Tạo nền tảng vững vàng để phát triển thể thao người khuyết tật

Ngày đăng: 12/06/2019 - 852 lượt đọc

Hiệp hội Pa-ra-lim-pích Việt Nam vừa tổ chức thành công Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 5 (nhiệm kỳ 2019-2023). Ðây cũng là dịp để những người có trách nhiệm của ngành thể thao nhìn lại những việc đã làm được và cả các thách thức, khó khăn phía trước trong xây dựng và phát triển thể thao người khuyết tật Việt Nam.

VÐV Lê Văn Công, "niềm hy vọng" Huy chương vàng của thể thao người khuyết tật tại ASEAN Para Games 2019.

Có thể nói, trong những năm qua, Hiệp hội Pa-ra-lim-pích Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển phong trào tập luyện thể dục - thể thao (TDTT) của người khuyết tật, giúp họ vượt qua các khó khăn trong cuộc sống đời thường, sống vui, sống có ích với tinh thần lạc quan và vươn lên hòa nhập cộng đồng. Từ chỗ chỉ có hơn 20 tỉnh, thành phố, đến nay đã có hơn 40 tỉnh, thành phố xây dựng được phong trào tập luyện, thi đấu thể thao người khuyết tật. Hiện tại, số người khuyết tật tập luyện TDTT thường xuyên trên toàn quốc tính bình quân hằng năm là hơn sáu nghìn người. Nhiều giải đấu đã được tổ chức từ cấp trung ương đến các cấp cơ sở, thu hút đông các loại hình tổ chức, câu lạc bộ tham gia với hơn 1.200 vận động viên (VÐV), huấn luyện viên (HLV) dự thi đấu hằng năm. Thể thao người khuyết tật đỉnh cao cũng từng bước nâng cao về chất lượng, theo hướng chuyên nghiệp hóa. Trên nền tảng phát triển đó, thể thao người khuyết tật Việt Nam đã từng bước khẳng định được vị trí trên các đấu trường khu vực, châu lục và thế giới, luôn nằm trong tốp ba và bốn của Ðông - Nam Á, tốp 10 đến cận tốp 10 của châu Á. Nổi bật trong 5 năm vừa qua là thành tích giành một Huy chương vàng (HCV), một Huy chương bạc (HCB) và hai Huy chương đồng (HCÐ) tại Pa-ra-lim-pích 2016. Gần đây nhất là thành tích xếp thứ 12 trên bảng xếp hạng thành tích huy chương trong 45 đoàn của các nước và vùng lãnh thổ dự Ðại hội thể thao người khuyết tật châu Á 2018 (Asian Para Games 2018). Ðoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam chỉ có 56 VÐV dự tranh tài ở 7/18 môn thi đấu, nhưng đã mang về tám HCV, tám HCB và 24 HCÐ, trong đó có hai HCV của các VÐV cử tạ…

Sự thành công của thể thao người khuyết tật Việt Nam có phần từ những nỗ lực của Hiệp hội Pa-ra-lim-pích Việt Nam và sự quan tâm đầu tư của ngành thể thao nước nhà cũng như của các địa phương, tạo điều kiện để phát triển phong trào thể thao người khuyết tật. Tính đến nay Hiệp hội Pa-ra-lim-pích Việt Nam đã có 35 đơn vị hội viên, bao gồm các ban thể thao người khuyết tật và các câu lạc bộ thể thao người khuyết tật các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Trong giai đoạn tới, từ năm 2019 đến 2023, Hiệp hội Pa-ra-lim-pích Việt Nam đã đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm và cụ thể để tiếp tục phát huy thành tựu đã có, thúc đẩy hơn nữa phong trào tập luyện TDTT cho người khuyết tật, cố gắng mở rộng phong trào để thu hút thường xuyên hơn tám nghìn người tham gia tại các CLB thể thao cơ sở và trong trường học; hoàn thiện hệ thống thi đấu giải trẻ, giải vô địch hằng năm theo quy chuẩn tương ứng với các giải quốc tế. Hiệp hội cũng sẽ vận động, thu hút nhiều môn thể thao khác để đưa vào các giải thi đấu thể thao người khuyết tật quốc gia như: giu-đô, bóng đá, tê-cuôn-đô, bóng rổ và bắn cung; phấn đấu tổ chức mỗi năm một giải vô địch có từ 40 tỉnh, thành phố, ngành với khoảng 1.400 VÐV trở lên tham gia. Hiệp hội cũng sẽ phối hợp Tổng cục Thể dục - Thể thao tổ chức cho các VÐV tham gia thi đấu lấy điểm các môn thể thao ở các giải quốc tế, tập trung cao cho các môn: điền kinh, bơi, cử tạ, cờ vua, cầu lông và bóng bàn; xây dựng đề án tổ chức các môn thi thể thao tại ASEAN Para Games 2021 do Việt Nam đăng cai tổ chức. Trước mắt chuẩn bị tốt cho ASEAN Para Games 2019 sắp diễn ra tại Phi-li-pin, bởi đây cũng là giai đoạn bản lề hướng tới Pa-ra-lim-pích 2020 tại Nhật Bản và ASEAN Para Games 2021.

Để triển khai thực hiện những công việc nêu trên đã và đang có không ít khó khăn, thách thức phía trước, đòi hỏi cần có sự phối hợp, giúp đỡ hiệu quả của Hiệp hội Pa-ra-lim-pích Việt Nam với Tổng cục Thể dục - Thể thao, các hiệp hội, liên đoàn, các bộ, ban, ngành, địa phương, các tổ chức trong nước và quốc tế. Bên cạnh việc cần có chính sách phát triển thể thao người khuyết tật và huy động nguồn tài trợ có chiều sâu, lâu dài, nhất là những nguồn đầu tư trực tiếp về dinh dưỡng và sinh hoạt phí cho các VÐV, chúng ta cần có chính sách phát triển và sự đầu tư mạnh mẽ cho thể thao người khuyết tật từ địa phương với các nguồn tài trợ có chiều sâu, lâu dài, đặc biệt là những nguồn đầu tư trực tiếp về dinh dưỡng và sinh hoạt phí cho VÐV người khuyết tật. Khi phong trào thể thao người khuyết tật tại địa phương phát triển mạnh thì mới có điều kiện để tuyển chọn, cung cấp lực lượng cho các đội tuyển quốc gia. Bên cạnh đó, công tác đào tạo HLV, trọng tài, hướng dẫn viên cũng phải được đặc biệt lưu ý, nhất là về trình độ ngoại ngữ để tăng cường giao lưu và hội nhập. Chính vì vậy, theo lãnh đạo Hiệp hội Pa-ra-lim-pích Việt Nam, thời gian tới, sẽ tập trung phát triển mạng lưới câu lạc bộ TDTT cơ sở của người khuyết tật, quan tâm xây dựng thể thao người khuyết tật học đường, nhất là ở các trường giáo dục đặc biệt, nhằm tạo điều kiện để người khuyết tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động TDTT của cộng đồng và xã hội. Nền tảng chắc chắn thì mới có thể xây dựng và phát triển thể thao người khuyết tật một cách vững bền và vươn tới những thành tích đỉnh cao.
 

Nguồn: nhandan.com.vn
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song