Thêm những bàn tay cộng đồng chung tay với người khuyết tật tỉnh Đồng Nai

Ngày đăng: 28/11/2019 - 763 lượt đọc

Sáng 27/11, tại Văn miếu Trấn Biên (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đã tổ chức long trọng hội nghị triển khai dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” do Hội trợ giúp người khuyết tật Việt Nam (VNAH), UBND tỉnh và Sở Y tế triển khai thực hiện tại Đồng Nai.

Lễ ký kế hoạch thực hiện dự án DIRECT giữa đại diện Sở Y tế với tổ chức VNAH.

Chặng đường dài song hành
Dự án “Thực thi Chính sách và Trị liệu cho Người khuyết tật”, viết tắt là DIRECT – do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, được VNAH (tổ chức phát triển (NGO) Hoa Kỳ hoạt động tại Việt Nam gần 30 năm qua) và các đối tác trong nước triển khai từ 11/2015 đến 10/2023 tại các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, và ở cấp quốc gia thông qua Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế.
Nhìn lại chặng đường vừa qua, đến nay, đã có hơn 4.300 người khuyết tật (NKT) tại hai tỉnh trên được trợ giúp điều trị phục hồi chức năng (PHCN), dụng cụ hỗ trợ, thẻ bảo hiểm y tế, xây nhà vệ sinh, v.v… Dự án cũng đã đạo tạo mới cho 56 bác sĩ PHCN, 87 kỹ thuật viên PHCN và 242 chuyên trách PHCN tuyến xã; và hỗ trợ thành lập, cung cấp trang thiết bị cho 20 khoa/đơn vị PHCN mới tại hai tỉnh Tây Ninh và Bình Phước. Ngoài ra dự án đã hỗ trợ các đối tác cấp Bộ xây dựng và triển khai các chính sách liên quan đến người khuyết tật như kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước LHQ về Quyền của người khuyết tật, bảo hiểm y tế chi trả cho phục hồi chức năng, danh mục kỹ thuật phục hồi chức năng, v.v…
Từ tháng 10/2019 dự án DIRECT được mở rộng đến toàn tỉnh Đồng Nai với hai mục tiêu chính, gồm: Tăng cường nguồn lực cho các chương trình và dịch vụ hỗ trợ người khuyết tật và Tăng cường chất lượng và khả năng tiếp cận dịch vụ phục hồi chức năng.
Đồng thời, UBND tỉnh Đồng Nai cũng quyết định phê duyệt việc tiếp nhận khoản viện trợ cho dự án trên hơn 35 tỷ đồng do USAID tài trợ và hơn 685 triệu đồng nguồn vốn đối ứng. Trong đó, đơn vị tiếp nhận là Sở Y tế tỉnh Đồng Nai. Dự án kéo dài đến 30/9/2023.
Với những kế hoạch dài hơi, các bên tham gia dự án hi vọng trong giai đoạn 2019-2023, dự án sẽ đạt được kết quả mong đợi của dự án tại Đồng Nai. CỤ thể, từ 2.500-3.000 người khuyết tật được hỗ trợ điều trị phục hồi chức năng, chăm sóc tại nhà, dụng cụ trợ giúp, thẻ bảo hiểm y tế, xây/sửa nhà vệ sinh,v.v… Đào tạo, nâng cao tay nghề cho khoảng 1.000 bác sĩ, kĩ thuật viên phục hồi chức năng và cán bộ y tế, và người chăm sóc.
Bên cạnh đó, dự án sẽ hỗ trợ trang thiết bị, hỗ trợ kỹ thuật, đạo tạo nhân lực cho 11 khoa/đơn vị phục hồi chức năng, ưu tiên các Trung tâm Y tế khu vực và huyện. Đồng thời tham gia xây dựng và thực thi các chính sách, kế hoạch cấp tỉnh về phục hồi chức năng và bảo hiểm y tế cho dịch vụ phục hồi chức năng và các chính sách khác liên quan đến người khuyết tật.

Mục tiêu dài hạn
Trao đổi với PV Báo PLVN, ông Christopher Abrams, Giám đốc Phòng Môi trường và Phát triển xã hội, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (người có 4 năm kinh nghiệm thực hiện dự án tại Bình Phước và Tây Ninh) cho biết, dự án của USAID của Chính phủ Hoa Kỳ hiện đang được thực hiện tại 7 tỉnh trên lãnh thổ Việt Nam. Vị đại diện USAID nói: “Mục đích của chúng tôi là làm sao xây dựng được một mô hình chăm sóc hỗ trợ cho người khuyết tật một cách toàn diện hơn. Chúng ta đều biết, người khuyết tật cần rất nhiều sự hỗ trợ từ cộng đồng, những người xung quanh, từ y tế, giáo dục, xã hội, việc làm, thu  nhập… đến xây dựng năng lực cho bản thân, tiếp cận nhu cầu giao thông đi lại, tiếp cận các dịch vụ của cộng đồng…. Làm sao để người khuyết tật hòa nhập được với cộng đồng, xã hội”.
Mong muốn của dự án làm làm sao liên kết được với các cơ quan, ban ngành. Theo ông Christopher Abrams, Giám đốc Phòng Môi trường và Phát triển xã hội, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ dự án sẽ có 3 mục tiêu khi thực hiện tại Đồng Nai để tiếp cận, hỗ trợ người khuyết tật.
Mục tiêu thứ nhất: làm sao đưa các dịch vụ xã hội, cộng đồng tiếp cận trực tiếp với người khuyết tật, đến tại nhà, tại các trung tâm y tế, bệnh viện. Có thể bắt đầu từ những việc làm đơn giản như sửa chữa nhà vệ sinh để người khuyết tật tự sử dụng...
Mục tiêu thứ hai, bên cạnh hỗ trợ trực tiếp người khuyết tật, làm sao nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức xã hội cung cấp dịch vụ tốt hơn trong tương lai. Cụ thể, chúng tôi sẽ làm việc với các trường đại học, dạy nghề để đào tạo đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên để đội ngũ này có tay nghề, có bằng cấp, có năng lực để cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khám chữa bệnh cho người khuyết tật. Ngoài việc đào tạo, dự án cũng sẽ hỗ trợ cung cấp trang thiết bị  y tế, phục hồi chức năng hỗ trợ người khuyết tật.
Mục tiêu thức ba, thông qua dự án này, Chính phủ Hoa Kỳ cũng sẽ có những buổi làm việc, góp ý với các bộ Y tế, LĐ TB&XH Việt Nam để cùng nhau cải thiện một số quy định pháp luật liên quan như bảo hiểm y tế chi trả cho người khuyết tật, các dịch vụ y tế hỗ trợ… làm sao để hỗ trợ người khuyết tật tốt hơn.


Bà Nguyễn Hòa Hiệp, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai tặng hoa cho ông Christopher Abrams, Giám đốc Phòng Môi trường và Phát triển xã hội, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ.

Chung tay từ cộng đồng
Theo một báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, hiện nay số người khuyết tật trên địa bàn tỉnh hơn 150.000 người, chiếm 5% dân số của tỉnh, trong đó có hơn 12.000 người khuyết tật nặng.
Một điều thấy được là nhu cầu cho người khuyết tật tại Đồng Nai rất lớn, cho nên ngoài mục tiêu đưa các dịch vụ hỗ trợ đến trực tiếp cho từng người khuyết tật, dự án sẽ ưu tiên cho hàng ngàn người khuyết tật nặng và trẻ em. Đồng thời dự án sẽ hợp tác và nâng cao năng lực cho các cơ quan, các tổ chức xã hội, các hệ thống cung cấp dịch vụ, như các hội chất độc màu da cam, bệnh viện, trạm y tế... Nếu xây dựng tốt hệ thống cung cấp, Thông qua hệ thống này, các dịch vụ hỗ trợ người khuyết tật sẽ đến được với nhiều người dân hơn.
Cũng trong khuôn khổ các chương trình hỗ trợ người khuyết tật tại Việt nam, USAID đã tài trợ cho VietHealth - một tổ chức phi chính phủ địa phương - triển khai Dự án Tăng cường năng lực mạng lưới dịch vụ và trị liệu cho trẻ em khuyết tật tại 3 tỉnh Việt Nam bao gồm Tây Ninh, Đồng Nai và Bình Phước. Ngày 11/5/2019, USAID và VietHealth phối hợp với các cơ quan chính quyền tỉnh để khởi động dự án tại Đồng Nai. Dự án tập trung vào cải thiện năng lực phát hiện khuyết tật và thiết kế các can thiệp hỗ trợ trẻ bị khuyết tật vận động và/hoặc khuyết tật phát triển dưới 6 tuổi. Ngoài ra, dự án cũng tập huấn về phục hồi chức năng và giáo dục đặc biệt cho các nhân viên y tế cấp tỉnh, huyện và xã, giáo viên mầm non và người thân của trẻ khuyết tật.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai bác sĩ Lê Quang Trung đã chân thành cảm ơn Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), UBND tỉnh. Ông cho biết, một trong những mục tiêu chính của USAID tại Việt Nam là tạo ra những mô hình hòa nhập người khuyết tật bền vững thông qua sàng lọc và phát hiện sớm các khuyết tật. Việc triển khai dự án ở Đồng Nai - tỉnh thứ ba sau Tây Ninh và Bình Phước - sẽ hỗ trợ trực tiếp cho gần 900 trẻ và củng cố hệ thống chăm sóc y tế cấp tỉnh dành cho nhóm người dễ bị tổn thương. Hàng ngàn người khuyết tật được phục hồi chức năng, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Những hoạt động chính của dự án DIRECT tại tỉnh Đồng Nai
Hỗ trợ trực tiếp, bao gồm điều trị phục hồi chức năng, cung cấp dụng cụ trợ giúp việc xây/sửa nhà vệ sinh cho người khuyết tật, ưu tiên người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng, trẻ em khuyết tật phát triển và nạn nhân chất độc da cam/dioxin .
Hỗ trợ xây dựng và tăng cường thực thi các chính sách về phục hồi chức năng, và bảo hiểm y tế chi trả cho phục hồi chức năng.
Nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng đa ngành (vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu và âm ngữ trị liệu) tại các cơ sở y tế, ưu tiên các Trung tâm y tế công lập tại tuyến huyện.
Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ hành nghề phục hồi chức năng, người chăm sóc người khuyết tật để họ có thể cung cấp các dịch vụ, hỗ trợ có chất lượng cho người khuyết tật.

Nguồn: phapluatplus.vn
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song