Nhân lên niềm tin cuộc sống

Ngày đăng: 08/09/2019 - 727 lượt đọc

Ngọt ngào sâu lắng, trữ tình với ca khúc “Lời mẹ hát”, cô gái khiếm thị Phan Thị Thương Hoài, ở thôn Minh Sơn, xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An mới đây đã giành huy chương vàng tại Hội thi toàn quốc tiếng hát người khuyết tật lần thứ II, năm 2019 với chủ đề “Những trái tim khát vọng”.

Người ta thường nói: “Giàu 2 con mắt, khó 2 bàn tay”. Thương Hoài không còn đôi mắt, nhưng cô còn đôi bàn tay, khối óc để vượt lên số phận, làm được những điều tưởng như không thể, xây dựng cuộc sống tốt đẹp và chính điều đó đã tiếp thêm niềm tin cho nhiều người cùng cảnh ngộ.


Chị Thương Hoài (bên phải) tham gia sản xuất tăm tre.

Gặp gỡ chị Hoài trong căn nhà nhỏ, được sắp xếp khá ngăn nắp, nhìn dáng người thon thả, khuôn mặt xinh xắn, nụ cười hiền hậu ấy, ít ai nhận ra chị đã trải qua 36 năm không nhìn thấy ánh sáng. Sinh năm 1983 trong gia đình có 4 anh chị em, không được may mắn, từ lúc chào đời chị đã bị mù cả 2 mắt. Dẫu không gian sống của Thương Hoài luôn là màn đêm, nhưng với quyết tâm thay đổi cuộc đời, chị không ỷ lại mà tập làm tất cả mọi việc như người bình thường.
Bà Hồ Thị Tám, mẹ của Hoài chia sẻ: “Trong gia đình, bố mẹ, anh chị em luôn muốn làm mọi việc giúp Hoài, nhưng cháu không cho mà muốn mình tự lập. Có hôm Hoài nói:  “Mẹ cứ làm cho con như vậy sau này bố mẹ già yếu thì ai làm cho con. Mẹ để con tập làm”. Và tất cả mọi việc, Hoài làm bằng cảm giác đôi bàn tay, từ quét nhà, nấu ăn, giặt đồ”.
Trong cuộc sống, chị luôn đặt ra mục tiêu và quyết tâm đạt bằng được. Suốt 10 năm theo học tại Trung tâm Giáo dục dạy nghề trẻ khuyết tật Nghệ An, tham gia lớp đào tạo giáo viên dạy chữ nổi tại Trung tâm Đào tạo cán bộ, phục hồi chức năng Việt Nam và học khóa hòa nhập tại Trường THCS Kỳ Sơn, chị luôn đạt thành tích cao. Cũng từ đây chị Hoài là người đầu tiên của huyện Tân Kỳ đi học và dạy chữ Brai cho những người khiếm thị tại 2 huyện Đô Lương và Tân Kỳ. Chị tâm sự: “Lớp học xóa mù chữ Brai vô cùng đặc biệt, trong đó các học viên có nhiều tuổi, trung tuổi và các em học sinh ở độ tuổi thiếu niên, cho nên bản thân tôi phải tìm ra nhiều phương pháp khác nhau, rồi giảng dạy rất tích cực để hội viên nắm vững kiến thức. Điều tôi hạnh phúc và xúc động nhất là khi được đọc những bài văn, bài thơ của hội viên viết bằng chữ Brai”.
Nhân lên niềm tin cuộc sống

Chị Thương Hoài (thứ tư từ trái sang) nhận bằng khen tại Hội thi toàn quốc tiếng hát người khuyết tật, lần thứ 2.


Năng nổ, nhiệt tình với công tác hội, nên năm 2010, chị Hoài được bầu làm Chủ tịch Hội Người mù huyện Tân Kỳ. Thời điểm đó chị là chủ tịch hội trẻ nhất của tỉnh Nghệ An. Cùng cảnh ngộ nên chị thấu hiểu được những mặc cảm, tự ti với xã hội của các hội viên, bởi vậy, việc đầu tiên chị nghĩ là giúp hội viên biết chữ, học nghề để tìm kiếm việc làm. Chị rà soát số hội viên có nhu cầu học chữ Brai để tổ chức dạy miễn phí. Số hội viên trong độ tuổi lao động chưa có việc làm để đề xuất, phối hợp với các ngành mở các lớp dạy nghề. Thế rồi lần lượt các lớp dạy chữ Brai, dạy nghề làm tăm, chổi đót, mây tre đan, nghề xoa bóp bấm huyết… được mở, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Tại đây, những người khuyết tật được học tập, gặp gỡ, sẻ chia buồn vui, từ đó xóa bỏ dần mặc cảm để tự tin vươn lên trong cuộc sống. Em Lô Văn Tình ở xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ, sau khi tham gia lớp học nghề và trải qua kinh nghiệm từ thực tiễn, năm 2016 em đã mạnh dạn mở cơ sở xoa bóp, tẩm quất cổ truyền. Tình bộc bạch: “Em là người dân tộc Thái, nên rất khó khăn trong giao tiếp, nhưng được sự giúp đỡ nhiệt tình của chị Hoài đã dạy em học chữ Brai và định hướng cho em học nghề tầm quất, bấm huyệt, nên hiện nay em đã mở được cơ sở riêng ở TP Vinh, có công ăn việc làm cho bản thân và tạo việc làm cho 3 bạn cùng cảnh ngộ”.
Chị Hoài trải lòng: “Tôi nghĩ, chỉ sống tốt cuộc đời của mình thôi chưa đủ mà cần làm điều gì đó để tiếp thêm nghị lực sống cho nhiều người cùng cảnh ngộ như tôi”. Với suy nghĩ đó, chị đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với những hội viên có hoàn cảnh khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần, giúp họ nỗ lực vươn lên. Chị đã chỉ đạo duy trì mô hình sản xuất tăm tập trung tại Huyện hội, để vừa tạo việc làm, vừa gây quỹ giúp đỡ hội viên. Bình quân mỗi năm có hơn 100 suất quà được trao tận tay các hội viên. Nhất là với hội viên nữ, chị Hoài đã sáng lập Qũy vì phụ nữ nghèo, giúp chị em khó khăn được vay vốn không lãi suất trong thời gian 2 năm để đầu tư phát triển chăn nuôi và cùng tham gia sinh hoạt các câu lạc bộ, giúp hội viên xóa bỏ tự ti. Em Nguyễn Thị Mến ở xóm 2- Diễn Nam, xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ cho biết: “Khi em bị mù cả 2 mắt em rất đau khổ chắn nản, nhưng được chị Hoài động viên vào tổ chức hội, tại đây em được vay vốn phát triển kinh tế và nhất là em học được nghị lực của chị Hoài, em luôn nghĩ chị ấy làm được thì cớ gì mình không làm được”.
Từ suy nghĩ đến hành động của chị Hoài đã góp phần nâng cao đời sống cho hội viên, đến nay toàn Hội có 302 hội viên, trong đó có 90% số hội viên có cuộc sống ổn định, gần 100 hội viên trẻ đã tìm được việc làm phù hợp, tự nuôi sống bản thân, nhiều hội viên đã mở được cơ sở kinh doanh tại các thành phố lớn.
Trao đổi với chúng tôi về tấm gương của chị Thương Hoài, bà Vũ Thị Thanh Hương, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Tân Kỳ đánh giá: “Trên cương vị chủ tịch Hội người mù huyện, Thương Hoài đã làm rất tốt vai trò nhiệm vụ của mình, xứng đáng là tấm gương sáng cho hội viên học tập. Điều đó được thể hiện bằng đời sống hội viên được nâng lên, hội viên tự tin hòa nhập cộng đồng, hội đã duy trì tốt các hoạt động phong trào theo sự chỉ đạo của các cấp và đạt được thành tích cao”.
Một điều ai cũng dễ dàng nhận ra khi tiếp xúc với Thương Hoài, đó là chị có trái tim rộng mở, trí tuệ tinh thông và tình yêu mãnh liệt với âm nhạc. Nhờ giọng ca trời phú đã giúp chị chinh phục Ban giám khảo Hội thi toàn quốc tiếng hát người khuyết tật lần thứ II, diễn ra tại Hà Nội do Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam phối hợp tổ chức. Tại đây, chị đã giành huy chương vàng, góp phần lớn giúp toàn đoàn Nghệ An đạt giải Nhì toàn quốc. Ông Nguyễn Anh Tời, Phó chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Nghệ An nhận xét: “Với kết quả, thành công trong công việc, nhất là tại Hội thi tiếng hát người khuyết tật lần thứ 2 năm 2019, chúng tôi đánh giá Thương Hoài đã cố gắng nỗ lực với nghị lực cao nhất, xứng đáng là người khuyết tật điển hình, người cán bộ hội tiêu biểu, hạt nhân văn nghệ tiêu biểu”.
Trong cuộc sống có đôi lúc bạn cảm thấy nản lòng trên chặng đường hiện thực ước mơ của mình, thế nhưng đừng vội bỏ cuộc, bởi ở cuộc đời này vẫn có những người sinh ra đã kém may mắn hơn bạn rất nhiều nhưng họ vẫn luôn nhìn đời bằng trái tim đầy lạc quan, yêu đời. Từ tấm gương của Phan Thị Thương Hoài đã đem đến cho chúng ta thông điệp: “Dù là người khuyết tật nhưng nếu bạn dám nghĩ, dám làm, dám ước mơ, có hoài bão thì cuộc đời sẽ luôn mở cánh cửa tương lai tươi sáng để bạn bước tới.

Nguồn: qdnd.vn
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song