Bắt đầu từ hôm nay (1/7), học sinh tiểu học không phải đóng học phí

Ngày đăng: 03/07/2020 - 826 lượt đọc

Luật Giáo dục năm 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Theo đó, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí; học sinh trường tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền học phí.

Sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt

Luật Giáo dục năm 2019 (gồm 9 chương, 115 điều), thay thế Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009. So với quy định Luật Giáo dục hiện hành, Luật Giáo dục có nhiều điểm mới quan trọng.

Theo đó, về quy định chính sách về học phí đối với học sinh diện phổ cập, theo quy định của Hiến pháp 2013 thì Nhà nước “bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí” và theo Nghị quyết số 29-NQ/TW thì Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục bắt buộc 9 năm sau năm 2020.

Luật Giáo dục quy định giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc; Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 05 tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện giáo dục bắt buộc trong cả nước; quyết định kế hoạch, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục.

Mọi công dân trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc (Điều 14). Học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí; ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Trẻ em mầm non 5 tuổi ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được miễn học phí và giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện đối với trẻ em mầm non 05 tuổi và học sinh trung học cơ sở (Điều 99).

Về quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm

Luật Giáo dục quy định học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học. Người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí nhà nước đã hỗ trợ.

Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo. Học sinh, sinh viên sư phạm được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí. Quy định này nhằm khắc phục những hạn chế của chính sách không phải đóng học phí của học sinh, sinh viên sư phạm quy định tại Luật Giáo dục hiện hành (Điều 85).

Nâng chuẩn trình độ của giáo viên

Luật Giáo dục quy định chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm, giáo viên tiểu học từ trung cấp sư phạm lên cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên, giáo viên THCS từ cao đẳng sư phạm lên cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Nhà giáo giảng dạy trình độ đại học từ đại học lên thạc sĩ. Để bảo đảm tính khả thi, không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến công tác tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục, bảo đảm chất lượng đào tạo và yêu cầu nghề nghiệp, Luật Giáo dục đã giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở (Điều 72).

Bổ sung loại trường tư thục không vì lợi nhuận

Ngoài ra, Luật Giáo dục đã bổ sung loại trường tư thục không vì lợi nhuận và việc chuyển đổi loại hình trường trường tư thục sang trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; quy định cụ thể vị trí, chức năng, thành phần hội đồng trường

Luật Giáo dục bổ sung quy định trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là trường mà nhà đầu tư cam kết và thực hiện cam kết hoạt động không vì lợi nhuận, được ghi trong quyết định thành lập hoặc quyết định chuyển đổi loại hình trường; hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn, không hưởng lợi tức; phần lợi nhuận tích lũy hằng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển nhà trường.

Đồng thời, bổ sung nguyên tắc chuyển đổi loại hình nhà trường từ trường tư thục sang trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận và giao Chính phủ quy định cụ thể.

Về hội đồng trường, Luật Giáo dục quy định áp dụng đối với trường công lập, trường dân lập, trường tư thục và quy định vị trí, chức năng, thành phần cụ thể của hội đồng trường của từng loại hình đối với giáo dục mầm non, phổ thông; hội đồng trường của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học thực hiện theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục đại học (Điều 55).

Bên cạnh đó, Luật Giáo dục cũng đã quy định rõ về  tính liên thông, phân luồng, hướng nghiệp trong giáo dục; Luật hóa chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 88/2014/QH13. 

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình giáo dục phổ thông; ban hành chương trình  giáo dục phổ thông sau khi hội đồng quốc gia thẩm định...

Luật Giáo dục quy định Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước (khoản 1 Điều 96).

Ngoài ra, Luật Giáo dục đã sửa đổi quy định quản lý chặt chẽ nguồn thu, chi tài chính, quản lý tài sản theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Quản lý sử dụng tài sản công đối với các cơ sở giáo dục công lập; nhấn mạnh trách nhiệm giải trình, thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán, thuế và công khai tài chính theo quy định của pháp luật (Điều 95, Điều 101…).

Nguồn: baoquocte.vn

Sưu tầm: Ngọc Song