Cứu con mắt bị bật ra ngoài của bé 9 tuổi

Ngày đăng: 01/09/2020 - 805 lượt đọc

Cậu bé đi xe đạp bị va ngã, ghi đông xe đạp chọc vào mắt trái gây lồi hẳn nhãn cầu ra ngoài, tình huống vô cùng hy hữu.

Trưa 31/8, bác sĩ Trần Châu Thái, khoa Mắt, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM, cho biết tiếp nhận bé được bệnh viện từ Cà Mau chuyển đến khuya 25/8. Tình trạng chấn thương của bé rất nghiêm trọng, có nguy cơ ảnh hưởng não, khó giữ được mắt.

Khi đến Bệnh viện Nhi đồng 1, sinh hiệu bé ổn định, nhãn cầu bị thương đã được bệnh viện địa phương băng gạc ẩm vô trùng để bảo vệ. Bệnh nhi bị tổn thương nhẹ xương hốc mắt và màng cứng não, lồi mắt trái ra ngoài, giác mạc khô và đục, xuất huyết kết mạc, vỡ sàn sọ.

Theo bác sĩ Thái, trong cuộc đời 33 năm làm bác sĩ nhãn khoa, lần đầu tiên ông gặp tình huống này. Các tai nạn về mắt tương tự, máu tụ phía sau làm lồi nhãn cầu, chỉ cần lấy máu tụ ra là đưa nhãn cầu vào lại được hốc mắt. Còn trường hợp này, mắt trái bệnh nhi không có máu tụ, không thể áp dụng cách mổ thông thường.

Nhãn cầu trái của bé được các bác sĩ đưa vào lại hốc mắt an toàn. Ảnh Bệnh viện cung cấp.

 

Cấu tạo mắt là con mắt nằm trong hốc, được bảo vệ bởi hai mí. Xung quanh mí có hai sợi dây chằng để giữ mắt di chuyển trong hốc linh động mà không bị rơi ra ngoài. Bé bị tai nạn, nhãn cầu bị đẩy ra ngoài bất ngờ, dây chằng mí phản tác dụng, co siết thành chiếc vòng, giữ không cho nhãn cầu tụt lại gây nên tình trạng lồi ra ngoài. Nếu dùng lực đẩy nhãn cầu vào, nó có thể vỡ ngay. Nguy hiểm hơn, do bé bị chấn thương sọ não, bác sĩ lo sợ nhu mô não có thể thoát ra ngoài theo vết vỡ sàn sọ, có thể gây tử vong.

"Ai cũng nghĩ bé phải bỏ con mắt, không hồi phục được vì hơn một ngày sau tai nạn mới được mổ. Thời gian chèn ép quá lâu làm hoại tử dây thần kinh thị giác, phản xạ ánh sáng của mắt lúc đó cũng rất kém", bác sĩ Thái nói.

Bác sĩ Thái chia sẻ, cậu bé còn quá nhỏ, rất lanh lẹ, thông minh, nếu mất đi một con mắt, ông không đành lòng. Ông đã thức trắng một đêm, lục tìm y văn trên thế giới để tìm "bài giải" cho bệnh nhi và hội chẩn cùng toàn viện, đưa ra phương án phẫu thuật khả thi nhất.

Bác sĩ cùng đồng nghiệp tiến hành ca mổ, cắt một phần dây chằng ở mí ngoài, tạo khoảng trống đủ để nhãn cầu lọt vào hốc mắt. Đồng thời, họ dùng bốn sợi chỉ khâu vào mi mắt trên, kéo lên từ từ, để nhãn cầu tự di chuyển vào vị trí vốn có. Kết thúc cuộc mổ, bác sĩ khâu phục hồi các đoạn dây chằng đã rạch.

May mắn, 30 phút phẫu thuật căng thẳng, khiến bác sĩ không dám thở mạnh, cuối cùng đã thành công. Bác sĩ Thái nói rằng "phép màu" đã giúp cứu được mắt cho bệnh nhi. Sau phẫu thuật, tình trạng bé ổn định, nhãn cầu mắt trái về trong hốc mắt. Thị giác mắt trái hiện đạt 6/10. Bác sĩ tiên lượng thị lực bé sẽ hồi phục hoàn toàn sau hai tuần tới.

Hiện bệnh nhi vẫn nằm viện để theo dõi tình trạng chấn thương sọ não.

Bác sĩ Thái khám cho bệnh nhi ngày 31/8. Ảnh Thư Anh.

 

Bệnh nhi cho biết em đã bớt sợ hãi hơn nhiều khi bắt đầu nhìn lại được bằng mắt trái.

"Sắp khai giảng, con muốn đi học, nhưng bác sĩ dặn phải để mắt nghỉ ngơi thêm mới lành được. Con rất cảm ơn các bác sĩ đã giữ được con mắt cho con", bé nói.

Qua trường hợp này, bác sĩ Thái khuyên phụ huynh hãy luôn chú ý hướng dẫn trẻ chơi an toàn, nhất là khi sử dụng các phương tiện giao thông như xe đạp hay ngồi xe máy. Cha mẹ nên hướng dẫn trẻ biết bảo vệ cơ thể khi gặp sự cố, nhất là vùng đầu mặt.

"Nếu chẳng may gặp tai nạn như trường hợp này, phụ huynh hãy bình tĩnh, không nên cố gắng đẩy nhãn cầu vào lại, tốt nhất dùng gạc ẩm vô trùng bảo vệ vùng mắt tổn thương và đưa bé đến ngay cơ sở y tế gần nhất", bác sĩ Thái hướng dẫn.

Nguồn: vnexpress.net

Sưu tầm: Tạ Bình