Mẹ khiếm thị, con trai nấu cơm tặng người khuyết tật để trả ơn

Ngày đăng: 20/07/2021 - 742 lượt đọc

Mỗi ngày Huân cùng anh em, bạn bè dậy từ 4h, tất bật nấu nướng đến 10h mới xong. Cả nhóm mau chóng để những suất ăn đến tay người khuyết tật khi còn nóng hổi.

10 ngày qua, Chu Văn Huân (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) cùng gia đình và nhiều mạnh thường quân khác đã nấu hàng nghìn suất ăn để gửi đến những người nghèo trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, trong số đó có những người khiếm thị, khiếm thính hoặc khiếm khuyết chức năng vận động, hiện không thể mưu sinh trong giai đoạn Chỉ thị 16.

Chàng dancer sinh năm 1989 áy náy vì không thực hiện điều này sớm hơn, bởi lẽ anh hiểu rất rõ tình cảnh sống đầy khốn khó của những người khuyết tật.

"Mẹ tôi là người khiếm thị, nhưng mẹ còn có tôi và gia đình. Có rất nhiều người khuyết tật ngoài kia chỉ sống lẻ loi. Chỉ thị 16 thế này, chẳng ai giúp đỡ cho họ được như trước đây", Huân chia sẻ cùng Zing.

Huân là dancer từng tham gia một số chương trình truyền hình.

Bếp ăn gia đình gửi gắm tình thương đến người khuyết tật

Cứ 4h, Huân cùng các thành viên trong nhóm thức giấc để cùng nhau nấu nướng. Dù thực phẩm đã được sơ chế từ chiều hôm trước nhưng gần chục người vẫn phải hối hả đến 10h mới làm xong.

Mỗi ngày nhóm nấu 300-500 suất ăn, mỗi suất đều đầy đặn cơm, rau, canh và món mặn. Sau khi đóng gói, các thành viên chia nhau đi giao cơm đến khắp quận huyện, chỉ mong sao cơm vẫn còn nóng khi đến với những người khuyết tật.

"Các cô chú đều là thành viên trong hội người khuyết tật của mẹ tôi, địa chỉ nằm rải rác khắp thành phố. Chúng tôi loay hoay đi tặng cơm đến 14h mới xong. Về đến nhà nghỉ ngơi một chút là lại đến giờ sơ chế thực phẩm cho ngày hôm sau", Huân kể.

Một phần ăn được gửi đến người khuyết tật.

Do Chỉ thị 16, việc đi tặng cơm của nhóm gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là tại những khu vực đang phải phong toả, nhóm chỉ có thể đặt cơm ở ngoài chốt gác rồi gọi cô chú ra nhận.

"Tuy nhiên, các cô chú đi lại khó khăn, việc liên lạc cũng không thuận tiện nên chúng tôi đã phải chủ động rất nhiều.

Dù giao cơm đến đâu tôi cũng cố gắng đảm bảo giữ khoảng cách nhất có thể. Vì tôi đi ngoài đường nhiều, tôi ốm không sao, nhưng nếu lây virus cho cô chú thì rất khổ", Huân tâm sự.

Những người khuyết tật nhận phần ăn từ Huân.

Đến hiện tại, kinh phí của hoạt động tặng cơm cho người khuyết tật do gia đình Huân, bạn bè thân quen cùng một số mạnh thường quân đóng góp.

"Thật sự thì rau củ không quá khan hiếm vì tôi được một số người quen hỗ trợ, nhưng thịt, cá thì khó mua quá. Gia đình tôi cố gắng mua được bao nhiêu thì làm hết bấy nhiêu. Ngày ít làm 300 suất, ngày nhiều thì 500 suất, mỗi suất tính ra khoảng 20.000 đồng.

Để có thể duy trì việc nấu cơm lâu hơn nữa, tôi đã và đang kêu gọi thêm sự ủng hộ của những mạnh thường quân khác", Huân nói.

Những bữa ăn chỉ có cơm với mắm của người khuyết tật

Huân cho biết cả tuổi thơ đã chứng kiến nỗi vất vả của mẹ. Mẹ anh không có thị lực, gia cảnh lại khó khăn nên lam lũ nhiều nghề để mưu sinh. Có những ngày bị người ta bắt nạt, mẹ anh chỉ biết lén khóc trong đêm. Huân nằm cạnh đau lòng nhưng chỉ biết giả vờ ngủ.

Giờ đây khi con cái khôn lớn, mẹ Huân đã bớt khó khăn nhưng sinh hoạt vẫn cần đến sự trợ giúp của người nhà. Anh nhìn mẹ và thấu hiểu tình cảnh của những người khuyết tật không có gia đình bên cạnh.

"Trước đây những cô chú trong hội của mẹ tôi có đoàn thể giúp đỡ, họ nương tựa vào nhau, đi lại cũng có nhiều bạn tình nguyện viên hỗ trợ. Nhưng giờ có Chỉ thị 16, họ chỉ thui thủi sống một mình. Tôi biết có những cô chú được hàng xóm tương trợ, nhưng cũng có người chỉ có thể ăn cơm trộn mắm qua ngày. Họ cụt tay, sức khoẻ lại yếu đâu thể tự nấu nướng", Huân kể.

Trong quá trình tặng cơm cho những số phận khó khăn, Huân đã chứng kiến nhiều câu chuyện đau lòng. Đó là một người đàn ông khuyết tật mắc bệnh nặng, chú chỉ xin nhận một phần cơm vì nhà không có tủ lạnh, sợ rằng không ăn hết cơm sẽ hỏng.

“Có gia đình một chú khiếm thị phải nuôi 2 cháu nhỏ. Một nhà khác lại bị di truyền, cả 5 người lớn và 2 trẻ nhỏ đều khuyết tật. Họ như cùng đường rồi", anh nói.

Huân cho biết sẽ gắng sức để hỗ trợ nhiều hơn nữa những người khuyết tật đang chịu cảnh nghèo đói.

"Bản thân tôi cũng lo lắng cho sức khoẻ của chính mình, cũng muốn áp dụng Chỉ thị 16 nhưng nhìn mọi người như thế tôi không thể ngồi yên được. Tôi hy vọng chính quyền địa phương cũng như các mạnh thường quân có thể tìm đến những người khuyết tật. Họ rất cần sự giúp đỡ", anh nói.
 

Nguồn: zingnew.vn

Sưu tầm: Ngọc Song

 


Bình luận

Viết bình luận