Một tay vẫn giành suất dự Olympic, Natalia Partyka khiến làng bóng bàn điên đảo

Ngày đăng: 04/05/2020 - 894 lượt đọc

Natalia Partyka đã trở thành một biểu tượng, người truyền cảm hứng cho cả một thế hệ thể thao Ba Lan với thành công vượt qua nỗi bất hạnh khiếm khuyết cơ thể. Thậm chí, dù chỉ còn một cánh tay lành lặn, nhưng cô vẫn tự tin tranh tài tại nơi vốn không phải sân chơi của người khuyết tật - Olympic London 2012.

Đam mê bóng bàn từ nhỏ

Natalia Partyka sinh ngày 27/7/1989 tại thành phố cảng Gdansk của Ba Lan. Không may mắn như những đứa trẻ khác, cô không có bàn tay và cẳng tay phải. “Tôi có khá nhiều bạn, những người chấp nhận tôi và không bao giờ khiến tôi có cảm giác tôi khác họ. Tất nhiên cũng có không ít người giễu cợt và xa lánh tôi. Nhưng tôi không chấp. Tôi làm việc của mình. Tôi sống bình thường như mọi đứa trẻ khác. Bố mẹ ngay từ nhỏ đã để tôi sống tự lập và làm tất cả mọi thứ, nhờ thế tôi buộc phải học cách tự xoay sở với tất cả mọi việc thường nhật. Bản thân tôi luôn chấp nhận bản thân, không oán trách số phận và làm những gì mình thích”, cô gái vàng của làng bóng bàn Ba Lan chia sẻ.

Niềm đam mê bóng bàn của Partyka bắt đầu từ khi rất nhỏ. Mặc dù bị khuyết tật bẩm sinh nhưng khi chứng kiến chị gái thi đấu, chứng kiến những giọt mồ hôi khi tập luyện và nụ cuời khi giành chiến thắng, bên trong cô bé chỉ có một cánh tay lành lặn đã dấy lên một tình yêu vô bờ với môn thể thao này. Chính vì thế từ năm 7 tuổi, Partyka đã theo chị gái 11 tuổi đi đánh bóng bàn. Mục tiêu của cô bé lúc đó chỉ là làm sao đánh bại được chị của mình. Ban đầu, các huấn luyện viên tỏ ra e ngại nhưng khi thấy cô tập luyện với người chị Sandra, huấn luyện viên đã thấy được tiềm năng của cô gái khuyết tật. 

“Huấn luyện viên của chị gái đã bảo tôi lần sau quay lại cùng tập luyện với chị ấy. Điều này làm tôi hết sức phấn khích. Chúng tôi đã tập luyện ngày đêm với nhau ở nhà, luyện bóng trên bàn ăn và đánh vào tường nhà bếp,” Partyka nói.

Không có đủ 2 tay, các huấn luyện viên đã dạy cô cách cầm giao bóng bằng cách kẹp trái bóng giữa khủy tay và phần da thừa ít ỏi nơi cánh tay. Những ngày đầu tiên, Partyka đã phải rất vất vả mới giữ đuợc bóng thăng bằng trên cánh tay khuyến tật của mình. Cường độ tập luyện của Partyka cũng lớn hơn các vận động viên khác rất nhiều bởi ngoài những kỹ thuật cơ bản, cô còn phải học cách giao bóng bằng cánh tay khuyết tật của mình. Chưa hết, về nhà Partyka cũng phải liên tục tập luyện duới sự giúp đỡ của chị gái. 

Việc mất đi một cách tay không khiến Partyka từ bỏ niềm đam mê bóng bàn

Những nỗ lực không mệt mỏi đã đạt đuợc kết quả. Mới chỉ lên 10, cô đã giành được huy chương bóng bàn quốc tế đầu tiên tại Giải vô địch thế giới khuyết tật. Năm 11 tuổi, khi thi đấu tại Paralympic Mùa hè 2000 ở Sydney, cô đã trở thành Paralympian trẻ nhất thế giới. Năm 2004, cô đã giành được huy chương vàng trong sự kiện đơn và bạc trong sự kiện đồng đội tại Paralympics Athens. Cũng trong năm 2004, cô đã giành được hai huy chương vàng tại Giải vô địch châu Âu. 

“Đó là chiến thắng mang lại niềm vui thật lớn. Nhưng giải Vô địch trẻ châu Âu diễn ra sớm trước một tháng mang lại cho tôi nhiều cảm xúc hơn. Tôi đã giành huy chương vàng nội dung đơn nữ. Bất ngờ lớn đối với mọi người. Không ai tin tôi là ứng viên vô địch, nhưng tôi đã vượt qua nhiều tay vợt xuất sắc và đoạt huy chương vàng. Cả tôi và huấn luyện viên đều không cầm được nước mắt sau trận chung kết”, cô xúc động nói. 

Natalia Partyka nhiều lần dành được huy chương vàng tại các giải đấu lớn

Tôi luôn mơ về các kỳ thi thế vận hội. Mặc dù tôi đã có nhiều thành công trong các cuộc thi Paralympic, nhưng con đường phấn đầu phía trước vẫn còn rất dài. Chẳng có điều gì tuyệt vời hơn việc đứng trên bục cao nhất và được nghe bài hát 'Dabrowskis Mazurka,' quốc ca của Ba Lan. Bài quốc ca của chúng tôi vô cùng ý nghĩa. Đó là lý do tại sao chúng tôi sẵn sàng chiến đấu và hy sinh để được một lần cảm nhận vinh quang”, Partyka cho biết. 

Năm 2008, ngoài việc bảo vệ thành công chiếc huy chương vàng tại Paralympic, Partyka cũng đạt đủ điều kiện để tranh tài tại Olympic Bắc Kinh. Tuy không giành được thành tích cao năm đó, nhưng việc một vận động viên khuyết tật như Partyka tham gia thi đấu với những ngôi sao bóng bàn nổi tiếng trên thế giới thực sự tạo được tiếng vang cho đoàn thể thao Ba Lan và cá nhân Partyka. 

“Với câu chuyện của Natalia, truyền thông và báo chí đã chú ý nhiều hơn với môn bóng bàn nói chung. Nhiều người quan tâm tới môn bóng bàn tại Ba Lan hơn và luôn theo dõi mọi giải đấu mà đội tuyển chúng tôi tham dự. Ai cũng muốn nhìn thấy Partyka thi đấu và cổ vũ cho cô ấy”, Katarzyna Grzybowska, đồng đội của Partyka trong ĐT bóng bàn nữ Ba Lan cho biết. 

Tự tin so tài với những vận động viên lành lặn

Tại đấu trường Olympic London 2012, sau khi xét đến những thuận lợi và khó khăn ở các yếu tố thi đấu, Uỷ ban Olympic đã đồng ý cho Natalia Partyka được thi đấu công bằng như các vận động viên lành lặn khác. Nếu chỉ nghe yếu tố thi đấu của Natalia, đa số sẽ không thấy ngạc nhiên vì cô thi đấu bằng tay trái trong khi cánh tay không còn là tay phải, nhưng khả năng giữ cân bằng cơ thể trong bộ môn bóng bàn là vô cùng quan trọng, cô đã phải tập luyện vô cùng tập trung trong một thời gian dài để có thể giữ được cân bằng trong quá trình di chuyển như một vận động viên bình thường. 

Sau nỗ lực đạt chuẩn Olympic, màn thi đấu ở bộ môn bóng bàn của Natalia Partyka đã làm nhiều người rơi nước mắt khi chứng kiến cô thi đấu kiên cường khi chỉ có tay trái. Natalia Partyka trở thành một hiện tượng đặc biệt được chào đón tại Olympic London 2012. Với việc được góp mặt tại Olympic London 2012 đã khiến nhiều người không giấu được sự ngưỡng mộ với nghị lực phi thường của Natalia Partyka. Khi nữ vận động viên khuyết tật của Ba Lan bước ra, cả nhà thi đấu ExCel đã cuồng nhiệt cổ vũ cho Partyka thi đấu. Hàng ngàn người thậm chí đã đứng dậy vỗ tay, cả khi cô thất bại ngay từ vòng 3 nội dung thi đấu đơn nữ. 

“Tôi còn nhớ lần đầu tiên gặp Natalia là cách đây 4 năm tại giải trẻ thế giới được tổ chức ở Stanford, California. Tôi thực sự ấn tượng và khâm phục cô ấy. Cô ấy không để cho sự thiếu hụt của bản thân ngăn cản nỗ lực của mình. Bạn không tưởng tượng nổi cô ấy thi đấu tốt như thế nào đâu”, Lily Zhang, thành viên đội tuyển bóng bàn Mỹ trả lời phỏng vấn trước báo chí.

Tuy nhiên, Natalia dường như không thích bị người khác nhắc đến việc mình bị khuyết tật. Cô cho rằng, “Việc được quan tâm nhiều quá ban đầu làm tôi không thích, nhưng sau này tôi đã tự chủ động biến nó thành động lực trên chiến trường Olympic khắc nghiệt này. Việc tham gia lần đầu tiên sẽ khiến tôi có cơ sở và kinh nghiệm để tham gia ở các lần tiếp theo. Hình ảnh đi trước của tôi hay các vận động viên khuyết tật khác sẽ trở thành cơ hội và cánh cửa mở ra với các vận động viên có ý chí và muốn vươn lên từ Paralympic, cứ hy vọng, rồi các bạn sẽ thành công”.

Mặc dù dừng bước ở nội dung đơn nữ Olympic, Partyka phát biểu, “Đối với tôi khuyết tật không phải là vấn đề gì nghiêm trọng cả. Tôi vẫn có thể đọ tài sòng phẳng với mọi đối thủ và tập luyện bình thường như các vận động viên Olympic khác. Chúng tôi có cùng mục tiêu và giấc mơ giành chiến thắng. Tôi không thích mọi người cứ mãi hỏi về khuyết tật, vì tôi cảm thấy bình thường”.

Nguồn: baophapluat.vn

Sưu tầm: Ngọc Song