Người già, người khuyết tật TQ khốn khổ vì không biết mua hàng online

Ngày đăng: 11/03/2020 - 1054 lượt đọc

Dịch Covid-19 dồn người nghèo, người già và người khuyết tật Trung Quốc vào chân tường. Hàng hóa, đồ ăn đều tăng giá, họ không thể ra ngoài nhưng không biết đặt hàng trực tuyến.

Theo New York Times, Lucifer Zhang - một phụ nữ câm điếc sống ở thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) - nhận khoản trợ cấp tháng 140 USD từ chính phủ Trung Quốc. Vũ Hán - tâm chấn của dịch virus corona chủng mới - bị phong tỏa từ cuối tháng 1.

Giờ, cô phải mua khẩu trang và chất khử trùng. Kể từ khi cư dân Vũ Hán không được phép rời khỏi nhà, người phụ nữ 32 tuổi và mẹ không thể nhặt rác ở các khu chợ gần đó.

Nhiều người Vũ Hán mua hàng trực tuyến, giá thực phẩm cũng tăng cao vì dịch. Giá cà chua tăng 3 đến 4 lần so với trước đây. Cô Zhang và mẹ mình đã không được ăn thịt suốt hơn một tháng qua.

“Cuộc sống quá khó khăn. Tôi chỉ muốn nhảy lầu”, cô Zhang tuyệt vọng viết trên Weibo.


Người nghèo, người khuyết tật và người già ảnh hưởng nặng nề vì dịch virus corona. Ảnh: Getty Images.

Người nghèo, người tàn tật hứng chịu nhiều tổn thương

Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến 1,4 tỷ người ở Trung Quốc. Ngay cả những người giàu có và quyền lực cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt lệnh cách ly. Nhưng đối với người nghèo, người tàn tật, người già và trẻ nhỏ, mọi thứ tồi tệ hơn nhiều lần.

Dịch virus corona đã phơi bày khoảng cách giàu nghèo và những lỗ hổng trong xã hội Trung Quốc. Truyền thông địa phương cho biết một thanh niên 16 tuổi mắc bệnh bại não ở tỉnh Hồ Bắc chết vì đói.

Một cậu bé 6 tuổi được tìm thấy trong căn hộ tại Thập Yển (tỉnh Hồ Bắc) bên cạnh thi thể của ông nội. Cậu nói rằng mình không ra ngoài bởi ông nội dặn ra ngoài sẽ nhiễm virus. Một cặp vợ chồng công nhân trẻ bỏ lại đứa con mới sinh tại một bệnh viện ở tỉnh Quảng Đông vì cạn tiền và thất nghiệp.

Tại tỉnh Hà Nam, truyền thông đưa tin một nữ sinh lớp 9 cố tự tử sau khi trường học đóng cửa và em không thể tham gia các lớp học trực tuyến. Cả nhà em chỉ có một chiếc điện thoại.

Trung Quốc là một trong những quốc gia có chênh lệch giàu nghèo cao nhất thế giới. Đất nước tỷ dân có nhiều tỷ phú hơn Mỹ, nhưng khoảng 400 triệu người vẫn sống dưới mức nghèo vào năm 2015, dù trong vài thập kỷ qua hàng trăm triệu người Trung Quốc đã thoát nghèo, theo Ngân hàng Thế giới.


Trung Quốc là quốc gia có chênh lệch giàu nghèo cao. Ảnh: Getty Images.

Bảo hiểm y tế và xóa đói giảm nghèo trở thành ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn tụt hậu so với một số nền kinh tế mới nổi khác về chi tiêu công cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe và trợ cấp xã hội.

Chi tiêu xã hội chỉ chiếm 8% sản lượng kinh tế Trung Quốc trong năm 2016. Tỷ lệ này ở các quốc gia trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) là 22%. Mỹ dành 20% sản lượng kinh tế cho chăm sóc sức khỏe và các chương trình xã hội khác, trong khi tỷ lệ của Trung Quốc chỉ ngang ngửa Mexico và thấp hơn Nam Phi.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã mở rộng các dịch vụ xã hội nhằm giúp đỡ người già và người khuyết tật. Tuy nhiên, tại Vũ Hán, các dịch vụ xã hội ngừng lại sau khi thành phố bị phong tỏa. Nhiều khu phố bị tước quyền chăm sóc y tế, nguồn cung thực phẩm và trợ giúp xã hội.

Không biết mua hàng trực tuyến

Không ít người bị bỏ lại một mình. Theo một số nhóm tình nguyện viên ở Vũ Hán, chính quyền địa phương dồn sức để kiểm soát dịch bệnh nên khó đáp ứng nhu cầu của người già và người khuyết tật.

Nhiều người điếc lớn tuổi gặp khó khăn trong việc đọc và không thể tiếp cận những thông tin quan trọng về dịch bệnh. Sau khi thành phố cấm cư dân ra khỏi nhà, bà Cui, 66 tuổi, lẻn ra ngoài và thấy các cửa hàng, khu chợ đều đóng cửa.

Giống như cô Zhang, cô Ye, một phụ nữ khuyết tật, phải sống bằng khoản trợ cấp của chính phủ. Cô dùng 30 USD trong đó, tương đương 1/5 khoản trợ cấp, để mua thuốc. Chi phí thực phẩm cũng tăng vọt.

Một quả dưa chuột tăng giá lên gần 1 USD, giá thịt lợn tăng gần gấp 3 so với năm ngoái. “Gia đình tôi sống dựa vào khoản tiền ít ỏi. Tôi muốn chuyện này kết thúc càng sớm càng tốt”, cô đau khổ viết.

Trong bối cảnh dịch virus corona bùng phát, các nhân viên công cộng ở Hồ Bắc sử dụng những ứng dụng như WeChat để chia sẻ thông tin và tổ chức buôn bán hàng hóa cho cư dân. Tuy nhiên, nhiều người lớn tuổi không sử dụng thành thạo WeChat, họ không thể dùng điện thoại để mua đồ ăn.


Những người lớn tuổi không biết đặt hàng trực tuyến. Ảnh: Getty Images.

Hu Jin, một tình nguyện viên tại Vũ Hán, kể: “Trong một ca làm việc kéo dài 6 tiếng ở một khu chung cư, khoảng 10 người lớn tuổi đến phàn nàn rằng hàng hóa quá đắt hoặc họ không biết cách đặt hàng online”. Trong vòng một tuần, một nhóm tình nguyện nhận hơn 1.300 yêu cầu trợ giúp từ trẻ em và người già bị cô lập.

Mỗi tháng, cô Zhang và cô Ye nhận được khoản trợ cấp từ chính quyền Vũ Hán. Cả hai đều mô tả rằng khoản tiền này là cứu tinh của họ. Zhang không có bảo hiểm y tế, không được đến trường. Cô tự học đọc và làm toán.

Mục giới thiệu trên Weibo của cô Zhang viết: “Những điều tốt đẹp trong cuộc sống này dường như chẳng hề liên quan đến tôi”. Nhưng trong nhóm chat của khu phố trên WeChat, khi cô Zhang phàn nàn về giá cả hàng hóa, một người khác nói: “Người nghèo nên chuyển về nông thôn. Họ sẽ hạnh phúc ở đó, họ có thể tự trồng rau”.

Cô hiểu rằng những người hàng xóm khác lo sợ người bán sẽ ngừng giao hàng nếu họ còn phàn nàn về giá cả. “Có rất nhiều người nghèo trên thế giới. Nhưng khi người khác hỏi vì sao bạn nghèo, bạn không thể giải thích nổi”, cô nói.

Nguồn: news.zing.vn
Sưu tầm: Ngọc Song