Sống sao cho có ý nghĩa

Ngày đăng: 15/06/2021 - 742 lượt đọc

Đó là lời chia sẻ của chị Dương Thị Hòa Huệ (40 tuổi, ở tổ 2, phường Quang Vinh), Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật T.P Thái Nguyên. Là người khuyết tật nhưng chị luôn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội và đã 5 lần tham gia hiến máu tình nguyện; được Chủ tịch UBND tỉnh tặng nhiều Bằng khen về thành tích thi đấu thể thao. Nhưng không mấy ai biết phía sau ánh hào quang, chị từng ngày, từng giờ vật lộn với nỗi đau bệnh tật.

Chị Dương Thị Hòa Huệ (ngoài cùng bên trái) cùng các huấn luyện viên, vận động viết khuyết tật Thái Nguyên bên lề sân thi đấu.

Do bị dị tật bẩm sinh hai bàn chân khoèo, việc đi lại rất khó khăn, nhiều khi chân đau nhức phải di chuyển bằng xe lăn. Nhưng khi thấy trên mạng xã hội có dòng tin: “Câu lạc bộ Đất Thép Thái Nguyên đang cần 1 xe lăn cho người khuyết tật hệ vận động”. Chị nhắn ngay: Tôi có. Kèm theo đó là dòng địa chỉ của mình. Chỉ mấy ngay sau, thông qua Câu lạc bộ Đất Thép, xe lăn của chị được trao cho một người khuyết tật khác. Nhiều người thắc mắc, chị bảo: Tôi còn nhúc nhắc đi lại được, nên xe lăn cần cho người đau yếu hơn mình.

Vì bố mẹ nghèo, không có tiền chữa bệnh cho con, chị không oán trách, kiên trì cắp sách theo chúng bạn đến trường. Học hết lớp 12, bố mất vì chất độc da cam hành hạ, kinh tế gia đình càng khó khăn hơn. Chị chấp nhận không học tiếp lên đại học, ở nhà phụ giúp mẹ công việc lặt vặt. Thỉnh thoảng nhàn rỗi, chị mang vợt cầu lông ra chơi cùng đám trẻ con trong tổ dân phố. Cứ tập tễnh đi lại trên sân cầu, quả được, quả mất, bọn trẻ rất thích thú khi tập cầu cùng chị.

Năm 2000, chị may mắn được một tổ chức quốc tế tài trợ nắn chỉnh lại bàn chân. Song số phận không mỉm cười với chị, sau phẫu thuật, đôi chân của chị trở lên đau nhức, đi lại khó khăn hơn. 15 năm sau, chị tiếp tục được tổ chức này tài trợ một phần cho can thiệp bàn chân. Chị kể: Họ cẩn thận hơn với đôi chân của tôi. Sau chụp phim, hội chẩn, họ đưa ra hai phương án: Cắt cụt chân hoặc mổ nạo sụn khớp, hàn chặt cổ bàn chân. Để có tiền thuốc men, mẹ đi vay mượn, cho tôi mổ thử chân phải. Tiếc là bệnh không tiến triển, thậm chí càng đau buốt nặng hơn.

Chị buồn thiu: Trước đây chưa can thiệp dao kéo, tôi là cô bé què, sống vô tư vì không bị đau. Còn bây giờ nhắc đến là thấy đau nhức, rất khó chịu… Có lẽ đây là lý do để chị tích cực tập luyện thể thao, rèn luyện sức khỏe và để quên đi từng cơn đau hành hạ. Cũng vì thế chị Nguyễn Tú Anh, vận động viên khuyết tật của tỉnh phát hiện chị có năng khiếu chơi thể thao. Là bạn đồng cảnh, nên khi chị Tú Anh vận động, đưa chị đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thử sức, chị lưỡng lự giât lát rồi gật đầu nhất trí. Chỉ phấn chấn: Ngay từ lần cầm vợt phát trái cầu đầu tiên, tôi được các đồng chí lãnh đạo Sở tấm tắc, ghi nhận, triệu tập tham gia tập luyện. Tôi trở thành vận động viên cấp tỉnh, tham gia thi đấu Giải Vô địch Thể thao người khuyết tật toàn quốc ở 2 môn: Cầu lông và Quần vợt xe lăn.

Một bất ngờ là ngay lần dự giải đầu tiên (năm 2017), chị đã tỏa sáng bằng việc giành được 1 Huy chương Đồng ở nội dung đơn nữ, 1 Huy chương Đồng ở nội dung đôi nam - nữ; năm 2018, chị giành được 1 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng ở nội dung đôi nữ; năm 2019, Giải tổ chức tại Thái Nguyên, chị bị thua ngay trên sân nhà vì đôi chân đau nhức, di chuyển khó khăn. Cuối năm 2020, tham dự Giải Quần vợt xe lăn toàn quốc, chị giành 1 Huy chương Vàng ở nội dung đơn nữ và 1 Huy chương Vàng ở nội dung đôi nữ. Tháng 4-2021, chị giành 1 Huy chương Vàng quần vợt xe lăn ở nội dung đơn nữ. Chị chia sẻ: Tham gia Đội tuyển thể thao của tỉnh, tôi thi đấu hết mình vì màu cờ, sắc áo. Rồi qua mùa giải hằng năm, tôi được đến T.P Hồ Chí Minh, T.P Đà Nẵng… và được giao lưu với những người đồng cảnh đầy ắp nghị lực sống.

Chợt từ ngoài ngõ có tiếng trẻ ríu ran: Tôi nhìn ra thấy bé Dương Tuệ Minh, 8 tuổi, ùa về xà ngay vào lòng mẹ, khoe: Kết quả học tập năm học 2020-2021, con đạt thành tích “Hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện”. Chị ôm con vào lòng, mắt ướt nhoèn vì xúc động. Giây lát chị tiếp tục câu chuyện: Nhà có bà ngoại 68 tuổi và mẹ con tôi. Nguồn thu nhập nuôi sống cả nhà đều trông vào hơn 900.000 đồng tiền trợ cấp nạn nhân chất độc da cam và 3 sào đất ruộng cấy rau muống. Nhưng với riêng tôi, như thế là đủ hạnh phúc rồi.

Nguồng: baothainguyen.vn

Sưu tầm: Ngọc Song