Ngày cuối tuần ở lớp hội họa khuyết tật

Ngày đăng: 26/04/2022 - 1355 lượt đọc

Sáng thứ bảy. Đã qua 9 tuần lớp Âm thanh hội họa mở cửa trở lại sau dịch Covid-19 để đón học viên sáng tác. Tôi cũng đôi lần đến với các em và các bạn, để nghe quanh mình một lặng yên với nét cọ đẩy nhẹ trên mặt toan. Bởi có nói gì các em cũng chẳng nghe, có hỏi gì cũng chẳng nhận được câu trả lời…

… Nhưng với hôm qua, 23.4, thì lại khác một chút. Gần 30 em họa sĩ câm điếc của lớp Âm thanh hội họa (thuộc Câu lạc bộ Mekong Art) ở trong con hẻm số 776 Nguyễn Kiệm, P.4, Q.Phú Nhuận, TP.HCM đã đến từ sớm, tíu tít chuyển tranh ra ngoài, đặt giá và nâng niu để từng bức tranh lên giá, xếp đặt hai dãy tranh hai bên, để chút nữa đây có vài vị khách nước ngoài đến chiêm ngưỡng.

Hai du khách người Úc đang quan sát các họa sĩ khuyết tật ngồi trước khung tranh sáng tạo nghệ thuật sáng 23.4

Thầy giáo, họa sĩ Văn Y, sau bao nhiêu năm lăn lộn với đời, với các cuộc triển lãm trong và ngoài nước, bỗng dưng một ngày nhận ra có nhiều em bị khuyết tật, câm và điếc, hoặc có cả vài người lớn nhưng khiếu truyền tải cảm xúc nhìn đời, sự vật rất tinh tế gửi vào những nét vẽ, hiện lên khung tranh những sắc màu tưởng tượng hiếm có. “Các em đang nghe, đang nói với cuộc đời đấy", thầy Văn Y thổ lộ khi được hỏi về cơ duyên lập ra lớp Âm thanh hội họa dành cho người khuyết tật 5 năm trước. Ban đầu, với sự cộng tác của một nhóm họa sĩ trong câu lạc bộ Mekong Art, thầy đi thuê một căn nhà nhỏ trong con hẻm này để dạy dỗ, dung dưỡng cho cái thần trí thơ trẻ của các em được bay bổng.

Ấy là duyên nghiệp. Và ấy cũng là ước nguyện nâng đỡ các em tụ về từ nhiều vùng miền. Có em ở tận miền Tây, Nam Trung bộ hay ở ngay Sài thành hoa lệ, nhưng đều chỉ “thấy” mọi thanh âm đời sống qua đôi mắt, không nghe được tiếng chuông thánh đường nhưng vẽ được gác chuông, không nói được với ai câu “thuyền đang về bến kìa” nhưng lại vẽ được con thuyền nằm im lìm soi bóng. Có em lại chuyển tải vào tranh đôi mắt ưu tư trong chiều, nhưng gửi vào trong đó cả tiếng vọng của đất trời, dù chúng chẳng bao giờ nghe được “tiếng ấy” có âm sắc gì…

Ông Dirk và bà Elisabeth (đứng giữa) chụp hình lưu niệm cùng các họa sĩ lớp Âm thanh hội họa. PHẠM MINH THIỆN

Sáng nay, tôi bất chợt nhận được tin nhắn. Dù đã sắp xếp vài việc cho ngày thứ bảy nhưng bỏ lại một bên, xách xe chạy vù đến với thầy trò của lớp. Đến nơi, đã có 2 vị khách nước ngoài, là đôi vợ chồng người Úc gốc Bỉ, đến tham quan phòng tranh của lớp Âm thanh hội họa. Nắng chấp chới trên con hẻm dài. Đôi vợ chồng du khách chìa ra danh thiếp: Dirk & Elisabeth Weemaes. Họ đi tour du lịch sau đại dịch Covid-19, đến Việt Nam và theo lời của anh hướng dẫn viên Võ Thành Sang, thì họ sẽ đi xuyên Việt. Bà Elisabeth cho biết chuyến đi lần trước của họ đến Việt Nam nay đã là… 30 năm. Tôi đường đột hỏi ông chồng: Xin hỏi Dirk, ông năm nay bao nhiêu tuổi?, Dirk cười và trả lời: 66. Thoáng một phép trừ trong đầu, lần ấy ông đến mảnh đất này, là khi còn ở tuổi 36!

Rồi họ giao lưu với các em học viên, họa sĩ của lớp, rồi họ ngắm tranh, và rồi họ bước vào trong phòng tranh để nhìn ngắm các em say mê tung từng nét cọ. Cảm giác như thời gian ngưng đọng, im phăng phắc trong cái không gian đắm chìm sắc màu hội họa và ánh mắt của các em lướt theo từng bàn tay trên bức toan trắng. Tung hứng và cảm nhận. Miệt mài và say mê!

Tôi mạn phép họa sĩ Văn Y để nói thêm đôi lời, như tâm sự những điều mình được biết với đôi vợ chồng ngoại quốc về những chuyến đi lên rừng xuống biển làm từ thiện của gần 30 học viên, họa sĩ của lớp trong 5 năm qua. Và tôi cũng nói về nghĩa cử và sự nhân ái của lớp khi gần đây, đã gửi thư đề nghị phối hợp, đồng hành với Báo Thanh Niên tổ chức một cuộc triển lãm, bán đấu giá tranh để lấy tiền góp vào chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời của báo nhằm bảo trợ trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19. Như bị cuốn hút theo câu chuyện, ông Dirk và bà Elisabeth cứ luôn miệng “ồ, à” ngạc nhiên thú vị theo mạch chuyện kể, qua lời phiên dịch của chị Mai Kim Hoanh, cựu nhân viên khách sạn Caravelle, cũng là phụ huynh của cô bé Bảo Trân, một họa sĩ khuyết tật của lớp Âm thanh hội họa.

“Cảm nghĩ của anh chị khi tham quan phòng tranh của các họa sĩ khuyết tật ra sao?”. Khi tôi đặt câu hỏi ấy, cả hai hầu như cùng lúc, bật ra: “Cảm động”. Và ông Dirk nói thêm: “Chúng tôi cảm nhận một tình yêu thương lan tỏa nơi đây”. Rất bất ngờ, bà Elisabeth tiết lộ: “Tôi rất yêu hội họa. Lúc còn trẻ, hồi ấy khoảng mới hơn 20 tuổi tôi cũng dạy vẽ cho trẻ khuyết tật nhiều năm”. Tôi hướng về bà, nói: “Vậy ở góc độ nào đó, bà cũng là đồng nghiệp của họa sĩ Văn Y đây”. Elisabeth nghe vậy, bật cười thú vị và quay sang bắt tay người “đồng nghiệp” của mình. Chia sẻ và cảm thông!

Tạm biệt. Cả hai vợ chồng cho biết sau khi rời Việt Nam, sẽ lưu dấu và mang theo kỷ niệm về phòng tranh đặc biệt này và những bức ảnh lưu niệm chụp chung với các em. Họ cũng không quên nói rằng “chúng tôi sẽ kể cho bạn bè nghe về những điều đặc biệt của lớp hội họa này giữa Sài Gòn. Có lẽ một ngày nào đó chúng tôi và bạn bè sẽ quay lại thăm các em, nếu có điều kiện”.

Những cái bắt tay từ biệt với các họa sĩ khuyết tật trong buổi sáng cuối tuần, theo sau lưng đôi vợ chồng du khách nước ngoài là ánh nắng tháng tư lấp lánh trên những đôi mắt ngồi lại bên khung vẽ, của các em…

Nguồn: thanhnien.vn

Sưu tầm: Ngọc Song


Bình luận

Viết bình luận