Đề xuất sửa đổi chính sách ưu đãi người có công

Ngày đăng: 24/06/2019 - 720 lượt đọc

(Chinhphu.vn) – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo dự án Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).

Ảnh minh họa

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách đặc biệt thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, sự tôn vinh và tri ân, đãi ngộ của Đảng, Nhà nước đối với những cống hiến của người có công với cách mạng.

Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX thông qua ngày 29/8/1994 là cơ sở pháp lý vững chắc nhằm thể hiện trách nhiệm của Nhà nước và toàn xã hội trong việc quan tâm chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần người có công và gia đình người có công. Từ đó đến nay, Pháp lệnh đã được sửa đổi qua các năm 1998, 2000, 2002, 2005, 2007, 2012 và được đổi tên thành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (Pháp lệnh) để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước qua từng thời kỳ.

Đến thời điểm hiện nay, công tác thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tiếp tục đặt ra các yêu cầu mới, đòi hòi cần tiếp tục hoàn thiện. Thực tiễn thi hành Pháp lệnh đang bộc lộ một số vướng mắc, bất cập như:

Thứ nhất, khái niệm về các diện đối tượng người có công chưa được làm rõ về điều kiện, tiêu chí mức độ cống hiến, đóng góp, hy sinh; chưa quy định cụ thể điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; chưa có một khái niệm chung thế nào là “người có công với cách mạng”.

Do các quy định còn chưa rõ ràng nên thực tiễn thời gian qua, đã có nhiều trường hợp khai man, gian lận, làm giả hồ sơ người có công để “trục lợi” chính sách ưu đãi; những người không đúng đối tượng vẫn được hưởng chính sách, những người đúng đối tượng nhưng lại chưa được giải quyết do thiếu hồ sơ, giấy tờ gây bức xúc trong dư luận xã hội, phát sinh tình trạng đơn thư, khiếu nại, tố cáo. Một số quy định của pháp luật đã tạo “kẽ hở” cho các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi hối lộ, tham nhũng, làm sai, làm giả hồ sơ vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong nhân dân.

Thứ hai, chưa có quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận là người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày: mới chỉ giới hạn trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chưa giải quyết chế độ đối với người bị địch bắt tù sau 30/4/1975 tại chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ... Quy định của Pháp lệnh về điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận liệt sĩ, thương binh, bệnh binh trong thời chiến quá hẹp và ngược lại điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận bệnh binh trong thời bình quá rộng, không còn phù hợp với thực tiễn. Dó đó, dẫn đến tình trạng thiếu công bằng, chưa hợp lý trong việc công nhận và trong việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công.

Thứ ba, một số quy định về chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công chưa bảo đảm cân đối giữa các diện đối tượng, như: 1- Chưa quy định chế độ bảo hiểm y tế đối với thân nhân của người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 còn sống (trong khi đó thân nhân của thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động 61% trở lên đã được hưởng); 2- Chưa quy định trợ cấp một lần đối với thân nhân của Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến, người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, người có công giúp đỡ cách mạng được truy tặng hoặc đã chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi; 3- Quy định thân nhân của liệt sĩ có từ 4 liệt sĩ trở lên cũng chỉ được hưởng tối đa 3 định suất tuất là không phù hợp.

Chính bởi vậy, chính sách của Nhà nước thiếu công bằng dẫn đến thực trạng tình trạng khiếu nại, tố cáo tăng, vi phạm pháp luật do làm hồ sơ giả, làm sai lệch hồ sơ để được hưởng lợi, tham nhũng.

Thứ tư, vấn đề huy động nguồn lực thực hiện công tác chăm sóc người có công (tăng cường nguồn lực đầu tư, đổi mới cơ chế chính sách, huy động nguồn lực xã hội) và phong trào đền ơn đáp nghĩa những năm gần đây có xu hướng giảm; nhà nước chưa có chính sách ưu tiên, khuyến khích đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện huy động nguồn lực, phong trào đền ơn đáp nghĩa chưa thực sự phát triển.

Từ những lý do nêu trên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất xây dựng dự thảo dự án Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) nhằm sửa đổi toàn diện để thay thế Pháp lệnh hiện hành nhằm tháo gỡ các vấn đề còn vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Pháp lệnh, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; xác định cơ chế, chính sách khuyến khích, động viên Người có công với cách mạng và gia đình vươn lên phát triển kinh tế, gìn giữ và phát huy truyền thống cách mạng tại nơi cư trú, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nguồn: Tuệ Văn (VGPNEWS)

Sưu tầm: Bùi Ngọc Song