Phổ biến pháp luật cho các đối tượng đặc thù đạt nhiều kết quả quan trọng

Ngày đăng: 27/11/2019 - 867 lượt đọc

Với 6 nhóm đối tượng đặc thù được pháp luật quy định, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật dành cho mỗi nhóm được tổ chức khá đa dạng về hình thức, mang lại hiệu quả nhất định trong suốt thời gian qua.

Các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho nhóm đối tượng đặc thù có thể “điểm danh” như tổ chức tư vấn pháp luật cho phạm nhân (Bà Rịa – Vũng Tàu); tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật, thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa, biên soạn, phát hành tài liệu tiếng dân tộc, sổ tay, đĩa CD (Đắk Lắk, Sóc Trăng, TP HCM); lồng ghép qua lễ hội truyền thống, tổ công nhân tự quản khu nhà trọ tại các khu công nghiệp, các trung tâm tư vấn pháp luật, văn phòng, tổ tư vấn pháp luật tại điểm sinh hoạt văn hóa công nhân (Liên đoàn Lao động các cấp).
Một số địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người khuyết tật tại các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội và Hội người mù (Sóc Trăng, Thái Bình). Ở một số địa phương, Sở Tư pháp phối hợp với Công an tỉnh tổ chức PBGDPL cho người đang chấp hành hình phạt tù hoặc bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc học pháp luật và lồng ghép trong chương trình học văn hóa, học nghề, giáo dục tái hòa nhập cộng đồng (Quảng Nam, Đắk Nông, Thừa Thiên – Huế).


PBGDPL cho người dân vùng biên giới tại Long An 

Có nơi chú trọng PBGDPL cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân; người lao động trong các doanh nghiệp qua phát tờ gấp pháp luật; lồng ghép phổ biến pháp luật, tư vấn pháp luật trong hoạt động của Tháng công nhân; nạn nhân bạo lực gia đình; PBGDPL qua tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý lưu động tại các trung tâm, cơ sở bảo trợ và Hội người mù cho người khuyết tật và người vi phạm pháp luật.
Đối với đối tượng bị tạm giữ, tạm giam và phạm nhân, 100% các đối tượng này được phổ biến, học tập nội quy, quy chế giam, giữ, chính sách, pháp luật về giáo dục, cải tạo phạm nhân, đảm bảo thời lượng, nội dung quy định; duy trì phát thanh chương trình thời sự Đài Tiếng nói Việt Nam cho bị can, phạm nhân được tiếp cận với sách, báo, tờ rơi, đề cương tuyên truyền PBGDPL.


Một hội nghị PBGDPL cho phạm nhân ở Tuyên Quang 

Đồng thời, các trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng đã chủ động phối hợp với các tổ chức đoàn cơ sở tổ chức các buổi giao lưu, nói chuyện cho phạm nhân với chủ đề “Sống có ích”, “Thắp sáng ước mơ hoàn lương”; kết hợp với Trung tâm xúc tiến việc làm tư vấn hướng nghiệp, tìm kiếm việc làm và một số ngành, nghề lao động đơn giản cho phạm nhân đang chấp hành án tại trại tạm giam; phát động Cuộc thi vẽ tranh chủ đề “Khát vọng hoàn lương”; phong trào phạm nhân viết thư với chủ đề “Gửi lời xin lỗi” do Bộ Công an tổ chức cho toàn thể phạm nhân tại các phân trại… 
Qua tổng hợp, thống kê cho thấy, Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức được gần 46 nghìn lớp phổ biến thông tin thời sự, chính trị, pháp luật, giáo dục công dân, giáo dục tái hòa nhập cộng đồng cho hơn 2,4 triệu lượt phạm nhân. Tại địa phương, đã tuyên truyền tập trung gần 197 nghìn buổi cho hơn 346 nghìn đối tượng thuộc diện giáo dục tại cộng đồng dân cư và đối tượng chậm tiến có biểu hiện vi phạm pháp luật.
Có thể nói, công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù được các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương quan tâm chỉ đạo triển khai, đạt được những kết quả quan trọng, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của đối tượng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Nguồn: baophapluat.vn
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song