Khi người khuyết tật giúp nhau "cần câu thay vì con cá"

Ngày đăng: 22/04/2021 - 485 lượt đọc

Hãy giúp nhau chiếc cần câu thay vì con cá, Nguyễn Hồng Giang, cựu sinh Học bổng Chính phủ Australia, đã cùng các bạn học xây dự án “Truyền thông vì sự Phát triển và Hòa nhập” để hỗ trợ những người như mình.

Nguyễn Hồng Giang và Dự án “Truyền thông vì sự Phát triển và Hòa nhập”

Tốt nghiệp Thạc sỹ chuyên ngành Chính sách và Thực hành về vấn đề Khuyết tật, Đại học Flinders, bang Nam Úc, năm 2017. Nguyễn Hồng Giang đang làm việc tại Hội Người khuyết tật Tp Hà Nội, bạn đã hiện thực hóa những kiến thức đã tiếp thu được trong quá trình học tập tại Australia. 

Cùng với ba cựu sinh khác, Hồng Giang đã xây dựng dự án “Truyền thông vì sự Phát triển và Hòa nhập” và được Chính phủ Australia tài trợ thông qua Quỹ Hỗ trợ Cựu sinh Australia tại Việt Nam. Được phê duyệt thực hiện từ tháng 1/2021 -01/2022, dự án sẽ tập trung hỗ trợ người sử dụng lao động và cộng đồng tiếp cận thông tin về việc làm cho người khuyết tật (NKT)một cách dễ dàng hơn.

Ngoài ra, dự án cũng tạo thêm một địa chỉ tin cậy hỗ trợ NKT tiếp cận tốt hơn với cơ hội việc làm, dịch vụ y tế và giáo dục, tăng cường năng lực cho thanh niên khuyết tật (TNKT) tạo ra các sản phẩm truyền thông liên quan đến việc làm cho NKT. Thông qua những câu chuyện sinh động trên Youtube, dự án mong muốn TNKT trong cộng đồng NKT sẽ được truyền cảm hứng và tự tin hơn khi tham gia thị trường lao động.

Nguyễn Hồng Giang chia sẻ: Trở lại Việt Nam, tôi làm việc tại Hội NKT Tp. Hà Nội với vai trò Cán bộ dự án, phụ trách một số dự án liên quan đến nâng cao năng lực cho các lãnh đạo nữ của Hội về phòng chống bạo lực Giới và bạo lực gia đình với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, nâng cao năng lực cho lãnh đạo Hội và các lãnh đạo các CLB Phụ nữ khuyết tật một số tỉnh phía Bắc Việt Nam nhằm thúc đẩy bình đẳng Giới.

Với những kiến thức về lĩnh vực NKT được đào tạo ở một nước phát triển, tuy không thể áp dụng một cách “dập khuôn” với bối cảnh và tại thực trạng của các tổ chức Hội NKT tại Việt Nam nhưng một phần nào đó cũng đã rất hữu ích khi áp dụng. Một trong những ví dụ điển hình nhất là khi 4 Cựu sinh Úc nộp và được duyệt đề xuất dự án “Truyền thông vì sự Phát triển và Hòa nhập” do Chính phủ Úc tài trợ thông qua Quỹ Hỗ trợ Cựu sinh viên tại Việt Nam.

Với quan điểm giúp nhau cần câu thay vì con cá, Dự án “Truyền thông vì sự Phát triển và Hòa nhập” đã tập trung hỗ trợ người sử dụng lao động và cộng đồng tiếp cận thông tin về việc làm cho NKT dễ dàng hơn. Dự án cũng tạo thêm một địa chỉ tin cậy hỗ trợ NKT tiếp cận tốt hơn với cơ hội việc làm, dịch vụ y tế và giáo dục, tăng cường năng lực cho TNKT tạo ra các sản phẩm truyền thông liên quan đến việc làm cho NKT.

Thông qua những câu chuyện sinh động trên Youtube, dự án mong muốn TNKT trong cộng đồng NKT sẽ được truyền cảm hứng và tự tin hơn khi tham gia thị trường lao động. Để tập huấn cho các học viên cùng khuyết tật như mình, tôi và các bạn cựu sinh trong nhóm cùng email liên lạc với các học viên nhằm tìm hiểu nhu cầu và những khó khăn của họ để dự án có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Với các học viên khuyết tật nặng hoặc ở ngoại thành, chúng tôi có liên lạc để biết thực trạng và những khó khăn của các bạn.

Nhóm Dự án cùng chung quan điểm khi thực hiện dự án là “Chúng tôi trao cho bạn cần câu thay vì trao con cá”: Bạn khó khăn, chúng tôi hỗ trợ bạn, nhưng kiến thức bạn phải tự trau dồi, học tập bình đẳng như mọi người trong xã hội. Như vậy, bạn mới tự tin khi tham gia các hoạt động giao lưu, sự kiện, thị trường lao động như những người khác. - Nguyễn Hồng Giang chia sẻ.

Nguồn: giaoducthoidai.vn

Sưu tầm: Ngọc Song