Khó mà chấp nhận

Ngày đăng: 20/12/2019 - 761 lượt đọc

Lao ra giữa ngã tư bất chấp nguy hiểm để bán một vài thứ đồ lặt vặt nhưng chủ yếu là xin tiền người qua đường, người khuyết tật trườn dài dọc đường, cụ già ngồi trên xe lăn được một thanh niên khỏe mạnh đẩy đi khắp chợ, em bé suốt ngày ngủ li bì trên tay người được gọi là “mẹ” đi ăn xin, bán vé số… là những hình ảnh mà rất nhiều người có hơn một lần bắt gặp đâu đó.

Tuy nhiên, khi biết rằng đằng sau những hoàn cảnh đó là những đường dây chăn dắt, sống bằng việc “ký sinh” trên thân thể người khác được phát giác thời gian qua thì những hành vi vô nhân đạo ấy rất cần cộng đồng xã hội lên án.

Liên tiếp trong thời gian qua, không ít vụ việc liên quan đến việc người già, người tàn tật, phụ nữ, trẻ nhỏ… bị những đường dây “chăn dắt” người được nhiều phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội phát giác. Nó không còn là những hiện tượng đơn lẻ mà đã có không ít những đường dây được hình thành.

Từ thông tin mà một số vụ việc vừa được phát giác thời gian gần đây, chỉ làm một phép tính nhẩm mức thu nhập hàng ngày cho thấy những người ăn xin ở một số TP lớn dao động từ 500.000 đến 2 triệu đồng/ngày. Với mức thu nhập như vậy, nhiều kẻ đã coi ăn xin là nghề chứ không phải do hoàn cảnh bất đắc dĩ.

Đây là lý do chính mà nhiều kẻ vô nhân tính đang lợi dụng để kiếm tiền. Một mức thu nhập quá lớn đối với nhiều người, nhưng thật đau lòng là không ít người trong số đó sau những giờ dầm mưa, dãi nắng số tiền mà họ xin được phần lớn lại không thuộc về họ mà nó lại chảy vào túi của kẻ khác.

Điều đáng nói là khung pháp lý để xử lý những hành vi chăn dắt ăn xin mới chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính. Mức hình thức xử phạt quá nhẹ chưa đủ sức răn đe, trong khi số tiền bị phạt và lợi nhuận thu được từ hành vi này có sự chênh lệch quá lớn. Đã đến lúc cần có những quy định xử phạt nặng hơn, cụ thể hơn để ngăn chặn ngay tình trạng này bởi nó không chỉ làm xấu hình ảnh phát triển của đô thị mà còn mang không ít những hệ lụy cho xã hội.

Điều nguy hại hơn đó là những việc làm tàn nhẫn nói trên không chỉ gây tổn thương cho cụ già, người khuyết tật hay trẻ em bị lợi dụng mà nếu để kéo dài, chậm có những biện pháp xử lý quyết liệt còn góp phần tạo ra sự vô cảm trong xã hội. Vì không một người tốt nào lại muốn bị cho rằng mình có “lỗi” trong việc tạo ra mảnh đất màu mỡ để những dịch vụ chăn dắt ăn mày, ăn xin phát triển từ chính lòng trắc ẩn và việc thiện không đúng chỗ của mình. Hay đứng trước “việc thật, người thật” lại nghi ngờ, hoài nghi có phải là đang đóng kịch, dàn cảnh hay không?

Nguồn: Kinh tế & Đô thị
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song