng chưa biết cách làm việc với người khuyết tật. Phải có cái tập huấn nhanh, để họ biết cách hỗ trợ như thế nào, như người khiếm thính họ cần cái line như thế nào để liên hệ.

Có như vậy thì mới hỗ trợ tích cực, quan trọng nhất để hỗ trợ họ. Mình nghĩ kênh quan trọng nhất vẫn là khu phố, tổ dân phố, hàng xóm của họ… phải nắm được danh sách và hoàn cảnh của người khuyết tật khu mình để hỗ trợ.

Truyền thông mình đã thông tin là ở Trung Quốc đã có trường hợp là có một em bé khuyết tật chết đói vì cha mẹ bị đưa đi cách ly mà không ai biết cháu ở nhà một mình.  Mình không thể để chuyện này xảy ra.

Nhà nước, lãnh đạo địa phương phải quan tâm ngay từ ban đầu để có kế hoạch. Đại đa số người này là người nghèo, chưa chắc họ có khẩu trang, nước rửa tay để họ dùng. Họ không mua bán, ra ngoài được để mưu sinh thì chắc chắn rất khó khăn thì cần hỗ trợ tài chính hoặc thực phẩm.

Có các nhóm ở địa phương mang đến đồ ăn cho họ cũng quan trọng. Cái này phải đi kèm chính sách lớn, chương trình dự phòng cho người khuyết tật, nhóm yếu thế….để chuẩn bị cho tốt.

Nguồn: vov.giaothong.vn

Sưu tầm: Ngọc Song